Chiều 28-6, Hội Kiến trúc sư VN đã có cuộc họp góp ý kiến về việc xây dựng 5 cổng chào cỡ lớn mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các ý kiến cho thấy nếu làm vội vàng, thẩm định qua loa sẽ gây phản tác dụng...
Phương án chưa rõ
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng thời gian quá ngắn nên dường như việc chuẩn bị xây dựng 5 cổng chào này thiếu sức thuyết phục. Địa điểm đặt cổng chào chủ yếu mới căn cứ vào khả năng giải phóng mặt bằng thu hồi đất, gần trục giao thông lớn mà chưa thật sự gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử.
Về phương án thiết kế, KTS Phạm Đình Việt nhận xét nếu là hình khối thì chưa đạt, còn nặng vào chi tiết thì ai xem, ai ngắm khi mà các tuyến đường cao tốc này các loại xe đều phải chạy với tốc độ 50-70 km/h nên hình ảnh cổng chào chỉ là cảm nhận vụt qua mà thôi.
KTS Doãn Minh Khôi phân tích, cần làm rõ ngay từ đầu bài vì nếu là cổng thì không thể đặt trong sân, mà cổng thì phải xem sinh khí có hợp với nhà không. Các công trình kiến trúc Hà Nội nhìn chung mang dáng dấp, tỷ lệ nhỏ, nên cổng quá lớn thì e không phù hợp.
“Một số hình ảnh thể hiện chưa đạt; bố cục về các con rồng gây rối mắt, ít tính biểu trưng. Hình ảnh cọc Bạch Đằng không mang ý nghĩa cao về kiến trúc, văn hóa”.
Một số ý kiến khác cho rằng, về kỹ thuật với tỷ lệ kiến trúc lớn như vậy thì móng và kết cấu phải rất vững chắc lại thêm nhiều chi tiết cầu kỳ, do vậy khó hoàn thành trong 100 ngày.
Phải có ý nghĩa với cộng đồng
Hầu hết các ý kiến góp ý đều cho rằng chỉ nên làm các cổng chào quy mô nhỏ phạm vi từ đường vành đai 3 hoặc 4 trở vào trung tâm có tính chất phục vụ Đại lễ. Quy mô nhỏ sẽ dễ thi công, không quá tốn kém, mà vẫn thể hiện được với du khách xa gần về một Hà Nội mến khách, góp không khí với Đại lễ, tạo niềm hứng khởi cho người dân.
Hình ảnh cổng chào nên chọn những biểu trưng đã được nhân dân chấp nhận như Khuê Văn Các và là nơi mà người dân có thể ngắm nhìn dễ dàng. Nên dùng kết cấu thép và vật liệu nhẹ.
KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN cho biết, nếu làm cổng chào theo cách thông thường, kết hoa đẹp, dùng xong Đại lễ tháo dỡ thì nên làm. Tuy nhiên, nếu làm có tính chất là công trình biểu trưng lâu dài thì cần thẩm định sâu hơn về nhiều mặt như tiêu chí, địa điểm, ý nghĩa lịch sử, văn hoá, giá trị sử dụng.v.v.
Không gian đô thị phải đẹp hơn khi có cổng chào. Với cách này, nơi nào có hoạt động kỷ niệm, lễ hội thành phố có thể nghiên cứu cho làm cổng chào. KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết, Hội Kiến trúc sư VN sẽ có văn bản gửi thành phố Hà Nội để góp ý về công việc này.
(Theo Minh Tuấn // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com