Nên tập trung vào thương hiệu và tìm hướng đi mới phù hợp với sự thay đổi người tiêu dùng thế giới là khuyến nghị của Giáo sư Tom Cannon - nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới từ Vương quốc Anh với các doanh nghiệp Việt Nam khi đến Việt Nam diễn thuyết về chủ đề “Thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu và xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam”.
Giáo sư Tom Cannon |
Thưa ông, nhiều tổ chức nghiên cứu cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế của khu vực Đông Á đã đến đáy, còn theo nhìn nhận của ông, kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ra sao?
Tôi cũng tin rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế của khu vực Đông Á đã đến đáy. Trung Quốc và Ấn Độ đang có những bước phát triển khá tốt. Kinh tế Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng trở lại sớm hơn, khả năng là trong vòng 12 tháng tới.
Để dự đoán được điều này, tôi muốn nhắc tới 3 cơ sở chính.
Thứ nhất, hệ thống ngân hàng của Việt Nam có hoạt động khác với hệ thống ngân hàng của châu Âu và Bắc Mỹ, hành xử có trách nhiệm hơn.
Thứ hai, Việt Nam có nguồn lực lao động có chất lượng, có kỹ năng, khả năng làm việc dài. Tôi đã nhìn thấy nhiều doanh nghiệp (DN) lớn từ Nhật Bản, châu Âu đã đến đây để tận dụng cơ hội này.
Thứ ba là Chính phủ Việt Nam cũng như chính phủ các nước Đông Á đã có chiến lược tốt khi tập trung vào 4 điểm quan trọng của chiến lược phát triển là sáng tạo, phát triển DN, phát triển bền vững và quản trị chất lượng.
Hơn thế, tôi cũng muốn khuyến nghị là không nên quá lo ngại về cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ kết thúc. Điều quan trọng là chúng ta chuẩn bị gì cho tận dụng cơ hội hậu khủng hoảng.
Ông có nói đến sự chậm trễ trong hồi phục của kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, đây chính là các thị trường xuất khẩu lớn của hàng hoá Việt Nam. Và sẽ rất khó cho DN Việt Nam khi các thị trường này vẫn tiếp tục suy thoái như ông dự đoán?
Đó là thực tế. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói tới những thay đổi lớn trong thói quen, nhu cầu tiêu dùng của khu vực này. Người tiêu dùng Bắc Mỹ đang hướng mối quan tâm đến các loại thực phẩm tự nhiên, gắn với sức khoẻ, thực phẩm hữu cơ dành cho người ăn kiêng… Họ cũng quan tâm nhiều hơn đến giá cả, chi phí của họ dành cho tiêu dùng. Sự thay đổi này là cơ hội của DN Việt Nam khi lựa chọn những hàng hoá, sản phẩm mới.
Cũng cần có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN. Các DN sản xuất nên tập trung vào sản xuất chất lượng, xây dựng các thương hiệu sản phẩm tốt… Các ngân hàng nên hỗ trợ DN trẻ, các DN có những sáng kiến, ý tưởng sản phẩm mới, có thị trường mới. Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng hơn đến việc tạo điều kiện để các DN mới, DN trẻ tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn ngân hàng. Ở đây, bảo lãnh của Chính phủ với các khoản vay của DN là cần thiết.
Trong thời gian qua, nhiều DN Việt Nam đã lựa chọn chiến lược đa dạng hoá để tận dụng mọi cơ hội của thị trường. Ông có cho rằng, đó là hướng đi tốt cho DN Việt Nam hậu khủng hoảng?
Có nhiều cuộc thảo luận gay gắt về đa đạng hoá hay tập trung trong chiến lược hoạt động của các DN. Đây là sự lựa chọn thực sự khó khăn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, các DN nên tập trung vào những gì mà DN có thế mạnh nhất, hoạt động tốt nhất.
Điều quan trọng là các DN Việt Nam phải biết rõ thế mạnh của mình và thị trường của mình để có chiến lược phát triển phù hợp với sáng tạo. Thực tế là nhiều khi DN quá phấn khích với sản phẩm của mình, vào các kế hoạch kinh doanh của mình, trong khi thị trường đang diễn tiến theo hướng khác. Như tôi đã đề cập tới sự thay đổi hành vi tiêu dùng của thị trường Mỹ. DN Việt Nam nên tận dụng cơ hội này hơn là chỉ tập trung vào các sản phẩm truyền thống.
Trong chuyến đi lần này tới Hà Nội và TP.HCM, ông có thể nói gì về cơ hội cho hai thành phố này?
Với những nghiên cứu khá chi tiết về kinh tế Việt Nam của tôi, tôi tin là TP.HCM có đủ điều kiện hơn để tận dụng cơ hội. Vì trong và sau khủng hoảng, có nhiều DN mới, nhiều ngành, lĩnh vực mới sẽ phát triển. Tất nhiên, cũng sẽ có những lĩnh vực không còn hợp thời. Sự linh hoạt, năng động và sáng tạo của các DN tại Việt Nam, tại TP.HCM là điều kiện để họ không chỉ vượt qua, mà còn tận dụng tốt cơ hội này.
Tất nhiên, không đơn giản để đạt được thành công. Theo tôi, có 3 yếu tố các DN cần quan tâm hơn cả là sự sáng tạo, đầu óc kinh doanh của các lãnh đạo DN và đặc biệt là sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ. Đây chính là điểm khác biệt lớn với các cuộc khủng hoảng trước đây vốn phải dùng đến năng lượng… làm cơ sở vượt qua khủng hoảng. Và các thành phố trẻ, nền kinh tế trẻ có cơ hội hơn trong cuộc cạnh tranh này.
Tất nhiên, Hà Nội và TP.HCM đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với Singapore, Kuala Lumpur…, song lợi thế của Hà Nội và TP.HCM so với các quốc gia này là tiềm năng về du lịch, văn hoá. Điểm yếu mà các thành phố của Việt Nam cần phải khắc phục để đi nhanh hơn, đó là cơ sở hạ tầng, nền tảng giáo dục.
(Theo Khánh An // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com