Trong thời gian gần đây chuyện giá cả ở nước ta lại trở thành một vấn đề nóng bỏng. Người dân chưa hết choáng vì giá cả cao ngất ngưởng trong những ngày Tết thì liên tiếp những thông tin mới về việc tăng giá các loại hàng hóa đã gây sốc trong xã hội.
Khởi đầu là chuyện ăn theo việc tăng tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD. Đây thực sự là một cơ hội hiếm có, không chỉ có điện, than, xăng dầu... mà cả mọi ngành hàng đều đổ lỗi cho việc tăng tỷ giá để hợp pháp hóa những đòi hỏi tăng giá của mình mà trước Tết chưa thực hiện được.
Gas đã “lẳng lặng” tăng giá. Với những biện luận “đầy sức thuyết phục”, điện cũng đã “được” Chính phủ cho tăng giá 15,28% bắt đầu từ tháng 3. Vậy mà chưa hết, có một quan chức của Hội Điện-Than còn cho rằng, phải tăng đến 35% mới “là hợp lý”(?). Rồi các doanh nghiệp xăng dầu cũng kêu trời “sắp chết” với lý do lỗ hơn 8.000 tỷ đồng nếu không nhanh chóng tăng giá xăng dầu; nhiều cây xăng trong cả nước treo biển “hết xăng”, chờ tăng giá. Trong khi “nước sôi lửa bỏng” về giá như vậy, túi tiền của người dân đang lép dần thì Bộ Giao thông-Vận tải lại để xuất phương án thu phí lập Quĩ Bảo trì đường bộ nghiêng về phương án thu phí qua đầu phương tiện. Mà mức thu đâu có thấp. Theo đề xuất, mỗi ô tô sẽ chịu mức phí từ 180 nghìn đồng đến 1,44 triệu đồng/tháng, xe máy phải chịu mức phí từ 80 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/tháng.
Khi các ngành chưa tăng giá thì các loại hàng hóa, nhất là hàng hóa tiêu dùng và lương thực, thực phẩm đã tăng giá. Nay điện, than, xăng dầu “quyết đòi” tăng giá, các khoản thu lại tăng lên thì khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”, tất yếu giá cả các loại hàng hóa trong xã hội không thể dừng lại, lạm phát là điều hiển nhiên. Các doanh nghiệp nhà nước, với vai trò điều tiết nền kinh tế - xã hội, lúc này không những không “điều tiết” mà lại cứ đòi thị trường hóa, tăng giá, tăng thu cho lợi ích cục bộ và giải quyết khó khăn cho ngành mình, cơ quan mình là rất thiếu quan tâm đến hệ lụy gây ra cho xã hội. Sau đây, không chỉ có điện, than, xăng dầu mà theo đó còn có xi măng, sắt thép... những vật tư, nguyên liệu cơ bản của nền kinh tế cũng sẽ tăng giá. Và tháng 5 tới đây, việc tăng lương cơ bản chắc chắn lại là một cái cớ “tuyệt vời” nữa cho giá mọi loại hàng hóa tăng lên. Chẳng hiểu lúc đó sẽ kìm giá ra sao?
Có điều gì bất ổn ở đây. Sao ngành điện cứ chăm chăm tăng giá điện mà không quan tâm một cách đặc biệt hay có những biện pháp quyết liệt đề xuất với Chính phủ trong việc tiết kiệm điện trong sản xuất cũng như tiêu dùng. Đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại là góp một phần lớn, quan trọng trong tiêu dùng tiết kiệm điện. Sử dụng hợp lý đèn chiếu sáng công cộng, cấm đèn quảng cáo tiêu tốn nhiều điện năng cũng là một giải pháp, dù đã có luật nhưng không được đôn đốc và tổ chức thực hiện. Việc cải tạo lại hệ thống điện, giảm thất thoát lớn trong đường truyền tải điện, giảm bớt chi tiêu, đầu tư sai mục đích, bớt tiền thưởng... sao ít được chú trọng? Ngành điện quan tâm đến phát triển nguồn cung với việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, điện than... để bán lấy tiền nhưng lại ít quan tâm đến việc tiêu thụ ra sao cho hiệu quả, giảm thất thoát cho cân bằng với nguồn cung. Nếu chỉ đặt vấn đề tăng giá điện thì cũng khó có thể giải quyết được những vấn đề của ngành điện hiện nay.
Cũng như vậy, nếu nhìn vào phân tích, thuyết trình của Bộ Giao thông-Vận tải về 2 phương án thu phí Quĩ Bảo trì đường bộ: thu phí qua xăng dầu sẽ đạt khoảng 3.243 tỷ đồng/năm; thu phí trực tiếp theo đầu phương tiện sẽ đạt khoảng 5.987 tỷ đồng/năm thì Bộ đề xuất phương án 2, phải chăng là vì tiền cao hơn mà không tính đến những bất cập của việc thu phí này, từ sự đồng thuận của dân cho đến việc tổ chức thực hiện. Có Quĩ bảo trì đường bộ là một việc tốt nhưng sẽ chẳng cần với số quĩ lớn như vậy, chẳng cần đòi hỏi dân phải đóng góp thêm nếu ngành Giao thông-Vận tải quản lý và bảo đảm tốt chất lượng đường bộ, cầu cống trong thi công. Tại sao nhiều tuyến đường phía Nam được xây dựng trước giải phóng như tuyến đường1, đường 9... cho đến nay vẫn đang sử dụng tốt mà việc duy tu, bảo dưỡng cũng không nhiều. Trong khi đó, giờ đây với điều kiện phương tiện, kỹ thuật thi công cao hơn, tiên tiến hơn sao nhiều tuyến đường lại thiếu đồng bộ, sớm hư hỏng và xuống cấp nhanh đến vậy, như tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ và gần đây là tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; tuyến Láng-Hòa Lạc... Các tuyến phố trong đô thị thì đào lên, lấp xuống không biết bao nhiêu lần làm cho mặt đường “nát như tương”. Cầu đường tốt thì kinh phí bảo trì thấp. Phải chăng vì chất lượng thi công quá kém mà Bộ Giao thông-Vận tải phải tính đến việc thu phí cho Quĩ Bảo trì. Đây có phải là một đề xuất để cứu chữa những yếu kém của ngành chăng? Nếu thế thì khó thuận lòng dân, khi người dân đã phải chịu quá nhiều khoản phí.
Đối với kinh doanh xăng dầu, kiểu mua đi bán lại như hiện nay, lãi hưởng, lỗ kêu đòi tăng giá, đòi theo cơ chế thị trường, không có giải pháp gì để giúp Chính phủ giữ giá, góp phần điều tiết hoạt động kinh tế-xã hội thì vai trò của “doanh nghiệp nhà nước” là thế nào?
Lúc này, các cơ quan, các ngành cần tập trung cao độ tìm ra các biện pháp để chống lạm phát, kiềm chế tăng giá, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường ổn định cuộc sống của người dân theo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta; đúng với yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra trong cuộc làm việc ngày 22-2-2011 của Thường trực Chính phủ với các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế: “Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...”, đừng nhân cơ hội điều chỉnh giá mà “tát nước theo mưa”, chỉ quan tâm đến lợi ích nhỏ mà bỏ qua lợi ích tổng thể, lợi ích chung của đất nước.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com