Việc các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) ở Nhật Bản bị nổ, rò rỉ phóng xạ đang dấy lên lo ngại rằng sự việc tương tự có thể xảy ra đối với các nhà máy ĐHN, trong đó có nhà máy ĐHN đang chuẩn bị xây dựng ở Ninh Thuận, nước ta. DĐDN có cuộc trao đổi với TS khoa học Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ về Môi trường của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Là người nhiều năm làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, ông Khải cho biết, trận động đất vừa qua quá mạnh, lại kèm theo sóng thần đã vượt quá các dự tính ban đầu khi xây dựng nhà máy tại Fukushima (đầu những năm 70 thế kỷ trước). Ngay cả khi dự tính đã đầy đủ nhưng trong quá trình xây dựng và vận hành, nếu có lỗi ở một khâu nào đó cũng có thể dẫn đến sự cố.
- Là thành viên của một ủy ban đã chủ trì thẩm tra dự án Luật Năng lượng nguyên tử (được QH thông qua năm 2009) và giám sát công trình quan trọng quốc gia nhà máy ĐHN Ninh Thuận, ông có lo ngại về khả năng xảy ra sự cố tương tự ở dự án này ?
Đối với chúng ta, do chưa khởi công xây dựng nên đây là một kinh nghiệm, bài học lớn. Qua sự việc đang xảy ra ở Nhật, các cơ quan hữu quan của ta và các đối tác nước ngoài sẽ phải tính toán kỹ để điều chính, bổ sung thiết kế, xây dựng quy trình xây dựng, vận hành sao cho bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận trong điều kiện tai biến thiên nhiên cực đoan như động đất, sóng thần.
- Cụ thể trong quá trình nghiên cứu triển khai nhà máy ĐHN Ninh Thuận, vấn đề động đất, sóng thần đã được đặt ra thế nào ?
VN không nằm trực tiếp trên vành đai lửa Thái Bình Dương. Xét về mặt địa chất ở VN, nguy cơ động đất thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan trước những diễn biến khó lường của thiên nhiên.
Hiện dự án nhà máy điện nguyên tử vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, lựa chọn, thương thảo với nên chúng ta vẫn có điều kiện để điều chỉnh. Khi triển khai nghiên cứu, chuẩn bị dự án yêu cầu về an toàn đã được tính toán ngay cả khi xảy ra động đất với cường độ 9 độ richter. Nghị quyết của Quốc hội về dự án ĐHN Ninh Thuận cũng đề ra yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.
Việc chống lại sóng thần cấp độ lớn là một thách thức lớn, ngay cả với những quốc gia phát triển như Nhật Bản. Việc phòng ngừa cũng đòi hỏi chi phí rất lớn. Trong điều kiện nước ta hiện nay, bên cạnh chủ động cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
- Hiện các nước trên thế giới Đức, Áo, Philippines... đang gấp rút lập các uỷ ban xem xét mức độ an toàn của các nhà máy điện nguyên tử sau thảm hoạ động đất ở Nhật Bản. Vậy, đã đến lúc nước ta phải làm những việc tương tự không, thưa ông ?
Hiện nay, những cơ quan chức năng của Chính phủ, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường... đang theo dõi sát diễn biến của tình hình, cập nhật thông tin liên tục với sự hợp tác của chuyên gia quốc tế, trong đó có Nhật Bản để có biện pháp thích hợp. Đối với những công trình quan trọng quốc gia như nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, nhà máy ĐHN Ninh Thuận... thì yêu cầu về an toàn bao giờ cũng là số 1 và điều kiện tiên quyết.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com