Đều đạt được những thành tựu ấn tượng từ khi cải cách, Trung Quốc (từ năm 1978) và Việt Nam (từ năm 1986) chứng kiến sự khác biệt lớn về tăng trưởng dù bối cảnh xuất phát và đặc điểm của hai cuộc cải cách gần như tương đồng.
Trong năm thập kỷ vừa qua, Đông Á nổi lên là một khu vực với những câu chuyện ngoạn mục về sự phát triển kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) xác định 8 nền kinh tế châu Á đạt thành quả cao nhất (HPAEs) là Nhật Bản, "Bốn Con rồng châu Á" gồm Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, và ba nền kinh tế mới được công nghiệp hóa (NIEs) gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Trong khi bốn Con rồng châu Á và NIEs đều đạt được các thành quả ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và phát triển, giữa các nền kinh tế này vẫn có sự khác biệt về nhịp độ và hiệu quả của tăng trưởng. Hơn nữa, sự phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 của các nền kinh tế NIEs cũng như của bốn Con rồng châu Á khiến ta nghĩ rằng hai nhóm này có những khác biệt đáng kể về các nhân tố cơ bản tạo ra thành quả kinh tế của họ.
Trung Quốc và Việt Nam đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng chú ý kể từ khi phát động cuộc cải cách kinh tế trong nước (Trung Quốc vào năm 1978 và Việt Nam năm 1986). Tuy nhiên, giống như giữa bốn Con rồng châu Á với NIEs, hai nước này cũng chứng kiến những khác biệt lớn về thành quả tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc và Việt Nam đi theo những mô hình tăng trưởng tương tự nhau, nhưng tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc rất nhiều.
Bên cạnh Trung Quốc, cần phải nhấn mạnh rằng Ấn Độ, nước thúc đẩy tăng trưởng mạnh kể từ khi tiến hành cải cách năm 1991, cũng làm tốt hơn Việt Nam từ năm 2004, và cả Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn Viêt Nam sau cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Các quan sát trên cho thấy sự khác biệt về thành quả kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ lớn hơn nữa, chứ không đơn giản là sự chênh lệch về số lượng trong tăng trưởng kinh tế vào một thời gian nào đó.
Những nét tương đồng
Trung Quốc bắt đầu xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vào năm 1949, trong khi quá trình này ở Việt Nam bắt đầu năm 1954 ở miền Bắc và năm 1975 trên cả nước thống nhất. Cả Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu phát triển kinh tế từ những nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Tháng 12/1978, phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban trung ương đảng lần thứ 11 ở Trung Quốc đưa ra sáng kiến về cuộc cải cách kinh kế. Tám năm sau, vào tháng 12/1986, Đại hội lần thứ VI của đảng Cộng sản Việt Nam cũng phát động cải cách kinh tế, được biết đến với cái tên "Đổi Mới". Dù các cuộc cải cách kinh tế ở hai nước được khởi động cách nhau gần một thập kỷ, nhưng hai cuộc cải cách này có những đặc điểm tương đồng, về bối cảnh dẫn tới cải cách, các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ban đầu, cũng như các phương pháp tiến hành cải cách và quản lý kinh tế.
Thực vậy, cuộc cải cách kinh tế ở cả hai nước đề xuất phát từ bối cảnh gồm ba nhân tố quan trọng cần cho sự thay đổi: khả năng lĩnh hội cái mới, khủng hoảng và cơ hội. Trong thời kỳ tiền cải cách (ở Trung Quốc từ năm 1949-1978, ở Việt Nam từ năm 1954-1986), hai nước có những nỗ lực vượt bậc nhằm xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, song chưa thành công. Trung Quốc bị bần cùng hóa bởi thảm họa Đại Nhảy vọt và Cách mạng văn hóa, trong khi nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ vì chính sách tập thể hóa đất đai, quốc hữu hóa công nghiệp tư nhân và các thể chế thương mại.
Sau gần 30 năm phát triển kinh tế với mức tăng trưởng hàng năm đạt 2,7%, GDP trên đầu người của Trung Quốc năm 1978 chỉ đạt 164 USD. Năm 1986, Việt Nam bị liệt vào danh sách các nước nghèo nhất thế giới, với GDP trên đầu người chỉ là 203 USD. Tăng trưởng chỉ đạt 1,4% trong 10 năm sau khi đất nước thống nhất năm 1976 và Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ kinh tế của Liên Xô.
Các mô hình phát triển kinh tế làm ai cũng thấy nản này khiến Trung Quốc và Việt Nam quyết định thay đổi cách quản lý kinh tế. Đối với Việt Nam vào năm 1986, thái độ sẵn sàng thay đổi càng lớn hơn khi cải cách kinh tế ở Trung Quốc bước đầu thành công.
Ngoài ra, hai nước đều phải đối mặt với những khó khăn lớn khiến các cuộc cải cách của họ trở nên cấp thiết hơn. Lĩnh vực nông nghiệp của Trung Quốc suy giảm 1,8% trong năm 1976 và 2,2% năm 1977. Trong khi đó, Việt Nam chứng kiến cảnh thiếu lương thực trầm trọng, siêu lạm phát và trợ cấp giảm. Sản lượng lương thực trên đầu người hàng năm giảm từ 304kg (quy ra thóc) năm 1985 xuống còn 301kg năm 1986 và 281kg năm 1987. Tỷ lệ lạm phát cao phi mã: 90% năm 1985, 455% năm 1986, 361% năm 1987 và 374% năm 1988. Trợ giúp hàng năm tính theo đầu người mà Việt Nam nhận được giảm hơn 50%, từ 6 USD/người trong những năm 1978-1982 xuống còn 2,6 USD những năm 1983-1987.
Các cuộc cải cách ở hai nước trở nên khả thi nhờ một số nhân tố bên ngoài và bên trong. Đối với Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 mở đường cho Đặng Tiểu Bình trở thành hạt nhân của ban lãnh đạo đảng. Đối với Việt Nam, các chương trình cải cách cơ bản, được Mikhail Gorbachev phát động từ năm 1985 ở Liên Xô - sau này là mô hình phát triển kinh tế cho Việt Nam cũng như việc cung cấp các hỗ trợ chính cho người dân - nói trong chừng mực nào đó, gợi cảm hứng cho giới lãnh đạo Việt Nam. Hơn nữa, khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời năm 1986, Việt Nam chuyển sang giai đoạn cải cách mà Đại hội đảng VI hồi tháng 12/1986 đề ra.
Các bối cảnh tương tự nhau dẫn tới các cuộc cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam như nói ở trên là nền tảng cho thực tế là các cuộc cải cách ở cả hai nước mang tính kinh tế hơn là chính trị.
Về các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ban đầu, Trung Quốc và Việt Nam ở mức độ phát triển tương đương nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nguồn nhân lực cơ bản, kinh tế và cơ sở hạ tầng. Hai nước có tỷ lệ người biết đọc biết viết và có chế độ dinh dưỡng như nhau. Nếu tuổi thọ ở Trung Quốc cao hơn thì Việt Nam lại vượt về tỷ lệ người trưởng thành biết chữ và tỷ lệ người ở tuổi trung niên.
Nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam khi khởi động cải cách đều ở mức chưa phát triển, với GDP đầu người đạt 165 USD ở Trung Quốc và 203 USD ở Việt Nam. Bên cạnh cấu trúc GDP, lĩnh vực công nghiệp là chủ đạo ở Trung Quốc (48,2%), trong khi ở Việt Nam nông nghiệp là lĩnh vực chủ chốt (38,1%). Sự khác nhau này đặt ra cả ưu và nhược điểm cho cả hai nước trong giai đoạn đầu cải cách kinh tế. Đối với Trung Quốc, lĩnh vực công nghiệp rộng lớn, chủ yếu do nhà nước sở hữu, tạo ra nền tảng vững chắc hơn để công nghiệp hóa, song tính hiệu quả rất kém của nó - quá nhiều nhân công lại thiếu định hướng thị trường - đòi hỏi những nỗ lực lớn và thiện chí chính trị mạnh mẽ để cải cách. Đối với Việt Nam, lĩnh vực nông nghiệp nòng cốt có thể cho phép "nhảy cóc" với các dự án phát triển công nghiệp mới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp nhỏ bé cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam gặp khó khăn khi tìm kiếm các nhân công lành nghề và xây dựng một mạng lưới công nghiệp phụ trợ ngay từ đầu quá trình công nghiệp hóa.
Về kinh tế nông thôn, 80% dân số của cả hai nước sống tại khu vực nông thôn, và hai nước đều có sản lượng ngũ cốc trên hecta tương đương nhau (2,802 kg đối với Trung Quốc và 2,715 kg đối với Việt Nam). Nền kinh tế cả hai nước đều mở cửa ở mức rất thấp và có cơ sở hạ tầng yếu kém khi bắt đầu tiến hành cải cách. Tỷ trọng xuất khẩu trong GDP đạt 6,6% ở cả hai nước. Tỷ lệ người sử dụng điện thoại (tính trên 1.000 dân) là 1,3 ở Việt Nam và 2,0 ở Trung Quốc.
Trong khi các cuộc cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam được khởi động dưới sức ép của sự thất vọng về kinh tế và nhu cầu rất lớn phải tìm ra một con đường mới để xây dựng nền kinh tế, quan tâm lớn của lãnh đạo hai nước là duy trì ổn định chính trị và quyền lực tuyệt đối của đảng Cộng sản. Kết quả là, để xác định tính hợp pháp của hệ thống chính trị, hai nước chọn cách tiến hành cải cách "từng bước" với mục tiêu đặc biệt là tăng trưởng kinh tế. Về mặt này, hai bên có một số tương đồng lớn:
- Khởi động cải cách là quyết định bước ngoặt của đảng Cộng sản với một đội ngũ lãnh đạo mới.
- Quản lý lĩnh vực nông nghiệp: hai nước đều đưa vào một "hệ thống trách nhiệm thỏa thuận với hộ gia đình". Bước này biến hộ ra đình thành một đơn vị sản xuất, khích lệ nông dân nỗ lực tối đa. Điều này chính thức diễn ra ở Trung Quốc năm 1980 và ở Việt Nam năm 1988, tức là khoảng hai năm sau khi phát động cải cách ở hai nước.
- Hợp pháp hóa sự hình thành và phát triển của lĩnh vực tư nhân. Bước này được Trung Quốc thực hiện năm 1982 thông qua sửa đổi hiến pháp, đặt lĩnh vực tư nhân là "một thành phần bổ sung của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa". Việt Nam cũng làm theo năm 1990 với việc ban hành Luật Công ty.
- Các cuộc cải cách doanh nghiệp vừa và nhỏ (SOE) và "nâng cấp sân chơi" được tiến hành theo ba bước. Giai đoạn đầu (1979-1984 đối với Trung Quốc và 1987-1994 đối với Việt Nam) tập trung trao cho SOE quyền tự quyết nhiều hơn và làm cho các doanh nghiệp này hướng vào thương mại hơn trong khi xóa bỏ nền kinh tế chỉ huy. Bước hai (1985-1993 đối với Trung Quốc và 1994-1998 đối với Việt Nam) nhằm tái cấu trúc SOE trong khi thiết lập một khung pháp lý cho các doanh nghiệp này hoạt động trong một nền kinh tế thị trường. Giai đoạn ba (từ 1994 tại Trung Quốc và từ 1999 tại Việt Nam) nhằm nâng cấp sân chơi cho tất cả các tác nhân trong nền kinh tế và tăng tốc khối tư nhân.
- Hai nước tích cực tận dụng toàn cầu hóa, nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thúc đẩy xuất khẩu. Cả hai đều ban hành các đạo luật thu hút FDI ngay sau khi phát động cải cách (năm 1979 ở Trung Quốc và 1987 ở Việt Nam).
- Các cuộc cải cách tài chính. Cả hai nước bắt đầu cải cách lĩnh vực ngân hàng, tách các ngân hàng thương mại lớn của nhà nước khỏi ngân hàng trung ương và đặt chúng vào một nền tảng thương mại nghiêm ngặt hơn với việc thành lập thị trường chứng khoán và các ngân hàng tư nhân. Phải mất hơn một thập kỷ kể từ khi bắt đầu cải cách, hai nước mới cho ra đời thị trường chứng khoán đầu tiên của mình (Trung Quốc năm 1990 và Việt Nam năm 2000).
Hai nước có những khác biệt đáng kể, như quy mô dân số, các đặc điểm lịch sử và tính hiệu quả của đội ngũ lãnh đạo. Các yếu tố dân số và lịch sử tạo cho mỗi nước một số ưu điểm, được cho là có một tác động đáng kể tới thành quả kinh tế. Dân số đông khiến Trung Quốc có sức hút lớn về thị trường và nguồn lao động cả lành nghề và phổ thông. Thời kỳ phát triển hòa bình lâu dài của Trung Quốc cũng khiến hệ thống chính trị của họ ít phải quan tâm tới di sản chiến tranh và tập trung hơn vào phát triển đất nước. Phía bên kia, dân số ít hơn khiến Việt Nam nhanh nhẹn hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam có một lợi thế là "người đến sau", cho phép họ nghiên cứu và học hỏi từ các kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc mà không phải trả một giá nào. Sự nổi lên của Trung Quốc cũng biến Việt Nam thành một điểm đến thu hút FDI vì các nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn đa dạng hóa đầu tư của mình với mô hình "Trung Quốc cộng một".
Như vậy, mỗi nước đều có thể tận dụng một số lợi thế đáng kể từ các đặc điểm của mình để thúc đẩy các thành quả kinh tế.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com