Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt giá bán điện bình quân 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng từ 1/3/2011, tức là tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân năm 2010.
Việc tăng giá điện cùng với một loạt các mặt hàng thiết yếu khác như gas, xăng dầu… tăng giá đang khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại tiềm ẩn bùng phát một cơn bão giá.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng tỷ giá hồi trung tuần tháng 2 cộng với giá điện, giá xăng dầu cũng rục rịch nâng lên đã và đang gây ra các phản ứng dây chuyền khiến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp khốn đốn.
Sau gas, ôtô là mặt hàng nhập khẩu đã quyết định nâng giá đứng trong top đầu. Công ty Toyota Việt Nam cho biết, ngay khi tỷ giá tăng, công ty đã có ý định thay đổi giá bán 5 dòng xe: Vios, Camry, Innova, Fortuner, Altis từ 34-101 triệu đồng do chênh lệch tỉ giá mới. Nay, thêm giá điện tăng nên chắc chắn sẽ phải nâng giá sản phẩm nếu không thì “khó xoay xở”.
Ông Phạm Đình Quý - Salon ô tô Toàn Cầu ở 497 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết, sau khi giá điện mới được Chính phủ thông qua, một số loại xe của Toyota khi nhập về cửa hàng đã được nâng giá lên 7,1%.
Giá sữa cũng đã rục rịch tăng… tại một số đại lý sữa trên phố Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội, nhiều nhãn hàng sữa cũng đã có thông báo tăng giá 10%. Chủ một đại lý sữa ở phố Hàng Buồm lý giải, nguyên nhân giá sữa tăng là bởi tỷ giá tăng, xăng dầu tăng và nay cả điện cũng tăng nên giá thành tăng là tất yếu.
Ngoài ra các mặt hàng thiết yếu khác như thép, giấy, đường… cũng đã rục rịch nâng giá.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh giá điện là cần thiết, tuy nhiên việc tăng giá phải tính đến đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bởi điện là nguyên liệu đầu vào của tất cả các ngành kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại: Mức tăng 15,8% là đã thấp hơn nhiều so với đề xuất của liên Bộ Công thương – Bộ Tài Chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do Chính phủ đã tính toán sức chịu đựng của nền kinh tế, song so với việc tăng giá điện vài năm trở lại đây, mức tăng này vẫn quá cao.
Bà Lan cho biết thêm: “Với mức tăng trên, không biết liệu năm nay điện có lại bị cắt tràn lan hay không? Mục tiêu số một năm nay của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát . Nhưng với tình hình tăng giá cấp tập như vậy, e là thật khó”.
Kinh nghiệm năm 2010 vẫn còn đó, sau khi giá điện được chính thức nâng giá, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu như thép, xi măng, xăng dầu… và các sản phẩm phục vụ dân sinh như gạo, thực phẩm tươi sống, rau củ quả… đều nhất loạt tăng giá.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng giá điện trong thời điểm hiện nay sẽ dễ kéo theo giá các mặt khàng khác tăng theo và gây nên hiệu ứng dây chuyền. Các chuyên gia cũng cảnh báo nhà quản lý cần cần trọng với hiệu ứng đôminô từ việc tăng giá điện.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com