Các quỹ bình ổn giá dường như không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà cho một nhóm đơn vị sản xuất hay phân phối.
Cùng với quyết định cho phép điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường từ ngày 1.6.2011, quỹ bình ổn giá điện sẽ được thành lập. Mới đây, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đề xuất hình thành quỹ bình ổn giá thuốc. Hồi đầu năm cũng có đề xuất hình thành quỹ bình ổn giá vàng. Các chuyên gia kinh tế đang lên tiếng cảnh báo về việc lạm dụng quỹ bình ổn. Vậy hiểu thế nào cho đúng và nên hình thành quỹ bình ổn trong trường hợp nào? Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Tất Thắng đã trao đổi với chúng tôi về nội dung này.
Ngày càng có nhiều quỹ bình ổn được đề xuất thành lập và đi vào hoạt động. Ông bình luận thế nào về thực tế này?
Hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường luôn có rủi ro, đặc biệt trong tình hình bất ổn như hiện nay. Khi đó, các thành phần kinh tế cần có một chỗ dựa để giảm rủi ro, giảm tác động xấu từ bất ổn thị trường. Chỗ dựa này có thể là ngoại tệ, nội tệ, nguyên, nhiên vật liệu dự trữ, hàng hóa... Đây là yêu cầu khách quan của cơ chế thị trường.
Nhưng nhìn lại thời gian qua thì việc hình thành các quỹ bình ổn đang có vấn đề. Ví dụ với quỹ bán hàng bình ổn giá đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các nhà phân phối, siêu thị hưởng lợi là chính nhờ vay vốn lãi suất thấp, chứ không phải đại đa số người tiêu dùng. Hay như quỹ bình ổn giá xăng dầu, lấy tiền của dân để hình thành quỹ, nhưng sử dụng thế nào lại do một hội đồng quyết định. Trên thực tế, đây là sự xin cho của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu với Nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước thấy việc sử dụng các quỹ hay quá, khỏe hơn nhiều so với việc phải suy nghĩ tìm biện pháp giải quyết, tìm hướng kinh doanh cạnh tranh trên thị trường, cho nên đua nhau xin thành lập quỹ.
Ông vừa nêu ra một loạt bất ổn của các quỹ bình ổn giá ở Việt Nam. Vì sao có sự bất hợp lý đó?
Tôi biết nhiều nước có quỹ bình ổn giá. Thế nhưng, cách hình thành quỹ của họ rất khác. Ví dụ nếu một mặt hàng hay biến động giá thì hiệp hội, hội doanh nghiệp ngành hàng đó đứng ra thành lập quỹ bình ổn giá. Nguồn của quỹ này được trích ra từ đóng góp của các thành viên, tùy theo mức độ, quy mô kinh doanh. Khi kinh doanh thuận lợi, các bên đều trích tiền nộp vào quỹ. Việc sử dụng quỹ này vào thời điểm nào, mức độ ra sao sẽ do hội doanh nghiệp quyết định. Điểm khác biệt rõ nhất là ở đây không có cơ chế xin cho.
Quay trở lại nước ta, có 3 vấn đề cần lưu ý khi nói đến quỹ bình ổn giá. Thứ nhất, nếu không khéo, sẽ dẫn tới tình trạng nở rộ quỹ bình ổn các mặt hàng. Thứ hai, khi có quỹ rồi thì lại hình thành cơ chế xin cho. Và thứ ba, chủ yếu các quỹ này mang lại lợi ích cho đơn vị kinh doanh hơn là người tiêu dùng, tức không hiệu quả về mặt xã hội. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi cho ra đời một quỹ bình ổn giá.
Như vậy, trong nền kinh tế thị trường, việc khi nào thì nên lập quỹ bình ổn giá, cơ chế hoạt động cụ thể sẽ do các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm đó quyết định?
Phải khẳng định là việc thành lập các quỹ bình ổn xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động kết hợp để dành ra khoản tiền, hàng nhất định, dựa trên kết quả kinh doanh ở thời kỳ thuận lợi, sử dụng cho thời điểm kinh doanh kém thuận lợi hơn. Nguồn tiền của quỹ không xuất phát từ ngân sách, không phải vốn tín dụng ưu đãi nhà nước hay của người dân. Và như thế, cũng hình thành quỹ bình ổn, nhưng bản chất khác với các quỹ bình ổn giá hiện nay.
Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, nhiều thời điểm cũng cần sự can thiệp của Nhà nước để cân đối cung cầu, đặc biệt là khi kinh tế khủng hoảng hay lạm phát quá cao, gây biến động thị trường?
Cấp quốc gia luôn phải có dự trữ quốc gia. Và Nhà nước có lẽ chỉ nên làm như vậy. Về lâu dài, Nhà nước không nên làm nhiệm vụ thành lập một quỹ bình ổn giá nào đó. Quỹ bình ổn giá phải dựa vào cơ chế thị trường, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Việc hình thành các quỹ hiện nay chưa thực sự mang tính thị trường. Cho nên, có lẽ cách hình thành quỹ như thế chỉ đúng trong một thời gian ngắn. Về lâu dài, lạm dụng các quỹ bình ổn này sẽ phản tác dụng vì hiện đã có tình trạng lạm dụng rồi.
Ông có thể phân tích rõ hơn?
Mặt trái của một số quỹ bình ổn ở Việt Nam hiện nay là xuất hiện cơ chế xin cho, phục vụ cho lợi ích của một nhóm người, doanh nghiệp, trong khi không mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, người tiêu dùng. Cơ chế xin cho còn làm cho quan hệ thị trường méo mó. Doanh nghiệp nào được sử dụng quỹ thì có lợi, không được thì bất lợi. Từ đó tạo sự bất bình đẳng trong quan hệ kinh doanh.
Vậy có cơ chế nào tốt hơn là hình thành các quỹ bình ổn hay không?
Tôi vẫn thiên về hướng hình thành quỹ bình ổn, nhưng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế khách quan của doanh nghiệp. Vì lợi ích của mình, doanh nghiệp sẽ tự tổ chức quỹ, trên cơ sở luật pháp và hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Nhà nước, nếu có tham gia thì nên tạo ra cơ chế và khuôn khổ pháp lý. Còn việc can thiệp trực tiếp thì chỉ nên thực hiện trong trường hợp đặc biệt như sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia chẳng hạn. Nhưng cần nhấn mạnh rằng chỉ trong trường hợp nào thực sự đặc biệt ở một quãng thời gian nhất định, sau đó phải trả lại theo cung cầu thị trường.
(Nhịp cầu đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com