Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ Sau hơn 3 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản pháp lý nhằm "nội luật hóa" các cam kết gia nhập WTO, tạo điều kiện cho các cơ quan, DN thực hiện đúng các cam kết. Đặc biệt, GDP nước ta tăng trưởng cao, nhưng phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài. Đây cũng là thời gian tiết kiệm nội địa ở mức thấp, năm 2009 chỉ đạt khoảng 438.000 tỷ đồng, chiếm 26,7% GDP so với GDP năm 2008 (26,6%), nhưng còn thấp hơn nhiều so với năm 2007 (29,2%).
Vì vậy, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng cùng với đó, không ít điểm yếu về chất lượng tăng trưởng đã bộc lộ rõ với hiệu quả thấp do chi phí cao, giá trị gia tăng và năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế. Nước ta đã mở rộng các ngành sản xuất khá nhanh, phát triển mạnh ở các tỉnh, với các đô thị mới, các dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, việc phối hợp, liên kết ở các dự án, đô thị nói trên còn thiếu đồng bộ, thiếu tính bền vững. Theo các chuyên gia, sẽ không có nhiều lựa chọn khi nền kinh tế phải dựa vào nguồn vốn từ bên ngoài, với một lượng vốn FDI lớn, nền kinh tế không có khả năng hấp thụ hiệu quả, trong khi nguồn vốn này tiềm ẩn không ít rủi ro.
Hội nhập đã giúp nền kinh tế nước ta chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, song thâm hụt thương mại cũng khá lớn, mặc dù xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) đều tăng, nhưng NK tăng nhanh hơn. Theo ngành chức năng, chỉ tính riêng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước trong 5 tháng đầu năm 2010 là 57,78 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, kim ngạch XK là 26,13 tỷ USD, tăng 13,9%; NK khoảng 31,66 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2009). Kết quả, cán cân thương mại hàng hóa sau 5 tháng đầu năm nay thâm hụt khoảng 5,53 tỷ USD, bằng 21,2% kim ngạch XK. Đặc biệt, các sản phẩm NK và nhập siêu đã tác động mạnh đến các DN sản xuất công nghiệp và tiến trình công nghiệp hóa. Vì vậy, cần phát triển công nghiệp hóa theo hướng tăng giá trị nội địa, đồng thời tham gia có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, trên cơ sở nâng cao trình độ công nghệ, quản trị... DN.
Cần kế hoạch tổng thể Việc phát triển kinh tế liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố hội nhập. Vì thế, các ngành chức năng, cộng đồng DN cần đánh giá những ưu, nhược điểm của những vấn đề đã thực hiện trong hơn 3 năm qua, từ đó rút kinh nghiệm để thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.
Theo các chuyên gia, khi đánh giá tác động của việc hội nhập WTO phải dựa vào 2 yếu tố cơ bản là tình hình thế giới và trong nước. Với thế giới, sau khủng hoảng, xu thế bảo hộ tăng và một số vấn đề khác liên quan, trong đó có việc tái cấu trúc hệ thống tài chính... Còn với trong nước, năm qua nước ta khá vất vả để khắc phục những tác động của cuộc khủng hoảng
kinh tế thế giới, nhưng tâm thế hội nhập vẫn vững vàng. Quá trình hội nhập của nước ta cũng nổi lên hai vấn đề. Thứ nhất, còn lúng túng trong việc ứng phó với quá trình hội nhập trong khủng hoảng. Thứ hai, trong quá trình hội nhập, các điểm yếu bộc lộ rõ, đặc biệt là vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế. Để việc phát triển kinh tế thị trường được hoàn thiện phải sử dụng biện pháp hành chính là cần thiết, vì trong cam kết WTO cũng có hai mặt, vừa phải mở cửa theo cam kết, vừa phải bảo vệ cũng theo quy định của WTO.
Bộ Công thương cho biết, trong thời gian qua nước ta đã ký 5 hiệp định, nghị định thư song phương; 15 hiệp định, nghị định thư về hợp tác đa phương (trong khuôn khổ WTO, ASEAN, ASEAN+) và 32 thỏa thuận hợp tác. Các ngành đã phối hợp đồng bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hiệp định hợp tác về kinh tế, thương mại; rà soát, sửa đổi và xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến cam kết hội nhập (có 9 văn bản pháp luật đã được thông qua và 22 văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung). Việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC, ASEM... lãnh đạo bộ cũng đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội nhiều giải pháp liên quan đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xây dựng pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện tổ chức trong các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cạnh tranh, chống trợ cấp, chống bán phá giá, giải quyết những tranh chấp thương mại, quản lý thị trường...