Cắt giảm trợ cấp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, là vấn đề đang được tranh luận tại vòng đàm phán Doha - Ảnh: TL |
Các chuyên gia dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 3 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (gọi tắt là dự án MUTRAP III) trong một hội thảo về việc hỗ trợ Việt Nam tham gia vòng đàm phán Doha mới đây ở Hà Nội đã nói rằng thu ngân sách của Việt Nam sẽ giảm mạnh nếu vòng đàm phán này thất bại.
Hiện nay, vòng đàm phán Doha đang bị trì hoãn do tính chất phức tạp trong quá trình đàm phán cũng như sự xung đột lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để dự báo ảnh hưởng của việc trì hoãn này, các chuyên gia MUTRAP III đã xây dựng các kịch bản có thể xảy ra trên thị trường Việt Nam trong trường hợp vòng đàm phán thành công hoặc thất bại và tác động của từng tình huống cụ thể.
Theo đó, với tư cách là nước thành viên mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam có thể hưởng lợi từ vòng đàm phán này và có nhiều cơ hội để thâm nhập thị trường các nước mà chưa phải đưa ra các nhượng bộ tương ứng trong đàm phán.
Ông Antonio Cordella, chuyên gia quốc tế MUTRAP III, phân tích: nếu vòng đàm phán kết thúc thành công, các nhà sản xuất nông sản Việt Nam sẽ hưởng lợi song người tiêu dùng trong nước lại bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng của việc cắt giảm trợ cấp (trong nước) của các nước sẽ làm cho giá nông sản thế giới cao hơn.
Còn khi đàm phán Doha thất bại, một vòng đàm phán khác sẽ được khởi động thay thế và khả năng nguồn thu ngân sách của Việt Nam bị giảm mạnh do thuế nhập khẩu giảm là rất cao.
Đồng tình với nhận định trên, bà Trịnh Tuyết Mai, chuyên gia phòng WTO thuộc Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, lấy ví dụ mặt hàng bông của Việt Nam mà theo bà Mai phân tích, diễn biến quá trình đàm phán đang tác động làm giá bông trên thị trường thế giới sẽ tăng và người nông dân sản xuất bông của Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước nhập khẩu bông lớn nên cam kết trên sẽ tác động tiêu cực tới các nhà sản xuất dệt may và người tiêu dùng trong nước và tác động tiêu cực này lớn hơn tác động tích cực.
Khuyến cáo mà các chuyên gia MUTRAP III đưa ra là để hạn chế những bất lợi khi mở cửa thị trường nông sản trong nước, bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông sản, Việt Nam cần chủ động tham gia các vòng đàm phán Doha nhằm đề xuất các quyền lợi của mình.
Một giải pháp quan trọng là cần kiến nghị các biện pháp để Việt Nam có thể bảo vệ được nền nông nghiệp trong nước, chẳng hạn sử dụng cơ chế phòng vệ đặc biệt (SSM) dành cho các nước đang phát triển.
“Việt Nam cần sớm xây dựng danh mục các mặt hàng nhạy cảm và đặc biệt để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong vòng đàm phán Doha. Đặc biệt, Việt Nam có thể tận dụng quyền của một thành viên chính thức của WTO để chủ động đề xuất kiến nghị và thảo luận về các chính sách thương mại thế giới nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp, thương mại dịch vụ và thị trường phi nông nghiệp trong nước”, ông Antonio Cordella khuyến cáo.
Tuyên bố Doha về đàm phán nông nghiệp có ba nội dung chính gồm mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn; giảm và loại bỏ trợ cấp xuất khẩu; và cắt giảm mạnh trợ cấp trong nước vì nó gây bóp méo thương mại. |
(Theo Thành Trung // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com