Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đặt mục tiêu đạt 3 tỷ đô la năm nay |
Đau đầu chốt giá
Tháng 1/2009, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đối mặt với thực tế là các đối tác từ các thị trường lớn như Mỹ, EU... đang tiếp tục cắt giảm mạnh đơn hàng nhập khẩu. Để duy trì hoạt động và giữ người lao động, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tiếp tục xoay xở ký hợp đồng mới, chấp nhận giảm lợi nhuận.
Sau gần ba tháng bị tồn 5 container hàng, tháng 1/2009, trại túi Bảy Ô (Củ Chi, TPHCM) đã xuất sang Đài Loan được hơn 2 container túi tre, trúc thủ công, trị giá trên 60 triệu đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết, để ký được hợp đồng, doanh nghiệp buộc phải hạ giá bán khoảng 20% (từ 5.000 đồng/chiếc xuống còn 4.000 đồng/chiếc). Bà Phạm Minh Hương - Giám đốc điều hành Tổng công ty Phong Phú, thừa nhận: “Ký được hợp đồng với khách hàng Mỹ thời điểm này rất khó, bởi phần lớn họ đều muốn giá rất rẻ đồng thời đòi hỏi chất lượng thật cao”. Bà Hương cho hay, mặc dù đã ký được đơn hàng xuất khẩu xấp xỉ 4 triệu đô-la Mỹ trong quý 1-2009, nhưng đơn giá hợp đồng buộc phải hạ ít nhất 8-10% so với trước.
Giá chính là mấu chốt quan trọng trong việc tìm kiếm, thương thảo và ký kết được hợp đồng xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay. Hạ giá bao nhiêu khi thương thảo là cả một nghệ thuật. Ông Nguyễn Hoàng Vũ - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Savimex nói, đến thời điểm hiện nay tổng giá trị các đơn hàng xuất khẩu quý 1-2009 của công ty ông đã đạt khoảng 3,5 triệu đô-la Mỹ, gồm các mặt hàng nội thất, bàn ghế học sinh... Tuy nhiên, để đạt con số trên, suốt vài tháng qua ông đã phải xoay xở đủ kiểu với khách hàng chỉ về một vấn đề duy nhất: chốt giá.
Hạ sách giảm giá
Dự báo năm 2009 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng khoáng sản đạt khoảng 5,92 tỷ đô-la, giảm 5,97 tỷ đô-la (tương đương giảm 50,2%) so với năm 2008 chiếm 8,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó dầu thô còn 12 triệu tấn, khoảng 4,61 tỷ đô-la) (so với năm 2008 15 triệu tấn, đạt 11,5 tỷ đô-la). Nhóm hàng nông lâm thủy sản sẽ đạt tổng kim ngạch 12,23 tỷ đô-la, giảm 628 triệu đô-la, giảm 4,8% so với năm 2008. |
Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek), dự kiến có hai đợt giảm giá được các doanh nghiệp tính toán khi nhận đơn hàng xuất khẩu. Đợt đầu tiên tỷ lệ giảm ước khoảng 20% tính trên giá thành, sẽ tập trung vào việc giảm chất lượng nguyên phụ liệu để hạ cấp sản phẩm xuống mức thấp hơn, từ đó giá thành sản phẩm sẽ giảm. Đợt thứ hai chỉ xảy ra nếu sau khi giảm giá đợt một mà tình hình thị trường vẫn xấu, lúc đó sẽ tính toán thêm mức giảm cần thiết. Việc giảm giá gia công hoặc giảm lương nhân công lao động, theo ông Kiệt, không phải là giải pháp hay trong giai đoạn hiện nay.
Mặt khác xu thế dùng giá để cạnh tranh sẽ dẫn đến cảnh đua nhau giảm giá để giành hợp đồng, người thiệt hại trước tiên là chính các doanh nghiệp. Nhìn về lâu dài đây là giải pháp hạ sách.
Chuyển hướng thị trường
Để đối phó với những khó khăn sắp tới, bà Phạm Minh Hương cho biết tổng công ty đang chuyển hướng sang những thị trường còn khả năng mở rộng như Nhật Bản và EU. Phong Phú đã chủ động liên hệ đặt quan hệ mới với khách để chào thử sản phẩm. Kết quả là trong đơn hàng của quý 1-2009, số lượng hàng giao cho thị trường Nhật, EU tăng vọt, đơn giá hợp đồng vẫn duy trì được mức tương đối.
Việc chuyển dịch thị trường hiện nay nhiều khi là việc bắt buộc khi thị trường nhập khẩu lớn sụt giảm. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Công Hiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt Nam còn rất ít thông tin về những thị trường mới như châu Phi, Mỹ La-tinh; kể cả thông tin về luật pháp lẫn thị hiếu người tiêu dùng, hình thức kinh doanh phù hợp.
Bên cạnh đó, với dung lượng thị trường nhỏ, khó khăn về vận tải, thanh toán và không ít khu vực có chính trị không ổn định cộng với tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm của doanh nghiệp chúng ta còn yếu nên nhiều doanh nghiệp đã ngại tiếp cận nhóm thị trường này.
Tuy nhiên, “có vào hang mới bắt được cọp”, ông Nguyễn Công Hiến cho rằng các doanh nghiệp cần dựa vào các cơ quan, dịch vụ thông tin trong nước và các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để làm cơ sở thâm nhập các thị trường mới. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thuận lợi hơn khi thâm nhập vào những thị trường mới, Bộ Công Thương đang nghiên cứu mở thêm một số thương vụ Việt Nam tại một số nước châu Phi vì hiện nay Việt Nam đã lập quan hệ ngoại giao với 48/54 nước châu Phi, với 7 cơ quan đại diện ngoại giao nhưng mới có 5 thương vụ.
Tại Mỹ La-tinh, Bộ cũng đang nghiên cứu mở thêm một số thương vụ và củng cố hoạt động của các cơ quan đầu mối thông tin ở khu vực này nhằm giúp doanh nghiệp khai thác thị trường hiệu quả hơn.
Lựa hàng để bán
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, năm 2009 nhiều nhóm hàng hoá của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng hóa cùng chủng loại khác của các nước châu Á như: nông sản, dệt may, giày dép, điện tử. Trong khi đó nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU có xu hướng giảm. Thuận lợi về giá như năm 2008 nhìn chung sẽ không còn, trong khi khả năng tiêu thụ của các thị trường đều giảm.
Bộ này tính toán, trong năm 2009 các mặt hàng như khoáng sản (đặc biệt là dầu thô, than đá), nông lâm sản... giảm mạnh về lượng, khó đạt cao về giá; vì vậy nhóm mặt hàng được kỳ vọng nhiều hơn là hàng công nghiệp chế biến. Đây là nhóm bao gồm nhiều chủng loại hàng hoá và có khả năng tăng trưởng không hạn định, miễn là chúng ta cải tiến sản xuất và nâng cao tính cạnh tranh. Và như vậy, dệt may (mục tiêu đạt 11,5 tỷ đô-la Mỹ), giày dép (mục tiêu đạt 5,1 tỷ đô-la, hàng điện tử và linh kiện máy tính (mục tiêu đạt 4,1 tỷ đô-la), sản phẩm gỗ (mục tiêu đạt 3 tỷ đô-la)... vẫn phải nỗ lực mang về ngoại tệ cho đất nước. Các mặt hàng khác được coi là có tiềm năng như nhựa, dây và cáp điện, túi xách… được trông vào nhờ các giải pháp mở rộng thị trường. Các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, nhân điều, chè… sẽ phải phấn đấu nâng cao giá trị chế biến và thực hiện nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để có giá xuất khẩu cao hơn.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com