Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cấm xuất khẩu tài nguyên: Nói dễ, làm thì...

Tuần trước, một vấn đề lớn được luận bàn sôi nổi tại Quốc hội là vấn đề xuất khẩu tài nguyên (và cụ thể hơn là khoáng sản thô) khi dự thảo luật Thuế tài nguyên được đưa ra thảo luận. Tham gia thảo luận tại tổ, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói rằng, “đã đến lúc phải đi sâu vào chế biến và Chính phủ sắp tới phải có quy định theo hướng cấm bán tài nguyên thô ra nước ngoài”. Các đại biểu Quốc hội khác cũng tỏ ý thất vọng do dự thảo luật này chưa xây dựng được những quy định để đi tới việc khai thác tài nguyên, khoáng sản thô chủ yếu dành cho sản xuất trong nước. Dự luật này còn định ra một khung thuế quá rộng trong khung thuế suất cho việc xuất khẩu tài nguyên, nhất là khoáng sản, có thể dẫn tới tình trạng tuỳ tiện trong quản lý, điều hành.

Nhưng đáng nói hơn là, song song với quá trình xây dựng luật này thì một số bộ, ngành đã và đang ban hành, xây dựng những chính sách theo hướng… đẩy mạnh xuất khẩu khoáng sản thô.

Bằng chứng rõ nhất là mới đây, bộ Tài chính đã có quyết định giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng quặng apatít từ mức 10% thành mức thuế suất thuế xuất khẩu mới là 7%. Thuế giảm đương nhiên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc thu gom quặng, xuất khẩu kiếm lời.

Còn bộ Công thương, cơ quan có thẩm quyền quan trọng nhất về quản lý, khai thác, xuất khẩu khoáng sản thì giữa tháng 9 cũng đã có một tờ trình, đề nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu một khối lượng rất lớn các loại tinh quặng trong các tháng còn lại của năm 2009 (một số loại tinh quặng thực ra đã được xuất khẩu trước đó). Ví dụ, bộ này đề nghị xuất khẩu thêm 400 ngàn tấn tinh quặng sắt (ngoài 500 ngàn tấn quặng sắt từ mỏ Quý Xa đã được phép xuất khẩu); 84.000 tấn tinh quặng magnetit, 18.000 tấn quặng mangan, 44.000 tấn kẽm …

Không biết là việc bộ Công thương xin cho xuất khẩu số tinh quặng trên có phải nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm nay là 3% không (xuất khẩu chín tháng giảm 14,3%) nhưng với đề nghị như thế, rõ ràng nó đi ngược lại chủ trương hạn chế xuất khẩu chưa qua chế biến đã được nêu trong nhiều văn bản của Chính phủ, các thông tư, văn bản của chính ngành công thương, xây dựng.

Bộ Công thương cho biết, đó là số khoáng sản “dư thừa” sau khi đã cân đối cho chế biến sâu trong nước hoặc một số loại quặng đã khai thác được nhưng trong nước chưa có cơ sở luyện, chế biến, ví dụ như tinh quặng sulfur chì. Bộ này còn cho rằng, xuất khẩu tinh quặng là nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, tạo nguồn vốn đầu tư cho chế biến sâu, giải quyết việc làm cho người lao động…

Những lý do đó đã được viện dẫn trong nhiều năm mỗi khi bộ Công thương đề nghị xuất khẩu khoáng sản. Nhưng chúng ngày càng trở nên khó nghe khi các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước đi tới chỗ cạn kiệt. Ví dụ như than, bởi mỗi năm bộ Công thương cho phép tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) xuất khẩu hàng chục triệu tấn (năm 2009 khoảng 20 triệu tấn), dẫn tới khả năng năm 2013 nước ta sẽ phải nhập than. Và còn nghiêm trọng hơn, nếu sau năm 2013 không nhập được than (do giá đã quá đắt) thì hàng chục nhà máy nhiệt điện chạy than trong nước có nguy cơ đắp chiếu.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc công ty Năng lượng sông Hồng, công ty con của TKV cho rằng: “Nếu trong vòng 13 năm qua, thay vì tích cực xuất khẩu than, TKV đẩy mạnh đầu tư theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung tiềm lực đầu tư cho ngành than thì nguy cơ phải nhập khẩu than của Việt Nam có thể được đẩy lùi hàng chục năm”.

Ông bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên cũng đã nói lên một sự thật chua chát: “Trung Quốc mua khoáng sản thô không phải để phục vụ sản xuất ngay mà họ đưa vào những mỏ nhân tạo. Dự báo nguồn tài nguyên trên toàn cầu đang dần cạn kiệt, nên phải sau năm 2050 Trung Quốc mới khai thác những mỏ nhân tạo này để phục vụ sản xuất”. Thế mà bộ Công thương Việt Nam cho rằng phải xuất khẩu vì “dư thừa”, trong nước chưa có cơ sở chế biến tinh quặng. Vấn đề phải chăng nằm ở tầm nhìn hay còn vì lý do nào khác?

Cho nên, việc chấm dứt (chứ không phải chỉ là hạn chế) xuất khẩu tài nguyên khoáng sản cần phải được thực hiện ngay và dự án luật Thuế tài nguyên phải có đủ quy định, thiết chế rõ ràng cho việc ấy. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của đề án tái cơ cấu nền kinh tế và chiến lược phát triển trong giai đoạn 10 năm tới mà Chính phủ đang xây dựng. Nếu tiếp tục chấp nhận đề nghị như của bộ Công thương nêu trên đây, nếu vẫn để bộ Tài chính có lúc hạ thuế suất thuế xuất khẩu khoáng sản… thì những ý kiến bức xúc mà đại biểu Quốc hội nêu ra tuần trước, trong đó có cả ý kiến của Tổng bí thư, vẫn chỉ dừng lại ở lời nói.

(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Sẽ tiếp tục tăng trưởng
  • Công nghiệp Từ Sơn tiếp tục phát triển (28/01/2010)
  • Đưa ngành thép thành công nghiệp trọng điểm
  • Tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút và quản lý vốn FDI
  • Hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất
  • Sẽ mở rộng đối tượng được “hậu kiểm”
  • Nhộn nhịp sản xuất công nghiệp đầu năm
  • Thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi