Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam 2010: Hai kịch bản lạm phát và gánh nặng xuất khẩu

Lạm phát năm 2010 - Dự báo hai kịch bản lớn
( Theo Nguyễn Huyền // Vietnam+)

 

tinkinhte.comDự báo của nhiều chuyên gia rằng lạm phát năm 2010 nhiều khả năng sẽ cao hơn năm 2009 không gây bất ngờ khi năm 2010 được “kế thừa” những yếu tố gây lạm phát từ năm trước.

“Thế nhưng, lạm phát cao đến mức nào lại phụ thuộc nhiều vào việc điều hành chính sách của Chính phủ, hơn là phụ thuộc vào tác động bên ngoài”, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định như vậy.

Không quá lo giá bên ngoài

Gói kích cầu trong năm 2009 thể hiện độ trễ, cộng với xu thế tăng giá trên thế giới, sẽ tác động đến giá tiêu dùng năm 2010.

“Một số yếu tố khác như sức mua trong dịp Tết tăng cao, tăng lương tối thiểu cho công chức, viên chức theo lộ trình tăng lương tối thiểu 2008-2012 làm tăng sức mua, việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường với một số hàng hóa, dịch vụ... cũng làm cho giá tiêu dùng năm 2010 tăng lên”, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và Giá cả (Tổng cục Thống kê) lưu ý.

Về giá cả, năm 2009, diễn biến giá các mặt hàng không tạo thành cú sốc như năm 2008, kể cả gạo. Diễn biến giá tiêu dùng hàng tháng trong năm 2009 đã được phục hồi lại sau những những bất thường của hai năm 2007 và 2008.

Năm nay, giá cả được dự báo là sẽ có tăng nhưng không tạo yếu tố gây sốc lớn, nếu không có gì quá bất thường.

Năm 2010, kinh tế thế giới phục hồi và nhập khẩu đầu vào sẽ tăng giá nhưng kinh tế thế giới cũng không thể phục hồi nhanh được.

“Hơn nữa, năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế nhập siêu, kiềm chế nhập khẩu, mà như thế thì tác động từ giá cả thế giới đến mặt bằng giá trong nước sẽ đỡ hơn”, Tiến sĩ Ánh lưu ý.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), có thể kiểm soát nhập khẩu thông qua việc rà soát cơ cấu lại danh mục các mặt hàng nhập khẩu để kiềm chế nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ chưa thiết yếu như ôtô, xe máy, rượu, hóa mỹ phẩm... thông qua các giải pháp như hạn chế quyền tiếp cận ngoại tệ, xây dựng các chuẩn hàng rào kỹ thuật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việt Nam cũng tính đến cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, nâng chất lượng hàng Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế - việc không mới nhưng phải làm mạnh hơn - để giữ thương hiệu và uy tín với bạn hàng.

Việt Nam cũng cần đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt...

Tất nhiên, những định hướng chuyển dịch cơ cấu này chưa thể hiện rõ rệt ngay trong ngắn hạn, đặc biệt là ngay trong năm 2010, nhưng sẽ có tác động đến giá cả thị trường hàng hóa theo hướng tích cực hơn.

Phụ thuộc nhiều hơn ở chính sách điều hành

Nhiều phân tích đã cho rằng mối lo lớn nhất tác động đến lạm phát năm 2010 là từ chính sách tiền tệ nới lỏng. Tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng đều rất cao trong khi tăng trưởng GDP thực tế lại chỉ có 11,4%.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng thừa nhận “ngại nhất là tốc độ tăng tín dụng vì lượng tiền trong lưu thông tăng”. Thế nhưng, cuối năm vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất cơ bản nhằm rút bớt tiền trong lưu thông về.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng để thực hiện được mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đó là CPI năm 2010 tăng 7% cần làm tốt chính sách điều hành về giá cũng như có sự linh hoạt, thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ; thực hiện tốt chính sách tài khóa...

Cụ thể hơn, ông Thỏa nói điều hành lãi suất thị trường phải phù hợp với diễn biến của lạm phát, cung cầu vốn trên thị trường. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng phải được kiểm soát chặt chẽ, tối đa ở mức 25%.

Thực hiện nhanh có hiệu quả các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa... nhưng đi đôi với nó, “phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”, ông Thỏa lưu ý.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định có thể nhìn thấy hai kịch bản lớn cho lạm phát 2010. Nếu tính quy luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì trong năm 2010 kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý giá cả thị trường hợp lý, ứng phó tốt với tình hình biến động của kinh tế thế giới, cân đối giữa ổn định và tăng trưởng thì CPI cả năm có thể ở mức 1 con số, khoảng từ 7-10%.

"Khả năng giữ ở mức 1 con số là cao, theo những căn cứ về tình hình trong và ngoài nước. Còn nếu một hoặc một số các điều kiện trên không đảm bảo thì CPI có thể lên tới 12-15%", Tiến sĩ Ánh nói./.
 


Xuất khẩu năm 2010: Tăng trưởng trong gian khó
(Theo Thu Hường // Báo Tin Tức // Vietnam+)

 

Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Ninh Bình. - tinkinhte.com
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Ninh Bình. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 đạt 6,5%, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009, tương đương 59,9 tỷ USD.

Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6% là một nhiệm vụ hết sức khó khăn vì nhiều nhóm hàng đã chạm ngưỡng trong năm 2009, khó tăng tiếp trong năm 2010.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng phải sẽ đối mặt thêm với nhiều rào cản thương mại mới do chính sách bảo hộ từ các thị trường nhập khẩu.

Từ tăng trưởng âm đến tăng trưởng dương

Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009 đạt 56,5 tỷ USD, giảm 9,9% so với năm 2008. Nhóm nông sản, thủy sản đạt 12,34 tỷ USD, giảm 6,4% so với năm 2008. Nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 8,48 tỷ USD, giảm 34,8% so với năm 2008. Nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 35,7 tỷ USD, giảm 2,2% so với năm 2008.

Năm qua, xuất khẩu tới nhiều thị trường chủ lực đều giảm như Hoa Kỳ giảm 7,3% so với năm 2008, thị trường châu Á giảm 18,5% so với năm 2008.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thương mại toàn cầu giảm mạnh cùng với việc giá cả một số mặt hàng trong những tháng đầu năm đứng ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu và khả năng thanh toán tại các thị trường giảm nên mặc dù có sự tăng đáng kể về lượng hàng hóa xuất khẩu, song giá trị xuất khẩu đa số các mặt hàng đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế thế giới năm 2010 sẽ tăng trưởng 3,1%, cao hơn dự báo trước đây là 2,5%. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các hoạt động thương mại và đầu tư cũng từng bước phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, quá trình phục hồi của kinh tế thế giới chứa đựng nhiều rủi ro, khó lường.

Những vấn đề hậu khủng hoảng như bảo hộ mậu dịch, biến động giá cả, lạm phát, khan hiếm nguyên liệu, năng lượng có thể xảy ra và sẽ tác động xấu đến phát triển kinh tế các nước, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính vì vậy, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2010 là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của năm 2009 có sự đóng góp "bất ngờ" của 2 tỷ USD từ xuất khẩu vàng. Nếu trừ đi 2 tỷ USD thu được từ xuất khẩu vàng thì kim ngạch năm 2009 chỉ còn 54,5 tỷ USD. Như vậy, với mục tiêu xuất khẩu năm 2010 đạt 59,9 tỷ USD thì tăng trưởng thực chất là 9,9% so với năm 2009.

Nông sản và khoáng sản: Khó vượt ngưỡng


Trong năm 2010, việc đẩy mạnh xuất khẩu chủ yếu tập trung vào 3 nhóm hàng nông sản, khoáng sản và công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, trong năm 2009, đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản, lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng trong nhóm này đã tăng mạnh, như càphê tăng 11,3%, chè tăng 29,2%, hạt tiêu tăng 49,6%, gạo tăng 28,6%, sắn các loại tăng 143,5%.

Do đó, năm 2010, việc tăng khối lượng xuất khẩu các mặt hàng trên sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí lượng xuất khẩu có thể giảm.

Đối với nhóm hàng nông sản, việc tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu sẽ đến từ việc tăng giá hàng hóa xuất khẩu. Dự kiến, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu nhóm này đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2009.

Tuy nhiên, thực tế xuất khẩu nhiều năm qua cho thấy, việc phụ thuộc vào yếu tố giá là rất bị động, chưa kể đến giá hàng hóa nông sản của Việt Nam thường thấp hơn các nước khác do hạn chế về chất lượng.

Trong nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2008, khi giá dầu thô tăng mạnh thì xuất khẩu mặt hàng này cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong năm 2010, mặt hàng chiếm kim ngạch lớn nhất trong nhiên liệu, khoáng sản là dầu thô sẽ giảm lượng xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn để phục vụ cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Việc giảm 3,5 triệu tấn này sẽ làm kim ngạch giảm khoảng 1,62 tỷ USD (giá bình quân năm 2009) hoặc 1,9 tỷ USD (giá hiện tại 70-75 USD/thùng). Lượng xuất khẩu than đá dự kiến cũng sẽ giảm 2,5-3 triệu tấn, tương đương 130 triệu USD.

Ước tính sơ bộ, lượng xuất khẩu của 2 nhóm này giảm cũng làm kim ngạch xuất khẩu giảm trên 2,3 tỷ USD.

Những rào cản thương mại mới

Theo Bộ Công Thương, năm 2010 việc tăng trưởng xuất khẩu sẽ chủ yếu phụ thuộc vào nhóm công nghiệp chế biến. Nhóm hàng công nghiệp chế biến dự kiến sẽ tăng trưởng khá với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 38,6 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2009.

Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép. Dự kiến, một số mặt hàng thuộc nhóm này có mức tăng trưởng rất cao như sản phẩm cao su tăng 19%; thủy tinh và sản phẩm tăng 23,6%; hàng điện tử và linh kiện máy tính tăng 25%...

Nhóm hàng công nghiệp chế biến là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất tới 63% trong xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Mặc dù vậy, một thách thức không nhỏ đối với tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng này là việc phải đối mặt với thêm nhiều rào cản thương mại mới từ các thị trường nhập khẩu.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2010, EU sẽ áp dụng quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản đánh bắt. Các lô hàng vào EU phải có giấy chứng nhận nguồn gốc khai thác, chế biến hoặc chưa chế biến và phải xuất trình giấy chứng nhận trước khi lô hàng đến EU 3 ngày.

Đạo luật “Cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng” (CPSIA) đối với các mặt hàng dệt may cũng sẽ được Hoa Kỳ áp dụng từ ngày 10/2/2010.

Theo đó, bất cứ lô hàng dệt may nào vào Hoa Kỳ đều phải kèm theo giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn được đánh giá bởi một đơn vị độc lập, được Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ công nhận. Từ vật liệu, nguyên phụ liệu đến thành phẩm đều phải áp dụng kiểm nghiệm nghiêm ngặt, nhất là các mặt hàng dành cho trẻ em.

Đối với các lô hàng vi phạm, ngoài việc bị tiêu hủy có thể đối mặt với các mức phạt dân sự và hình sự.

Việc Hoa Kỳ áp dụng một số chính sách mang tính chất bảo hộ, đưa ra những quy định như những rào cản kỹ thuật sẽ là những trở ngại chung với tất cả các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam./.

( Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới - tinkinhte.com)

Bài thuộc chuyên đề: Dự báo kinh tế Việt Nam 2010

  • Bài toán khó
  • Tránh “bẫy thu nhập trung bình”
  • Góc nhìn 2010
  • PCI 2009: Minh bạch và chất lượng lao động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
  • Phát triển đại học ở Nhật và gợi ý cho Việt Nam
  • Bốn chuyển biến tích cực sau khi gia nhập WTO
  • Cẩn trọng với CPI tháng 1?
  • 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi