Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

An toàn thực phẩm Cần một cơ quan điều phối có hiệu lực

Dự thảo luật vệ sinh an toàn thực phẩm lại đưa Quốc hội đối mặt trở lại với những câu chuyện cũ, năm ngoái, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6: Ai chịu trách nhiệm cuối cùng đối với sự an toàn thực phẩm của người dân?

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề, “liệu có nên giao cho bộ Khoa học và công nghệ, họ có một bộ phận làm về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hoặc có thể lập một uỷ ban quốc gia quản lý vấn đề này vì an toàn thực phẩm còn liên quan đến giống nòi”.

Thực ra, chẳng có bộ nào muốn ôm trách nhiệm độc quyền cho mình. Tâm lý ấy có thể thấy được qua ý kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), ngành y tế đang rất thiếu người nên nếu giao đầu mối về cho ngành y sẽ rất khó, vì họ chỉ có thể kiểm tra theo chiến dịch. Nên chăng để ngành nông nghiệp?

Nhưng những quan tâm của các đại biểu có thể giải quyết ngay: người chịu trách nhiệm cuối cùng là người đứng đầu các bộ liên quan thôi.

Vấn đề đặt ra là một cơ quan điều phối có đủ quyền lực và hiệu lực.

Một ví dụ điển hình là cục Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA), một cơ quan chính phủ thuộc bộ Y tế của nước này. Nó chịu trách nhiệm điều phối và giám sát sự an toàn của thực phẩm, các sản phẩm thuốc lá, các chất bổ dưỡng, thuốc trị bệnh, vắcxin, dược sinh học, truyền máu, thiết bị y tế, thiết bị phát bức xạ điện từ, sản phẩm thú y và mỹ phẩm. Ngoài ra nó còn quản lý về vệ sinh du lịch liên bang cũng như kiểm soát bệnh tật đối với các sản phẩm từ vật nuôi kiểng đến các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.

Cơ quan này cũng yêu cầu cơ quan về tiêu chuẩn chất lượng, các cơ quan quản lý chuyên ngành đưa ra bộ tiêu chuẩn an toàn thống nhất đối với toàn bộ những sản phẩm, dịch vụ mà họ chịu trách nhiệm giám sát an toàn, để những cơ quan khác có thể theo đó thực hiện một cách có hiệu lực. Đồng thời, họ cũng giao cho các công ty tư nhân giám định chất lượng tính an toàn của các sản phẩm dịch vụ. Quyết định phán xử sau cùng, đặc biệt là trong trường hợp có vấn đề, vẫn thuộc về FDA.

Ở Việt Nam, những công ty xuất khẩu liên quan đến an toàn y tế đang phải tuân thủ những quy định nghiêm nhặt của nơi họ xuất hàng đến yêu cầu. Chẳng hạn như phải theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và dược phẩm HACCP. Nhưng những nhà nhập khẩu thực phẩm vừa qua lại không bị khống chế bởi những quy định này. Hàng nhập vào không an toàn – hư thối, nhiễm khuẩn – vẫn được chấp nhận chiếu xạ chữa cháy để dân trong nước tiêu dùng. Gần đây mới ngưng việc nhập khẩu loại phế phẩm nguy cơ cao này.

Khi gặp phải các chuẩn về hoá chất độc hại trong thực phẩm như melamine trong sữa vừa qua, bộ Y tế mới giật mình đi tìm xem nên “cóp” tiêu chuẩn của ai cho hợp lý.

Làn sóng thực phẩm chức năng đang nổi lên tại thị trường, nhưng tiêu chuẩn nào xác định đối với thực phẩm chức năng vẫn còn bỏ ngỏ – nhất là các loại dược thảo, vẫn được cho là tốt hơn hoá chất, nhưng không có một thử nghiệm thoả đáng lâm sàng nào. Và như thế, các nhà sản xuất tự do công bố phóng đại tác dụng sản phẩm, đúng như mối lo của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai).

Ông Nguyễn Văn Thuận nhận xét toàn bộ chương “Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm” rất chung chung và tù mù. “Quy định không rõ ràng như thế này thì không biết “nắm” ai cả.

Phải chăng vì vậy mà các đại biểu trong phiên thảo luận tổ ngồi lại cảm thán với nhau về thực tế ảm đạm ngày càng trầm trọng của sự an toàn thực phẩm?

( Theo Khởi Thức // SGTT Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi