Với việc vừa thực hiện điều chỉnh tăng giá các mặt hàng như điện, xăng dầu…, việc kiểm soát giá cả trong khoảng 7 - 8% theo Nghị quyết của Quốc hội có khả năng không thực hiện được. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá tiêu dùng trong các tháng tiếp theo có thể giảm, chứ không phải ở mức “ngất ngưởng” như tháng 4 nữa.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn đã đưa ra nhận định trên khi trao đổi với Đất Việt xung quanh câu chuyện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã vượt lên trên các mốc dự báo trước đó: so với tháng 12/2010 đã tăng 9,64%, vượt xa mục tiêu 7% đặt ra hồi đầu năm; so với cùng kỳ đã tăng 17,51%, vượt mốc dự báo đỉnh lạm phát 16% trong năm 2011 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới được công bố. Còn nếu tính bình quân, CPI 4 tháng đầu năm tăng 13,95% so với cùng kỳ.
Ông Ngoạn nói: “Đầu năm nay, chúng ta thực hiện điều chỉnh tỷ giá, giá điện, giá xăng dầu, chính điều này đã khiến mặt bằng giá bị đẩy lên và có thể tiếp tục bị ảnh hưởng thêm một thời gian. Nghị quyết 11 của Chính phủ đang được triển khai quyết liệt, nhưng chính sách đó có độ trễ và phải vài tháng sau mới có tác dụng. Quan trọng nhất hiện nay là tâm lý của người dân, nhiều người hiểu đơn giản rằng giá các mặt hàng xăng dầu, điện tăng thì giá các mặt hàng tiêu dùng cũng sẽ tăng theo”.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng từ nay đến cuối năm, chỉ số CPI có thể tăng hơn nữa. Ý kiến của ông về nhận định này như thế nào?
Thời gian tới đây, sẽ có hai “lực” tác động ngược vào nền kinh tế. Thứ nhất là một số mặt hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng giá, như điện, xăng dầu... Những yếu tố này sẽ tác động đến mặt bằng giá và còn có thể có hiệu ứng lan tỏa. “Lực” thứ hai sẽ làm cho giá có xu hướng giảm xuống, đó là việc giảm đầu tư công, lộ trình chính sách tiền tệ đang thắt chặt, trực tiếp góp phần làm giảm CPI. Như vậy, trong thời gian tới, chỉ số CPI sẽ chịu sự tác động của hai “lực” ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực. Nhưng tôi tin rằng tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ giảm so với những tháng đầu năm và ngay cả tháng 5 sẽ thấp hơn tháng 4. Có thể đến tháng 6, tháng 7 sẽ bước đầu nhận thấy hiệu ứng giảm chỉ số CPI, nhưng tất nhiên không thể giảm nhanh được.
Đến nay, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã triển khai được hơn hai tháng. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các giải pháp đã và đang thực hiện?
Tôi quan tâm nhất là hai giải pháp quan trọng nhất: giảm tổng cầu và thắt chặt tiền tệ, đi liền với đó là cắt giảm đầu tư công. Tôi nghĩ, các bộ ngành, địa phương cần cắt giảm đầu tư công mạnh mẽ nữa. Thứ hai là phải tính toán lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng. Chẳng hạn giá điện, xăng dầu, song song với việc cho điều chỉnh tăng giá, thì phải yêu cầu các doanh nghiệp tiết kiệm chi tiêu, quản lý chi tiêu cho tốt, bởi giá thành bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có giá nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí quản lý nữa. Nếu các doanh nghiệp nhà nước quản lý tốt, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng cơ bản, giảm chi phí của mình cũng sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Với những diễn biến của nền kinh tế, theo ông, chúng ta có nên đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm 2011?
Chúng ta phải hiểu rằng các chỉ tiêu trong nền kinh tế thị trường mang tính định hướng nhiều hơn. Chỉ tiêu của Quốc hội mang tính pháp lệnh, nhưng không thể nói là chỉ tiêu “cứng” được. Các yếu tố bên ngoài, bên trong luôn thay đổi. Do vậy, nếu điều chỉnh thì cũng phải chờ kỳ họp Quốc hội trong tháng 7 tới. Nhưng có lẽ kỳ họp này chủ yếu bàn vấn đề nhân sự, không có thời gian bàn nhiều về các chỉ tiêu hay tập trung vào vấn đề kinh tế nhiều nữa, nên chưa chắc đã đề cập việc điều chỉnh chỉ tiêu này.
Xin cảm ơn ông!
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com