Ảnh: Khều. |
Chỉ riêng vốn đầu tư trong năm 2011 của 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã gần bằng với đầu tư của Nhà nước (bao gồm cả ngân sách, trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp nhà nước) hàng năm. Thực hư ra sao?
Lãnh đạo Tổng công ty Xây lắp Dầu khí thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có vẻ đặc biệt cầu thị. Chỉ một ngày sau khi các vị đại biểu Quốc hội truy hỏi về đầu tư của tập đoàn trong phiên họp toàn thể cuối tháng 3 vừa rồi, họ đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch cắt ngọn tòa nhà PVN Tower dự kiến cao nhất Việt Nam, từ 102 tầng xuống còn 79 tầng với vốn đầu tư giảm tương ứng từ 1 tỉ đô la Mỹ xuống còn 600 triệu đô la. Trong một động thái tương tự, lãnh đạo PVN nhanh nhạy không kém.
Cuối tháng 4 vừa rồi, PVN cũng cam kết cắt giảm gần 6.600 tỉ đồng để hưởng ứng yêu cầu cắt giảm đầu tư công của Chính phủ nhằm đối phó với lạm phát. Đó là một con số đáng kể so với số vốn 3.500 tỉ đồng PVN nhận được để tái đầu tư sau những tranh luận gay gắt tại Quốc hội, cũng như so với tổng vốn đầu tư 105.000 tỉ đồng dự kiến cho năm 2011.
Cho dù còn nhiều điều đáng bàn thêm, những động thái trên của PVN cho thấy tập đoàn này đang hướng đến lộ trình minh bạch hơn với các khoản đầu tư của mình - vốn được xem là thuộc sở hữu toàn dân. Song với người dân lộ trình này xem ra khó hoàn thành và còn rất xa vời. Không ít vị đại biểu Quốc hội khóa 12 đã tận dụng mọi cơ hội có được tại các phiên thảo luận ở hội trường, cũng như ở tổ để bày tỏ băn khoăn về khu vực kinh tế đầu tàu này. Một số đại biểu cho biết họ có được rất ít thông tin về khu vực doanh nghiệp nhà nước - vốn đã phình to từ năm 2006 tới nay.
Ngay cả cuộc gặp của Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty hồi đầu năm nay cũng không có số liệu đầu tư của khu vực này. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức từ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Cao Viết Sinh, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước năm 2010 là 70.800 tỉ đồng, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tăng 14% so với năm 2009. Con số này dường như có sức thuyết phục với nhiều người.
Song mọi thứ đã khác đi khi một báo cáo gần đây của Bộ KH&ĐT được công bố về việc cắt giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Báo cáo này cho biết, 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước “đã phân bổ” số vốn đầu tư phát triển lên đến gần 350.000 tỉ đồng, tức khoảng 17,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011. Như vậy, con số này gấp gần 5 lần so với số vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong năm 2010.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá, người phụ trách tổ công tác giám sát cắt giảm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Bộ KH&ĐT cho biết bản thân ông cũng “thấy lạ” với con số này. Ông nói: “Rất nhiều người hỏi tôi, sao con số này lớn thế; nhưng tôi luôn trả lời, đó là con số thực và tôi không bịa ra”.
Một câu hỏi đặt ra là con số 17,5 tỉ đô la Mỹ của 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước “đã phân bổ” để đầu tư trong năm nay lớn như thế nào? Để hình dung sơ bộ, hãy đặt con số đó trong tương quan với tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm.
Theo CIEM, tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP lên tới 41,5% năm 2008, 42,7% năm 2009 và 41,9% năm 2010. Nói một cách sơ lược nhất, khoảng 42 tỉ đô la Mỹ được tung vào đầu tư mỗi năm kể từ năm 2008, khi GDP nền kinh tế vượt ngưỡng 100 tỉ đô la. Bên cạnh đó, vẫn theo CIEM, trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư của nhà nước chiếm tới 33,9% năm 2008, 40,6% năm 2009 và 38,1% năm 2010. Các chỉ số này cho thấy, hàng năm vốn đầu tư của Nhà nước vào khoảng gần 40% của 42 tỉ đô la Mỹ, tức vào khoảng 18,9 tỉ đô la.
Như vậy, chỉ riêng vốn đầu tư của 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã gần bằng với đầu tư của Nhà nước (bao gồm cả ngân sách, trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp nhà nước) hàng năm.
Đó là một con số lớn đến mức khó tin.
Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng ở đó. Một quan chức của Bộ KH&ĐT cho rằng, nếu tính đủ đầu tư của khoảng 80 tổng công ty nhà nước khác (hiện có khoảng 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) con số đầu tư của khu vực kinh tế này có thể lên đến 30-40 tỉ đô la Mỹ hàng năm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn cũng hết sức kinh ngạc với con số 17,5 tỉ đô la Mỹ mà 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phân bổ để đầu tư cho năm nay.
Ông nói: “Con số rõ ràng là quá lớn”. Như vậy, theo ông, cần xem lại phần đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước công bố lâu nay. Ông nói: “Bây giờ qua kiểm tra mới thò ra con số như vậy, nghĩa là Chính phủ không nắm được, Bộ KH&ĐT không nắm được; hoặc là các tập đoàn tổng công ty giấu giếm không báo cáo”.
Ở một góc độ khác, 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cam kết đình hoãn, giãn tiến độ tới hơn 39.000 tỉ đồng trong năm nay. Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định số vốn đó “không phải vốn nhà nước cả”, mà còn bao gồm vốn đi vay và vốn từ các công ty thuộc thành phần kinh tế khác.
Tuy vậy, ông Sinh đã không trả lời câu hỏi, vì sao các tập đoàn này có thể đưa số vốn góp của các công ty thuộc thành phần kinh tế khác vào danh sách vốn đầu tư phát triển mà chính các tập đoàn này “đã phân bổ” để đầu tư cho năm nay, rồi sau đó dễ dàng tuyên bố cắt giảm như là thành tích để chống lạm phát. Song ít nhất, Bộ KH&ĐT cũng cho biết: “Phần lớn các dự án đình hoãn này là đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm trang thiết bị đắt tiền không trực tiếp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính”.
Tòa tháp PVN Tower đã được tuyên bố cắt giảm 400 triệu đô la Mỹ từ đầu năm, nhưng cho đến nay, không rõ liệu nó có được tính vào danh sách dự án cắt giảm của PVN hay không. Ông Vũ Quốc Tuấn nói: “Tôi thấy có vấn đề về tính minh bạch tài chính của các tập đoàn, tổng công ty. Nên nhớ, đây chính là tiền thuế của dân”.
22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước ”đã phân bổ” số vốn đầu tư phát triển lên đến gần 350.000 tỉ đồng, tức khoảng 17,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011. Như vậy, con số này gấp gần 5 lần so với số vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong năm 2010. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com