Việc phải đối phó với tình trạng nhiều giá ở nhiều khu vực thị trường đã khiến doanh nghiệp tốn thêm nhiều chi phí, mà cuối cùng là giá thành cao, nền kinh tế kém cạnh tranh, và người tiêu dùng trong nước phải gánh các chi phí này.
Máy tính xách tay là một trong những sản phẩm có rất nhiều giá cạnh tranh nhau: giá hàng nhập chính thức, giá hàng xách tay, giá có thuế, giá không thuế. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Với doanh nghiệp G., chuyên xuất nhập khẩu hàng công nghệ thông tin, việc tìm nguồn ngoại tệ để nhập hàng chiếm gần hết thời gian của giám đốc tài chính. Vị giám đốc tài chính (đề nghị không nêu tên) nói: “Lúc nào cũng ám ảnh tỷ giá, ngay cả trong giấc ngủ. Nghe ở đâu có nguồn là liên hệ, đàm phán tỷ giá, lượng tiền theo nhu cầu… Nếu có thuê đến năm nhân viên cũng không thể làm được vì họ không đủ quyền quyết định”.
Sai luật: không sướng ích gì
Chị Trúc, chủ cửa hàng bán máy vi tính ở quận 12 ngồi ngần ngừ trước cái hoá đơn giá trị gia tăng cả chục phút mà không biết sẽ phải ghi giá thế nào? Số là chị đã bán một laptop với giá 550 USD. Lúc mua, vị khách này đòi bớt tiền trên 10% và không lấy hoá đơn. “Tôi buộc phải chấp nhận, vì nếu không bán, sẽ có người khác bán. Thị trường này là vậy. Không làm thì không thể cạnh tranh được về giá”.
Nhưng nay, đã ba tháng sau khi mua, khách mới quay lại đòi hoá đơn để quyết toán, nhưng chỉ chấp nhận trả thêm 10% cho hoá đơn. Chị Trúc tính toán: “Lúc bán, ngoài việc bớt 10% VAT, tôi còn phải bớt cả phần dôi ra từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu khách chỉ trả thêm 10%, coi như tôi mất khoản tiền đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp”. Cuối cùng, chị Trúc cũng đành chấp nhận yêu cầu của khách vì ngại bị khách tố cáo với cơ quan thuế.
Cách làm của chị Trúc là sai. Nhưng thiết nghĩ cần phải có một môi trường cạnh tranh công bằng, thì doanh nghiệp mới có thể làm ăn nghiêm túc.
Trở lại câu chuyện doanh nghiệp vay vốn ngân hàng bị tính thêm phí, mà chúng tôi đã đề cập trong bài kỳ trước, phía ngân hàng đã tạm thời “neo” không thu phí sau khi báo đăng. Một người từng làm ngân hàng tâm sự: “Việc ăn thêm phí của doanh nghiệp khi cho vay vốn là… chẳng ngon lành gì”. Đó là việc chẳng đặng đừng có thể làm mất uy tín của ngân hàng nếu không trình bày trước với doanh nghiệp. Ngoài ra, nó còn có thể làm phát sinh tiêu cực nơi cán bộ ngân hàng. Chẳng hạn, có khi không phải do phía ngân hàng chủ động đòi phí, mà doanh nghiệp do cần vốn, nên sẵn sàng “cho thêm” cán bộ ngân hàng nếu việc giải ngân nhanh.
Sự méo mó sẽ trải rộng khi mà trong hạch toán của ngân hàng, cơ cấu dịch vụ (ngoài tín dụng) tăng lên. Những tưởng ngân hàng đa dạng hoá được dịch vụ, nhưng không phải. Thực chất chỉ là do kỹ thuật hạch toán. Và phần hạch toán sai biệt này, ngân hàng cũng phải đóng thuế doanh thu.
Lãng phí tài lực: ai gánh?
Giám đốc một doanh nghiệp tổ chức sự kiện tại TP.HCM than thở vào mỗi buổi sáng bộ phận kế toán phải cắt cử thêm người thường xuyên cập nhật tỷ giá thị trường cho ban giám đốc cũng như phòng kinh doanh để khỏi bị “hớ” khi làm việc với khách hàng.
Dù là doanh nghiệp bán lẻ nhỏ, chỉ có năm cửa hàng tại TP.HCM nhưng doanh nghiệp B.K cũng phải “căng tai” để nghe ngóng tỷ giá. Khi tỷ giá có biến động, một nhân viên của phòng kinh doanh công ty phải thông báo cho các nơi biết để in bảng báo giá mới. “Có ngày chúng tôi phải in hai lần bảng giá mới, niêm yết trên từng sản phẩm.
Trưởng ca của một siêu thị hàng công nghệ thông tin tiết lộ: “Chi phí in giá này không đáng kể nhưng cứ biến động liên tục, mỗi ngày phải tốn cả triệu đồng. Nhưng chi phí này chưa bằng khi tỷ giá lên xuống mà nhà bán lẻ không cập nhật kịp”.
Đại diện của một doanh nghiệp xây dựng nói với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị: “Việc ngoại tệ tính hai tỷ giá làm doanh nghiệp rất mệt mỏi. Độ chênh giữa tỷ giá làm doanh nghiệp tốn kém nhiều, không biết tính toán như thế nào. Khi báo thuế, phải tính theo tỷ giá chính thức làm giá trị máy thấp, đồng nghĩa với việc giá trị tài sản thấp”.
Chị Ngọc, kế toán trưởng một công ty xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng có văn phòng tại TP.HCM cho biết: “Cuối cùng, cũng phải “có cách” để những khoản tăng thêm này được hạch toán vào chi phí và giá bán. Người tiêu dùng sẽ là người gánh chịu cuối cùng”.
Ở lĩnh vực địa ốc, sự không minh bạch, những phức tạo của trình tự thủ tục cũng như những điều chưa được lượng định trong chính sách đã làm cho chí phí của các dự án tăng cao. Dễ dàng tìm thấy những dự án kéo dài hàng chục năm, và những chi phí phát sinh do kéo dài thời gian, cuối cùng, người mua cũng phải gánh.
(Theo SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com