PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng NHNN nên cân nhắc chọn giải pháp giải tỏa lãi suất tiền gửi, nhưng khống chế lãi suất tiền vay.
Trước tình trạng một số tổ chức tín dụng lách trần lãi suất tiền gửi 14%/năm bằng các hợp đồng ủy thác vốn đầu tư, có một số thông tin cho rằng khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng trần lãi suất cho vay VND. Có ý kiến cho rằng, dù đây lại thêm một biện pháp hành chính nhưng sẽ là quyết định cần thiết trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay.
Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng ĐH KT TPHCM, thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia về vấn đề này.
Bỏ trần lãi suất để thị trường minh bạch hơn
Dư luận và các chuyên gia tài chính cũng như người dân rất quan tâm đến 2 phương án mà NHNN dự kiến áp dụng trần lãi suất cho vay và nâng trần lãi suất huy động song thực tế vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Với góc nhìn của ông thì việc này có phù hợp không?
PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Quy định trần lãi suất tiền gửi trong thời gian vừa qua thì không phải chỉ có Việt Nam áp dụng mà có nhiều nước áp dụng. Ví dụ như Trung Quốc hiện nay thì lãi suất trần là 3,25%. Tuy nhiên trần lãi suất tiền gửi chỉ có giá trị khi mà các công cụ thanh tra giám sát Nhà nước đảm bảo cho các NHTM chấp hành. Trong khi đó, ở ta, bất chấp việc quy định trần, thời gian qua, các NHTM vẫn tìm mọi cách để "lách" luật pháp. Cơ quan thanh tra không phát hiện được bằng chứng cụ thể nhưng đó là thực tế đã được báo chí ghi nhận.
Hơn nữa, trần lãi suất huy động muốn nó phát huy được tác dụng thì thì phải có sự hỗ trợ của công cụ kinh tế. Tức là, với trần 14% này thì NHNN phải sẵn sàng bơm vốn cho thị trường khi các NHTM duy trì mức trần huy động 14%.
Trên thực tế, do yêu cầu thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát nên NHNN không sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản 14% cho các NHTM.
Vì thế, điều tốt nhất hiện nay là nên bỏ trần lãi suất huy động để cho thị trường được minh bạch hơn.
Khi đó, các NHTM sẽ tùy vào nguồn vốn kinh doanh, điều kiện kinh doanh của mình mà niêm yết lãi suất huy động vốn cho đúng luật pháp, làm ăn cho đúng pháp luật. Và như vậy, lãi suất phản ánh đúng bản chất, công khai.
Làm như vậy lại đặt ra vấn đề, rất có thể cuộc đua lãi suất sẽ không dừng, thậm chí trầm trọng hơn. Các ngân hàng nhỏ khi khả năng thanh khoản yếu, có thể sẽ nâng lãi suất...
Để tránh việc các NHTM cạnh tranh lãi suất mà nâng lãi suất đầu vào lên thì Ngân hành nhà nước nên công bố mức bảo hiểm tiền gửi theo qui định để nhắc nhở người gửi tiền rằng: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi chỉ bảo hiểm cho mỗi sổ tiết kiệm chỉ khoảng 50 triệu đồng. Người gửi tiền sẽ hiểu rằng, không nên bất chấp rủi ro để chạy theo lãi suất cao vì nguyên tắc của thị trường thì lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Người gửi tiền sẽ phải cân nhắc để chọn NH hoạt động có hiệu quả để chúng ta gửi tiền vào để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro.
Đua lãi suất kiểu bầy đàn
Thực tế trên thị trường hiện tại nhiều khi các Ngân hàng nhỏ lại "dẫn dắt" về lãi suất tiền gửi cũng như lãi suất cho vay chứ không phải là các Ngân hàng lớn. Tại sao lại có tình trạng đó ?
Ở đây có nhiều nguyên nhân để giải thích. Trước hết, cùng một mặt bằng lãi suất 14%, người gửi tiền sẽ chọn những Ngân hàng lớn an toàn hơn để gửi. Các NH nhỏ bị trần 14% nên không thể huy động vốn. Khi đó, nếu Ngân hàng nhà nước đóng vai trò hỗ trợ thì đã không xảy ra cuộc cạnh tranh về mặt lãi suất trên thị trường tiền gửi.
Thực tế thiếu vốn, các NH nhỏ này vì sự "sinh tồn" đã dẫn đến chuyện vi phạm pháp luật. Họ lách pháp luật bằng cách đẩy lãi suất huy động trên thị trường vượt qua cái trần huy động, lên tới mức 17- 18%.
Và khi các NH nhỏ tìm cách lách như vậy thì các NHTM lớn này lại tiếp tục lách theo vì thấy không có trừng trị về mặt luật pháp.
Một khi giám sát các NH không phát hiện ra các trường hợp này thì nó tạo ra một cái gọi là "bầy đàn" trong việc vi phạm pháp luật. Đây là nguy cơ đổ vỡ hệ thống NH.
Giải quyết thế nào tình trạng này, thưa ông?
Một là, nếu giữ trần thì phải thanh tra và xử lý nghiêm minh theo đúng luật NHNN. Đồng thời, NHNN phải hỗ trợ thanh khoản để giữ trần lãi suất ở mức 14%.
Tuy nhiên, tốt nhất hiện nay theo tôi nghĩ nên bỏ trần lãi suất huy động này.
Lãi suất thực dương phải tính theo lãi suất vay?
Đứng ở góc độ người dân gửi tiền trong bối cảnh lạm phát và mất giá của đồng Việt Nam, có ý kiến cho rằng mức lãi suất tiền gửi 17-18% thực ra mới ở mức độ cân bằng được về mặt lợi ích. Nói cách khác, lãi suất thực dương đối với cả người gửi mới là chính xác?
Chúng ta cần phải làm rõ lãi suất thực dương.
Khi nói về lãi suất thực dương, phần lớn các nước quan tâm đến lãi suất cho vay chứ không phải lãi suất tiền gửi.
Nếu nói về lãi suất tiền gửi thực dương thì tôi thấy các nước hiện nay không điều hành theo hướng đó.
Cụ thể như ở Mỹ hiện nay lạm phát ở 3,2% nhưng lãi suất tiền gửi tiết kiệm chỉ khoảng 0,5%, hay là ở Trung Quốc lạm phát của họ là 5,3% thì lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm là 3,25%. Những nước xung quanh chúng ta như Thái Lan hiện tại lạm phát là 4% nhưng lãi suất tiền gửi tối đa kỳ hạn 1 năm chỉ khoảng 2% thôi. Singapore là 0,5%.
Điều đó cho thấy, yếu tố lạm phát trong bối cảnh hiện nay không phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố là cung tiền, yếu tố tổng cầu mà có một phần trong đó là do chi phí đẩy và có những yếu tố bất thường trong nền kinh tế.
Ví dụ, khủng hoảng chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông làm cho giá xăng dầu tăng, kéo theo tăng giá các mặt hàng. Việc tăng giá này không bền vững và sẽ giảm lại.
Khi thực hiện cơ chế lãi suất là người ta theo "mức lỗi của giá cả" tức là những yếu tố làm tăng giá bền chặt.
Ở Việt Nam, mức lạm phát phải nhìn trong kỳ hạn cả năm, chứ không phải từng tháng một. Nếu xét từng tháng, lạm phát phải ở mức 16% trong đó, lạm phát cơ bản chỉ dao động trong khoảng 12-13% thôi.
Ngân hàng mắc bệnh "hạch toán che dấu"
Vậy người gửi tiền hiện nay ở mức lãi suất nào là hợp lý?
Tôi nghĩ với mức lãi suất 14% là đã bù đắp được cho người gửi tiền về sự suy giảm sức mua của tiền tệ, bởi vì nếu không gửi NH thì chúng ta sử dụng tiền đó làm gì? Có đi mua xăng dầu cất trong nhà được không? Chắc chắn là không. Có đi mua thịt heo, cá về để nhà được không? Câu trả lời cũng là không.
Người dân rút tiền đi mua USD nhưng chúng ta đã cấm thị trường ngoại tệ ngoài thị trường tự do rồi, chỉ cho mua USD khi có nhu cầu hợp lý.
Nếu mua vàng, thì thị trường này lại bấp bênh. Giá vàng trong nước hiện thấp hơn giá vàng quốc tế.
Như vậy người có tiền hiện nay nếu gửi NH với lãi suất 14% thì đã thấy khả thi.
Ở đây, chúng ta đòi hỏi một sự sẻ chia. Nếu để lãi suất tiền gửi lên 17- 18% thì có doanh nghiệp nào có thể tiếp tục vay với lãi suất trên 20% hay không?
Chắc chắn DN không thể chịu nổi. Ai sẽ là người đi vay?
Nền kinh tế sẽ gặp khó. DN không vay được vốn sẽ co lại, sa thải lực lượng lao động. Công nhân sẽ nghèo khó hơn.
Nói cách khác, nếu điều hành không khéo, chúng ta sẽ làm cho những người có tiền lại tiếp tục giàu hơn mà những người lao động chân tay, công nhân lao động đang làm trong nhà máy và sinh viên tốt nghiệp... đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Đây là một bài toán rất lớn.
Do đó vì các nhóm lợi ích, chúng ta sẽ điều hòa thị trường tiền tệ sao cho hài hòa để phục vụ cho đại đa số và nhất là người lao động.
Trong bối cảnh NHNN vẫn chờ phản ứng tiếp của thị trường để có giải pháp phù hợp. Vậy theo ông tình hình thực tế hiện nay làm thế nào để tháo gỡ khó khăn trong thanh toan của ngân hàng nhỏ và làm thế nào để đưa lãi suất ở mức hợp lý?
Tôi nghĩ rằng là không nên quy định trần lãi suất tiền gửi và cũng không nên quy định trần lãi suất cho vay để cho thị trường hoạt động và các NH sẽ tự quyết định trong nguồn vốn của mình.
Đồng thời, cần nhắc nhở nguời gửi tiền tiết kiệm. Nhiều người vẫn nghĩ NHNN sẽ không thể chấp nhận cho một NH phá sản, vì thế, NHNN bảo hiểm toàn bộ số vốn gửi. Từ đó, người dân thấy chỗ nào lãi suất cao là gửi, làm nảy sinh cuộc cạnh tranh lãi suất, đẩy nguy hiểm cho nền kinh tế. Do đó chúng ta cần thông tin minh bạch. Một khi thông tin minh bạch, thị trường rõ nét thì việc điều tiết thị trường nó sẽ dễ dàng hơn.
Còn hiện nay chúng ta đã để cho các NHTM "lách luật", dẫn đến hạch toán che dấu. Nó là một thứ bệnh trong các ngân hàng, một dạng "ung thư bên trong". Nếu không điều trị được thì đến một lúc nào đó nó vỡ ra sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Lộ các DN yếu
Vậy thì, theo quan điểm của ông, ở bối cảnh hiện tại thì DN có thể chịu được mức lãi suất cho vay như thế nào?
Chúng ta có thể hình dung là nó sẽ có 3 nhóm DN: Nhóm DN có tỷ suất lợi nhuận 17-18%. Nếu vẫn giữ trần lãi suất tiền gửi 14% thì các DN này tồn tại thôi chứ không thể mở rộng thêm quy mô.
Nhóm thứ hai là các DN tỷ suất lợi nhuận khoảng 20%. Các DN này có khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho kinh tế tăng trưởng.
Nhóm thứ 3 là nhóm DN có tỷ suất lợi nhuận dưới 14%. Phần lớn những DN này rơi vào nhóm DN Nhà nước cần phải xử lý tái cấu trúc lại để nâng cao hiệu quả thì mới tồn tại được. Hoặc chúng ta phải cổ phần hóa hoặc cho phá sản hoặc sát nhập.
Giai đoạn kinh tế lạm phát cao cũng là giai đoạn cần thiết phải có tái cấu trúc hệ thống DN của Việt Nam.
Nếu như cứ duy trì như thế này thì có nguy cơ xảy ra tình trạng "trì- lạm" thưa ông?
Theo tôi, Việt Nam hiện nay không đến nỗi phải chấp nhận một mức lãi suất cao phi lý như vậy. Thế giới hiện nay đang có 3 cái khủng hoảng: Khủng hoảng về dầu hỏa; khủng hoảng về lương thực; khủng hoảng về mặt chính trị- xã hội nhưng mà Việt Nam chúng ta là đất nước ổn định chính trị xã hội. Ta lại có nhiều tiềm lực, năng lực sản xuất ra các loại thực phẩm rất cao và đang đứng ở vị trí thứ 2 xuất khẩu lương thực thế giới. Việt Nam lại là nước xuất khẩu dầu thô...
Như vậy, với 3 khủng hoảng đó, Việt Nam đều có cơ hội tốt. Không có lí do gì để ta rơi vào khủng hoảng lãi suất, để lãi suất của Việt Nam nằm trong top cao của thế giới.
Vì vậy, giải pháp ưu tiên hiện nay về mặt trung và dài hạn là kìm chế lạm phát nhưng giải pháp cấp bách và ngắn hạn đó là giải pháp làm sao kéo lãi suất thị trường đi xuống.
(TUANVIETNAM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com