Nông dân Mộc Châu (Sơn La) chăm sóc bò sữa. |
Với địa hình phong phú, bao gồm cả cao nguyên, gò đồi và các vùng đất bãi rộng lớn, các tỉnh phía bắc nước ta có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa. Qua bao thăng trầm, nghề chăn nuôi bò sữa đang hồi phục và phát triển. Tuy nhiên cần phải có những giải pháp mạnh, đồng bộ hơn nữa trong công tác quản lý để đàn bò sữa phát triển ổn định, bền vững, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn.
Làm giàu từ nghề chăn nuôi bò
Trong buổi giải ngân Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội, gương mặt các chủ hộ chăn nuôi bò sữa ở ba xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội) rạng rỡ khi được vay vốn hỗ trợ mua giống bò, máy vắt sữa. Anh Phùng Anh Tuấn hồ hởi kể về những dự định phát triển đàn bò sữa nhà mình: "Gia đình tôi nuôi sáu con, hiện có bốn con đang vắt sữa. Bình quân, mỗi ngày thu được gần một tạ sữa. Hiện nay, Công ty CP sữa Ba Vì thu mua 7.500 đồng/lít sữa, như vậy chúng tôi có lãi rồi. Với số vốn được vay (90 triệu đồng), tôi dự định nuôi thêm bốn đến năm con nữa, đồng thời đầu tư trồng cỏ chất lượng cao có hệ thống phun tưới tự động". Còn Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, ngay trong đợt giải ngân đầu tiên của năm 2009, có 32 hộ ở ba xã trên được vay hơn 2,4 tỷ đồng để phát triển vùng bò sữa tập trung Ba Vì. Giám đốc Trung tâm giống gia súc Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, giá sữa thu mua của các công ty sữa những tháng hè này khá ổn định (khoảng 7.500 đến 8.000 đồng/lít sữa), vì vậy bà con nông dân phấn khởi mở rộng quy mô chăn nuôi. Do nhu cầu giống bò sữa tăng, cho nên giá con giống ở thời điểm này khá cao, trung bình khoảng 25 đến 35 triệu đồng/con bò sữa ở thời kỳ khai thác. Các chuyên gia tính toán rằng, mỗi năm đàn bò sữa sinh sản khoảng 25 nghìn con bê cái, đáp ứng không đủ nhu cầu giống bò hiện nay. Việc "sốt giống" không phải ảo như thời kỳ "nuôi theo phong trào" mà đây là thực tế khẳng định chăn nuôi bò sữa đang thật sự phát triển.
TS Ðỗ Kim Tuyên, Trưởng phòng gia súc lớn (Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đàn bò sữa nước ta hiện có hơn 110 nghìn con, với 55 nghìn con đang vắt sữa; trong đó, khoảng 20% số đàn bò ở các tỉnh ở phía bắc như: Hà Nội, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Nam, với 7.013 hộ chăn nuôi, quy mô trung bình khoảng 3,7 con/hộ. Mặc dù mới chiếm số lượng khiêm tốn trong cơ cấu đàn bò cả nước, nhưng tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa ở đây rất lớn. Giai đoạn (2001 - 2006), tốc độ tăng đàn lên tới 43,7%/năm (so với các tỉnh phía nam chỉ tăng 22,1%/năm).
Thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển chăn nuôi bò sữa (thời kỳ 2001 - 2010), nhiều địa phương cũng ban hành chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa như hỗ trợ công tác giống, thú y, tập huấn quy trình chăn nuôi... Ðến nay, chất lượng đàn bò sữa đã cải thiện nhiều; sản lượng sữa trên một chu kỳ vắt sữa cao hơn hẳn so với "điểm xuất phát" (năm 2001) của Chương trình phát triển bò sữa. Nếu như trước đây, một con bò sữa trung bình chỉ đạt 3.200 lít/chu kỳ thì đến nay đạt 3.900 đến 4.000 lít/chu kỳ, một số nơi đạt năng suất hơn 11 nghìn lít/chu kỳ (vùng Mộc Châu, Tuyên Quang). Sản lượng sữa hiện nay đáp ứng hơn 28% nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Hơn nữa, người nông dân đã có ý thức chăn nuôi thâm canh. Trước đây, nói đến Chương trình bò sữa, người ta nghĩ đến chương trình chăn nuôi theo phong trào, thì nay, những vùng bò sữa hàng hóa đã hình thành, góp phần tạo nên những thương hiệu sữa Vinamilk, Mộc Châu, Ba Vì, Phù Ðổng, Hanoimilk... Theo Cục Chăn nuôi, nhiều đối tác nước ngoài đang muốn đầu tư vào chăn nuôi bò sữa tại các tỉnh phía bắc.
Cùng với việc lắp đặt thêm dây chuyền chế biến sữa, các công ty đã có ý thức xây dựng vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết chặt chẽ với người chăn nuôi thông qua hợp đồng thu mua với cam kết hỗ trợ vốn mua giống bò, máy vắt sữa, tập huấn kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phó Tổng giám đốc Công ty sữa quốc tế IDP Phan Sĩ Minh cho biết: "Công ty đã lập dự án đầu tư phát triển đàn bò sữa vùng chân núi Ba Vì với tổng nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng (bao gồm hỗ trợ mua con giống, mua máy vắt sữa, phát triển các bồn thu gom sữa) trong thời gian bốn năm, với hình thức cho nông dân vay không tính lãi, dân hoàn lại vốn cho công ty bằng chính sản phẩm sữa tươi. Ðồng thời, công ty còn phối hợp Trung tâm Giống gia súc Hà Nội xây dựng mạng lưới thu gom sữa, đào tạo tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y, bảo quản sữa và kiểm tra chất lượng. Ðược biết, đầu năm nay, Công ty cổ phần sữa Ba Vì đầu tư 800 triệu đồng ứng trước cho bà con mua con giống, vật tư chăn nuôi. Năm 2008, công ty chi 1,7 tỷ đồng vốn không tính lãi cho "vùng bò sữa nguyên liệu" Ba Vì.
Giải pháp phát triển bền vững
Nghề chăn nuôi bò sữa phụ thuộc nhiều vào chất lượng con giống, quy mô cũng như kiến thức chăn nuôi, phòng bệnh, khai thác và thu mua sữa. Thời gian qua, ngành bò sữa có những thăng trầm bởi những nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Mặc dù xu hướng mở rộng quy mô chăn nuôi đang tăng dần, nhưng nhìn chung ở các tỉnh phía bắc, mỗi hộ trung bình cũng chỉ nuôi vài ba con, lại phân tán gây khó khăn cho việc trợ giúp của Nhà nước, thu gom, vận chuyển sữa. Chất lượng giống bò sữa trên thực tế chưa kiểm soát được, chủ yếu dân mua bằng cảm quan, theo kinh nghiệm. Giữa nông dân và nhà máy sữa chưa gắn được với nhau về quyền lợi, trách nhiệm và giá thức ăn tăng cao là những thách thức ảnh hưởng đến hiệu quả của chăn nuôi bò sữa. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng: "Tư duy về việc khuyến khích chăn nuôi bò sữa cần phải thay đổi, chỉ nên khuyến khích phát triển chăn nuôi ở những hộ có điều kiện, vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và cần phải thay đổi cả về tập huấn đào tạo nghề chăn nuôi bò sữa cho người nông dân". Thí dụ tại Hà Nội, thành phố sẽ dành kinh phí khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa không theo bề rộng mà theo chiều sâu, hướng tập trung. Chọn một số xã đang chăn nuôi bò sữa, các hộ có quy mô từ năm con trở lên rồi đào tạo nghề một cách bài bản cho họ... thông qua những mô hình điểm (tập huấn lý thuyết gắn với thực hành), làm sao hình thành những "làng chăn nuôi bò sữa, xã chăn nuôi bò sữa".
Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, ngành nông nghiệp nước ta hướng tới mục tiêu một triệu lít sữa, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng sữa của người dân. Nghề chăn nuôi bò sữa ở các tỉnh phía bắc nói riêng và ngành bò sữa nói chung đang ổn định và phát triển bền vững. Như Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao khẳng định: Mục tiêu 500 nghìn con bò sữa vào năm 2020 là hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực nếu chúng ta thực hiện được những giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ cho ngành bò sữa.
Trước hết, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi, từng địa phương cũng chú ý vấn đề quy hoạch đất đai chăn nuôi, trồng cỏ cho bò sữa.
Thứ hai, để chủ động hơn về nguồn con giống, Nhà nước cần tháo gỡ những trở ngại về hiệp định thú y với quốc tế, tạo điều kiện cho các công ty nhập bò sữa cao sản có năng suất, chất lượng tốt, khắc phục tình trạng luôn thiếu giống bò.
Thứ ba, tiếp tục hướng dẫn chăn nuôi an toàn theo quy trình GAP; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc chấp hành tốt quy trình sản xuất sữa, thực hiện cam kết theo hợp đồng với nhà máy chế biến.
Thứ tư, Nhà nước nên có Chương trình sữa học đường (trước hết tập trung vào mẫu giáo và tiểu học) vừa bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em, vừa tạo nguồn tiêu thụ sữa ổn định trước những biến động của thị trường. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích thu mua sữa bò tươi trong nước, và cũng nên có chính sách cấp hạn ngạch cho nhà máy chế biến nhập lượng sữa bột nguyên liệu tương ứng với sản lượng vùng nguyên liệu. Người chăn nuôi cũng cần nhận thức "giá sữa theo mùa" rõ ràng (mùa hè tiêu dùng sữa tươi lớn, năng suất lại thấp hơn mùa đông, cho nên giá thu mua sữa thường cao), tránh hoang mang, ảnh hưởng không tốt cho phát triển đàn bò sữa.
(Bài và ảnh: HẢI PHƯƠNG // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com