Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cục Hàng hải Việt Nam - Anh hùng thời chiến, năng động thời bình

Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt, nhằm tăng cường tuyến vận tải đường biển, Chính phủ ra Quyết định số 136/CP ngày 10-7-1965, thành lập Cục Vận tải đường biển (tiền thân của Cục Hàng hải Việt Nam  (HHVN) trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Từ năm 1992 đến nay, Cục HHVN ra đời, cùng với việc thành lập Tổng công ty Hàng hải (VINALINES) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (nay là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) đã kế tục, phát huy thành tích và truyền thống vẻ vang của ngành. Ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của các cán bộ, công chức và người lao động ngành hàng hải trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước cũng như thành tựu trong công cuộc đổi mới, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống của ngành (5-5-1965 - 5-5-2010), Ðảng, Nhà nước tặng  phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Cục Vận tải đường biển, nay là Cục HHVN.

Anh hùng trong kháng chiến

Trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, từ khi thành lập đến năm 1975, cán bộ, công nhân, thuyền viên Cục Vận tải đường biển (VTÐB) luôn đoàn kết, không sợ hy sinh gian khổ, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc. Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, gánh vác trách nhiệm nặng nề, song Cục VTÐB chỉ tiếp nhận và quản lý cơ sở vật chất - kỹ thuật hết sức nghèo nàn: bảy tàu biển, hai sà-lan biển, một số thuyền,... tổng trọng tải hơn 1,3 vạn tấn, phần lớn là tàu nhỏ, lạc hậu. Hệ thống cảng biển gồm cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Bến Thủy (Nghệ An),... tổng chiều dài cầu cảng chưa đầy 1.700 m. Số cán bộ, công nhân, thủy thủ khoảng mười nghìn người, trình độ thấp, chưa quen công tác tổ chức, quản lý vận tải biển. Từ tháng 2-1967, đế quốc Mỹ phong tỏa các cửa biển từ Lạch Giang vào khu IV bằng thủy lôi và tiếp tục ném bom trên bộ, hơn 100 cán bộ, người lao động của cục đã hy sinh anh dũng, 137 người bị thương. Ðể bảo đảm cho hàng hóa lưu thông trong chiến tranh đánh phá ác liệt, bên cạnh việc bốc dỡ hàng tại cảng Hải Phòng, Cục triển khai phương án chuyển tải sang mạn và chuyển thẳng không qua cảng Hải Phòng, trong bốn năm (1965 - 1968) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tăng thêm điểm bốc dỡ khắc phục tình trạng thiếu cầu tàu, vừa tăng nhanh sản lượng tiếp nhận hàng nhập, tạo hành lang bảo vệ thành phố, giảm nhân lực bốc xếp và phương tiện. Cục đã kịp thời tập trung các kỹ sư và công nhân kỹ thuật lành nghề của toàn ngành nghiên cứu và chế tạo các loại cần trục có sức nâng lớn bốc dỡ hàng hóa tại Cảng và các điểm chuyển tải, các bến sơ tán. Cùng với đó, cục cải hoán cần cẩu P1 có sức nâng từ 40 tấn lên 120 tấn, nâng hạ các kiện hàng siêu trường, siêu trọng và chế tạo cẩu P6 có sức nâng 25 tấn, tầm với 13 m, hàn vào giá chữ A trên phao, bốc dỡ các kiện hàng nặng trên tàu sang mạn; nghiên cứu đưa cần cẩu bánh xích xuống phao nổi,... Khối lượng hàng thông qua Cảng tăng lên nhiều lần. Hải Phòng trở thành căn cứ hậu cần khổng lồ của cả nước.

Năm 1972 là một năm thử thách ý chí kiên cường của giai cấp công nhân Việt Nam tại các cảng: tháng 4, máy bay B52 của Mỹ ném bom rải thảm Hải Phòng làm hư hại nặng năm kho và toàn bộ bến bãi tại cảng, trụ sở Cục VTÐB cũng bị ném bom. 81 cán bộ, công nhân của cục đã hy sinh, trong đó có nhiều người đang làm nhiệm vụ. Tháng 5, đế quốc Mỹ phong tỏa tất cả các cảng miền bắc bằng thủy lôi từ tính và bom từ trường. Tháng 12, phong tỏa triệt để cảng Hải Phòng trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá miền bắc bằng máy bay B52. Trước tình thế đó, Ðảng ủy và lãnh đạo Cục VTÐB quyết định tập trung sự chỉ đạo vào việc mở tuyến luồng vận tải Việt - Trung và triển khai nhiều bến xếp dỡ dã chiến ở vùng Ðông Bắc. Khi các phương tiện vận tải hàng sang mạn bị Mỹ phát hiện và đánh phá ác liệt, ta cho xếp hàng xuống thuyền kéo vào bờ. Khi phương thức này lại bị cản trở, các cán bộ, công nhân đã tính toán thủy triều, lợi dụng hướng gió thả các bao hàng được gói ni-lông nhiều lớp cho trôi vào bờ tự do. Ðây là hình thức vận chuyển vận tải đặc biệt được sáng tạo trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Thành công trong việc bốc dỡ và giải phóng tàu tại các cảng miền bắc trong thời kỳ 1965-1975 có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng làm phá sản âm mưu của đế quốc Mỹ muốn cắt đứt viện trợ của bạn bè quốc tế, cô lập các cảng biển miền bắc, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu cho xây dựng và chiến đấu.

Từ năm 1966, các phương tiện của các đội tàu đã triển khai các tuyến vận tải từ Hải Phòng vào Lạch Giang, Bến Thủy, Lạch Trào rồi tiến vào Cửa Hội, Quảng Bình. Bất chấp máy bay Mỹ trinh sát, uy hiếp, các sĩ quan thuyền viên vẫn kiên cường và mưu trí điều khiển phương tiện bám sát bờ biển, giữ vững tuyến vận tải. Khẩu hiệu "Tất cả vì miền nam ruột thịt" đã cổ vũ sĩ quan, thuyền viên đội tàu bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa kịp thời, với những tấm gương hy sinh vô cùng oanh liệt.

Tháng 6-1966, các kho xăng dầu bị bắn phá ác liệt, việc tiếp nhận xăng dầu trở nên bức bách. Cục đã thành lập đội tàu chuyên trách tiếp nhận xăng dầu, lấy tên là đội Quyết Thắng. Một sáng kiến lớn được thực hiện: hàn kín hầm hàng của 30 sà-lan 100 - 200 tấn trước đây chở hàng khô chuyển sang vận chuyển xăng dầu, đồng thời cho đóng loại tàu kéo thuộc các đơn vị giao cho đội Quyết Thắng quản lý và khai thác. Ðội tàu Quyết Thắng tuy chưa được huấn luyện vận chuyển loại hàng hóa đặc biệt và nguy hiểm này, vận tải trong điều kiện máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, các phương tiện phòng cháy, chữa cháy rất thô sơ, chỉ với một vài thùng cát và hai bình bọt cứu hỏa, song không một ai nản chí, tất cả đều chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh và nội quy bảo đảm an toàn. Trong năm 1972 ác liệt nhất, chỉ tính sáu tháng cuối năm, đội tàu của Cục VTÐB đã vận chuyển vào khu IV 400 nghìn tấn hàng hóa, trong đó có 117.300 tấn xăng dầu. Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ vận tải chi viện cho chiến trường, Cục VTÐB đã mở rộng khả năng vận tải các tuyến: Hải Phòng - Hồng Công - Quảng Châu - Nhật Bản, mở đầu cho vận tải viễn dương của Ðội tàu biển Việt Nam sau này.

Ðể bít chặt luồng tàu vào cảng, từ năm 1967 và nhất là trong năm 1972, đế quốc Mỹ đã thực hiện âm mưu phong tỏa đường biển bằng thủy lôi từ tính và bom từ trường. Cục đã thành lập các đội rà phá thủy lôi chuyên trách, thành lập 129 trạm quan sát  thủy lôi từ Móng Cái tới Quảng Bình và các vùng ven cảng. Sau một tháng nghiên cứu, tháng 5-1967, với sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục VTÐB đã chế tạo thiết bị phá thủy lôi đầu tiên, đi đôi với rà phá bằng khí tài thủ công đem lại hiệu quả tốt. Sau năm 1972,  đế quốc Mỹ cải tiến thủy lôi nhằm ngăn chặn rà phá, một số chiến sĩ của Cục đã dũng cảm trục vớt được thủy lôi thế hệ mới (loại MK 42) khi chưa nổ, phục vụ kịp thời cho công tác nghiên cứu, cải tiến thiết bị, được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen. Từ đó, thiết bị rà phá thế hệ mới ÐB72 hiệu quả cao, an toàn và tương đối hoàn chỉnh ra đời,  phá nổ nhiều quả MK42 trên các luồng. Sau này,   Cục VTÐB đã  được trao tặng Giải  thưởng  Hồ Chí Minh về  khoa học  kỹ thuật  cho Công trình phá thủy lôi từ tính và  bom từ trường. Bên cạnh thả thủy lôi, đế quốc Mỹ còn tập trung ném bom hủy diệt các đảo đèn nhằm phá hoại tín hiệu dẫn đường ban đêm, gây khó khăn cho tàu biển quốc tế chở hàng viện trợ cho Việt Nam. Với khẩu hiệu "Còn người còn đảo, trái tim còn đập đèn còn sáng", công nhân trên các đảo đèn ngày đêm bám trụ, vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch, kiểm đếm thủy lôi, vừa tìm biện pháp để đảo đèn luôn sáng. Nhiều tự vệ trên đảo đèn đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Máy bay Mỹ bắn phá làm hư hỏng cầu Quay, cầu Thượng Lý (Hải Phòng), Cục VTÐB cùng ngành đường sắt sử dụng phao loại lớn gia cường thêm rồi đặt hệ thống ray lên mặt boong theo đúng yêu cầu kỹ thuật, dùng cần cẩu 25 tấn đưa từ cảng Hải Phòng chui qua cầu Thượng Lý nâng hạ phao, đặt khít vào mố cầu gia cố thêm cho các đoàn tàu hỏa vượt sông đưa hàng vào nội địa. "Tàu hỏa vượt sông không cầu" ra đời như một sự ghi nhận về tính sáng tạo của ngành GTVT nước ta, trong đó có đóng góp của Cục VTÐB trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Năng động, sáng tạo trong thời bình

Sau khi nước nhà thống nhất, phạm vi hoạt động của Cục VTÐB đã mở rộng ra cả nước. Phát huy nội lực, Cục VTÐB luôn coi  trọng việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và cải tiến tổ chức bộ máy sao cho thích hợp nhiệm vụ, chuyển hướng để phát triển lâu dài. Năm 1978, Chính phủ thành lập Tổng cục Ðường biển (TCÐB), đội tàu biển viễn dương được hình thành, có mặt trên tất cả các đại dương, bình quân hằng năm chở hơn 1,2 triệu tấn hàng. Một hệ thống gồm tám cảng biển lớn được hình thành và phát triển. Trước yêu cầu mới, năm 1992, Chính phủ quyết định thành lập Cục HHVN, quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải. Các Tổng công ty VINALINES, VINASHIN cũng được thành lập. Ðây là dấu mốc quan trọng tạo tiền đề cho ngành hàng hải tiếp tục phát triển, góp phần thắng lợi cho công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo.

Cục HHVN đã kịp thời triển khai thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam, ra đời năm 1990 và sửa đổi năm 2005; thành lập 24 cảng vụ hàng hải trong cả nước; xây dựng hệ thống 32 đài thông tin duyên hải và một trung tâm xử lý tín hiệu, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, phòng, chống và tìm kiếm cứu nạn hàng hải. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải ra đời năm 1996 được đầu tư phát triển, đã cứu sống hàng trăm thuyền viên trong và ngoài nước gặp nạn trên vùng biển. Hệ thống 91 đèn biển dọc bờ biển được xây dựng, vận hành, trong đó có chín đèn được xây dựng kiên cố trên quần đảo Trường Sa, là tín hiệu vĩnh hằng của chủ quyền nước ta trên biển. Từ chỗ chỉ có tám cảng biển, đến nay cả nước có gần 100 cảng biển lớn nhỏ, tổng chiều dài cầu cảng hơn 35 nghìn mét gồm nhiều thành phần kinh tế tham gia. Công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển tăng mạnh về khả năng và thành công trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ đóng tàu tiên tiến. Việt Nam đã vươn ra xuất khẩu nhiều loại tàu có sức chở lớn như tàu hàng 53 nghìn DWT; đóng mới nhiều tàu chuyên dụng, đặc biệt là kho nổi chứa xuất dầu FSO 5, sức chở 150 nghìn DWT.

Có thể nói, từ sau khi nước nhà thống nhất đến nay, ngành hàng hải Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, liên tục phát triển, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động, có đóng góp quan trọng trong thành công của công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Ngành HHVN có thành tích to lớn và phát triển vượt bậc như hiện nay chính là nhờ kế thừa và phát huy truyền thống và kinh nghiệm trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, vận dụng triệt để và sáng tạo các chủ trương, chính sách của Ðảng và Chính phủ trên con đường đổi mới, hội nhập của đất nước.

Các phần thưởng cao quý

Với nhiều thành tích to lớn trong 45 năm qua, nhiều tập thể, cán bộ, công nhân viên của Cục VTÐB và Cục HHVN ngày nay đã vinh dự được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý:

- Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông năm 1967-1972.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân:

1. Cục Vận tải đường biển (12-2009)

2. Tàu TK154 thuộc Công ty Vận tải biển Việt Nam

3. Trạm đèn biển Long Châu thuộc Công ty BÐATHH 01

4. Tiểu đoàn tự vệ  Cảng Hải Phòng 

5. Trạm đèn biển Nam Triệu thuộc Công ty BÐATHH 01

6. Cảng Nghệ Tĩnh

7. Tiểu đoàn tự vệ Công ty BÐATHH 01

Anh hùng Lao động:

 Tàu kéo 240 Cảng Sài Gòn

 Cảng Sài Gòn

 Tàu TL 06.

Anh hùng Lao động:

Ð/c Phùng Văn Bằng

Ð/c Nguyễn Khả Kính

Ð/c Tôn Thọ Khương

Huân chương các loại:

- Huân chương Hồ Chí Minh

(5-2005)

- 5 Huân chương Ðộc lập hạng nhất, nhì, ba

- 4 Huân chương Lao động hạng nhất

- 8 Huân chương Lao động hạng nhì,...

(Theo Vương Đình Lam - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam // Nhandan Online)

  • 15 năm phát triển ổn định và vững chắc của ngành công nghiệp khí Việt Nam
  • Ổn định kinh tế vĩ mô tùy theo điều kiện mỗi nước
  • Khối doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh
  • Năm 2010, Bộ Xây dựng: Bảo đảm tăng trưởng 14-15%
  • Thống nhất một giá truyền tải điện trên toàn quốc
  • Nâng cao vị thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Bổ sung hơn 57.000 tấn gạo vào dự trữ quốc gia
  • Phát triển kinh tế bền vững bằng năng lượng tái tạo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi