Vấn đề cấp bách đối với người lao động trong điều kiện lạm phát hiện nay là bảo đảm tiền lương thực tế. Ảnh: Minh Khuê |
Để bảo đảm an sinh xã hội, cùng với những biện pháp nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, vấn đề bảo đảm tiền lương thực tế phải cấp bách đặt ra. Với tinh thần đó và căn cứ vào điều 56 Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã soạn thảo phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng để áp dụng thống nhất từ 1-10-2011 cho cả doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài, sớm ba tháng so với lộ trình (xem bảng).
Hai hội nghị đã được tổ chức tại Hà Nội và TPHCM để tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, cơ quan lao động và liên đoàn lao động các địa phương. Tất cả hầu như thống nhất về sự cần thiết điều chỉnh LTT. Những ý kiến khác nhau tập trung vào hai vấn đề cụ thể: thời điểm và mức độ điều chỉnh. Tuy nhiên cần thấy rằng để bảo đảm tiền lương thực tế trong điều kiện lạm phát hiện nay mà chỉ điều chỉnh LTT, lại chỉ là LTT vùng, rõ ràng là chưa đủ.
Nếu hiểu LTT là lương sàn, không được thấp hơn, thì việc tăng LTT chỉ có thể giúp tăng lương của những người lương thấp hơn mức LTT dự kiến điều chỉnh. Theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, hầu hết người lao động hiện đã có mức lương không chỉ cao hơn mức LTT hiện hành, mà còn cao hơn cả mức LTT dự kiến điều chỉnh. Nếu những thông tin trên là đúng, thì việc tăng LTT dự kiến không thể bảo đảm được lương thực tế cho mọi người lao động. Thêm nữa, LTT dự kiến điều chỉnh chỉ là LTT vùng, tức chỉ áp dụng ở khu vực doanh nghiệp, trong khi ở nước ta còn có một loại LTT nữa, gọi là LTT chung, áp dụng ở khu vực hành chính, sự nghiệp và lực lượng võ trang. Chưa rõ loại LTT này có nằm trong dự kiến điều chỉnh lần này không. Chẳng lẽ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại quên những người lao động này?
Trở lại hai vấn đề còn có những ý kiến khác nhau đã nêu ở trên.
Các doanh nghiệp tỏ ý lo ngại về thời điểm điều chỉnh LTT ngay từ 1-10-2011, tức sớm hơn lộ trình đã đề ra
trước đây, khi lạm phát chưa xảy ra. Sự lo ngại này là có cơ sở, bởi chưa kể tăng lương, các doanh nghiệp đã phải đương đầu với khó khăn chồng chất như giá vật tư, nhiên liệu, động lực đầu vào tăng rất cao, mà giá đầu ra lại khó tăng, thị trường thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, nguồn vốn kinh doanh bị thắt chặt. Trong điều kiện đó nếu tăng LTT ngay trong năm nay, với hệ quả tất yếu là phải tăng lương cho người lao động, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ đội lên cao hơn nữa, e rằng nhiều doanh nghiệp khó chịu đựng nổi.
Như đã nêu ở trên, vấn đề cấp bách đối với người lao động trong điều kiện lạm phát hiện nay là bảo đảm tiền lương thực tế. Để làm được điều này, không thể không nói đến tăng lương danh nghĩa qua điều chỉnh LTT hay/và những biện pháp khác, thí dụ trợ cấp đắt đỏ tạm thời, do đó chi phí đầu vào về tiền lương tất yếu phải tăng như một khó khăn doanh nghiệp không thể tránh.
Đây là một thực tế Nhà nước cần tính đến trong tổng thể các giải pháp kiềm chế lạm phát nhằm chia sẻ và giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt. Thực ra không phải Chính phủ không quan tâm đến vấn đề này. Đã có những phương án miễn, giảm, giãn thuế đối với doanh nghiệp đã trình ra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận trình ra Quốc hội. Vấn đề là ở chỗ nhận thức rõ khó khăn trong thời lạm phát là khó khăn chung, cả chủ, cả thợ, cả Nhà nước cần chung lưng gánh vác, trong đó Nhà nước cần tỏ rõ tinh thần chia sẻ, cảm thông không chỉ đối với khó khăn của người lao động, mà đối với cả của giới chủ và thấy hết vai trò quan trọng của giới chủ trong việc bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động.
Trong hai hội nghị kể trên, theo ý kiến cơ quan lao động và công đoàn, mức tăng LTT như dự kiến là chưa đủ bảo đảm được đời sống cho người lao động. Có ý kiến đề nghị chấp nhận mức do Tổng Liên đoàn lao động đề ra: tối đa là 2.200.000 đồng (vùng I) và tối thiểu là 1.600.000 đồng (vùng IV). Cần thấy rằng mức LTT dự kiến điều chỉnh đã có mức tăng khá cao so với mức hiện hành, nhưng nhiều người vẫn chưa hài lòng. Tuy nhiên vấn đề đáng lưu ý là tất cả những đánh giá LTT, hay tiền lương nói chung, cho đến nay vẫn đều là những đánh giá cảm tính, bởi chưa có phương pháp khoa học nào định lượng được những khái niệm trừu tượng như “bù đắp sức lao động” và “nhu cầu tái sản xuất sức lao động mở rộng”. Nếu như điều 56 Bộ Luật Lao động chỉ ghi: “LTT ấn định theo giá sinh hoạt” và “khi chỉ số giá sinh hoạt tăng… thì Chính phủ điều chỉnh mức LTT để bảo đảm tiền lương thực tế”, những câu chữ có thể lượng hóa, thì việc đánh giá LTT cao hay thấp mới có cơ sở thuyết phục.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com