Giá dầu đã có lúc như rơi tự do và chưa thể vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng dù có lúc khởi sắc trong tuần không nằm trong suy tính của giới đầu tư. Quay đầu giảm 0,19% để chốt tuần ở ngưỡng 99,91 USD/thùng, khoảng lặng của giá dầu được nhìn nhận là có thể còn kéo dài.
Giá xăng dầu cao được dự báo sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu. |
Sự giằng co giữa hồi phục và suy giảm mạnh trên thị trường nhiên liệu đã phản ánh khá rõ những biến động của hệ thống tài chính thế giới trong tuần qua. Cú "ngã ngựa" của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cũng đã góp phần tạo ra những cơn sốc ở nhiều cấp độ khác nhau trên các thị trường toàn cầu, từ chứng khoán, tiền tệ, tài chính đến hàng hóa… trong bối cảnh toàn cầu hóa khóa chặt các nền kinh tế lại với nhau. Bước thoái lui bất dắc dĩ của một nhân vật quyền lực và tài năng bậc nhất trong nền tài chính hiện đại; đồng thời chi phối không ít hầu bao các quốc gia, đã thổi bùng nghi ngại về nguy cơ thụt lùi của những nỗ lực khắc phục cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Nỗi lo âu từ một cuộc ra đi quá nhiều kịch tính đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo, nhấn chìm đồng euro xuống thấp hơn so với USD. Đây được cho là một nguyên nhân đẩy thị trường dầu lâm vào chuỗi suy giảm. Không còn tuân theo quy luật tăng giá cùng triển vọng tiêu thụ, giá dầu thô đã có lúc đột ngột lao thẳng xuống mức thấp nhất của 3 tháng ở ngưỡng 96,91 USD/thùng bất chấp nhu cầu của nền kinh tế khát năng lượng Trung Quốc được dự báo sẽ tăng. Lý do là công suất điện ở mức thấp của nước này không đáp ứng được độ tiêu hao của các nhà máy đang bước vào thời kỳ sản xuất cao điểm.
Tâm lý đi xuống của thị trường sau một thời gian dài đuổi bắt những bước nhảy của giá dầu còn được thúc đẩy khi tăng trưởng GDP trong quý II-2011 của Mỹ không đáng kể. Trong khi đó, nền kinh tế thứ ba thế giới Nhật Bản vừa loan báo đã chính thức rơi vào suy thoái khiến cho các giao dịch dầu mỏ toàn cầu chưa thể tăng đột biến. Khi những đầu tàu kinh tế thế giới với khả năng tiêu thụ dầu khổng lồ đối mặt với những chỉ số ảm đạm thì dầu luôn mất động lực chủ chốt sẽ là tất yếu. Và cuộc suy giảm của giá dầu như đang diễn ra, dù không thể là tất cả nhưng cũng đủ cho thấy những "đàn anh" của kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự vững vàng.
Không hàng hóa nào có thể cứ tăng giá mãi. Một chu kỳ đi xuống của giá dầu sau những đợt leo dốc được cho là tất yếu và còn được chờ đợi trong những ngày tới. Cho dù đã có ý kiến rằng đà giảm của dầu mỏ trong những ngày qua là bất ngờ nhưng thực tế cho thấy các yếu tố có thể kìm hãm giá dầu đã xuất hiện nhiều hơn so với những khả năng theo chiều ngược lại trong những ngày gần đây. Chưa ổn định nhưng cũng không có thêm những điểm nóng mới, biến cố Trung Đông và Bắc Phi vốn chi phối giá nhiên liệu thời gian qua đang mất đà và đã giảm bớt độ che phủ tới thị trường. Thêm vào đó, việc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vì giá cao trong năm nay cũng đã và đang gây sức ép lên các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 190.000 thùng/ngày (xuống còn 23,7 triệu thùng/ngày) trong khi mức tiêu thụ xăng tại Mỹ cũng sẽ không được như mong đợi mặc dù đã lần đầu tiên giảm giá trong 8 tuần qua. Tuy nhiên, sau khi đã giảm 0,9% trong tuần này với những phiên giao dịch nghẹn thở, giá dầu về tổng thể vẫn tăng 45% so với năm ngoái. Như thế có nghĩa là những cảnh báo về sự rủi ro của giá dầu cao đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể được loại bỏ. Do đó, lời kêu gọi các nhà sản xuất dầu mỏ tăng nguồn cung để hỗ trợ nền kinh tế thế giới hồi phục tốt hơn của IEA sẽ tiếp tục là hy vọng của nhiều quốc gia về một mặt bằng giá nhiên liệu "dễ thở" hơn.
(Theo Vân Khanh/HNMO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com