ửa chặng đường của năm kế hoạch 2010, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trên đà hồi phục từ cuối năm ngoái. Nhìn chung, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch quan trọng đều có bước cải thiện đáng ghi nhận…
May hàng xuất khẩu tại Công ty Dệt may Cái Lân. Ảnh: Duy Tuấn |
Những số liệu khả quan
Theo số liệu công bố tại cuộc họp giao ban của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24-6, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm đạt 6-6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,7-3,2%, công nghiệp và xây dựng tăng 6-6,7%, dịch vụ tăng 6,8-7,2%.
Tính chung, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đạt hơn 366 ngàn tỷ đồng, tăng 13,8%. Một số sản phẩm đạt mức tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, gồm: điện, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, sữa bột, ô tô, xe máy, xà phòng, tủ lạnh, giày thể thao, quần áo, điều hòa nhiệt độ, vật liệu xây dựng… Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng cao như Hà Nội, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa… Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 103 ngàn tỷ đồng, tăng 5,34% so với cùng kỳ, là kết quả rất tốt trong bối cảnh điều kiện thời tiết không thuận lợi. Nhiều loại nông sản, thủy sản, nhất là gạo vẫn giữ được "phong độ" trong xuất khẩu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 747 ngàn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Thị trường sôi động, hàng hóa phong phú và đa dạng cho thấy sức mua hồi phục nhanh, trong đó hàng do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất ngày càng mở rộng thị phần, hướng tới mục tiêu tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Du lịch đang thật sự hồi phục, đã đón hơn 2,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 35% so với cùng kỳ với nhiều thị trường khách quan trọng hồi phục và tăng lượng khách đến. Lượng khách nội địa đạt khoảng 14,8 triệu lượt, tăng 10,7%. Đó là cơ sở để thúc đẩy các dự án xây dựng, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng du lịch trên phạm vi cả nước. Vận tải hành khách, hàng hóa bảo đảm nhu cầu dân sinh và lưu thông phục vụ đắc lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Dịch vụ bưu chính, viễn thông giữ đà tăng trưởng mạnh, tổng doanh thu toàn ngành đạt 137 ngàn tỷ đồng, tăng gần 7,5% so với cùng kỳ.
Tổng giá trị giải ngân vốn ODA đạt 1,41 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Cả nước thu hút thêm 438 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN), với tổng vốn đăng ký mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 43% về vốn so với cùng kỳ. Tính chung cả về dự án mới cấp phép và xin tăng vốn, cả nước đã thu hút thêm 8,43 tỷ USD vốn đăng ký. Đặc biệt, tổng vốn ĐTNN thực hiện 6 tháng qua đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,9%. Hoạt động kinh tế đối ngoại "nóng" trở lại bởi tình hình kinh tế trong nước chuyển biến tích cực và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng, chọn Việt Nam là điểm đến của dòng vốn trung và dài hạn.
Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, với những mặt hàng quan trọng có tốc độ tăng trưởng cao như sắt thép, dây và cáp điện, hóa chất và sản phẩm hóa chất, máy móc, thiết bị, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng điện tử, máy tính, hàng thủ công mỹ nghệ, thủy sản… Đáng chú ý là giá cả nhiều loại hàng xuất khẩu được cải thiện trên thị trường thế giới góp phần tích cực vào kết quả xuất khẩu. Đến nay, đã có 9 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm thủy sản, hàng dệt may, dầu thô, gạo, giày dép, thiết bị và phụ tùng, đá quý và kim loại quý, hàng điện tử và máy tính; gỗ và sản phẩm gỗ.
Quan tâm cải thiện chất lượng và thứ hạng môi trường kinh doanh
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại như lượng điện cung cấp hạn chế, thiếu ổn định do sự eo hẹp của nguồn cung nên ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống dân sinh. Mức nhập siêu trong 6 tháng đầu năm cũng khá lớn, bằng 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu và báo hiệu khả năng tăng cao hơn trong thời gian tới khi các DN gia tăng nhập khẩu, nhất là đơn vị thuộc khu vực có vốn ĐTNN. Đáng lo ngại là tốc độ tăng nhập khẩu vẫn luôn cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu…
Các chuyên gia lưu ý, thời gian tới các DN cần tăng cường đầu tư chiều sâu, chuyển đổi công nghệ để làm ra hàng hóa có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh. Chính phủ, các bộ và địa phương quan tâm, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thông qua cải cách hành chính, cải thiện chất lượng và thứ hạng môi trường kinh doanh quốc gia và địa phương. Cơ quan chức năng tăng tốc các chương trình hỗ trợ, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường và giúp DN tìm kiếm thị trường mới nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu kết hợp giảm thiểu mức nhập siêu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, có giải pháp chỉ đạo, hỗ trợ các dự án tăng tốc độ giải ngân hướng tới việc sử dụng vốn có hiệu quả, trong đó tập trung vào những chương trình/dự án quan trọng, cấp quốc gia, vùng, những dự án có tác động sâu rộng tới phát triển KT-XH, dân sinh…
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com