Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dịch vụ công điện tử: Bước đệm cho chính phủ điện tử

Người dân làm thủ tục nhà đất tại Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM. - tinkinhte.com
Người dân làm thủ tục nhà đất tại Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.

Hiện nay, anh Nguyễn Bá Tuân, thuộc Công ty Dầu thực vật Cái Lân, chừng nửa tháng mới phải đến làm việc với hải quan Quảng Ninh một lần, trong khi nhiều năm qua hầu như ngày nào anh cũng phải có mặt để làm thủ tục nhập khẩu hàng về phục vụ sản xuất. Thuận lợi này có được là nhờ Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, Quảng Ninh vừa được chọn làm đơn vị thí điểm thông quan điện tử. Giờ đây, hầu hết các bản kê khai, giao dịch giữa doanh nghiệp và hải quan đã được làm qua Internet.

Hiện mới chỉ có chín trong cả ngàn doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên qua các cửa khẩu ở Quảng Ninh được thí điểm thực hiện thông quan điện tử. Việc thông quan thủ công, làm mất nhiều thời gian, công sức cho doanh nghiệp hiện vẫn phổ biến.

Do vậy, Cục Hải quan Quảng Ninh đã đề ra kế hoạch, sau một thời gian làm thí điểm sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để có thể mở rộng ra tất cả các doanh nghiệp cũng như các chi cục hải quan còn lại trên địa bàn.

Quảng Ninh cũng là địa phương hiện triển khai nhiều chính sách thí điểm về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Cải thiện điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp

Sau bốn năm thí điểm tại Hải Phòng và TP.HCM, hải quan điện tử đã thể hiện rõ tính ưu việt so với hải quan thông thường và mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Tại cuộc Hội thảo và triển lãm Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành tài chính vừa được tổ chức mới đây, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thí điểm thông quan điện tử tại 10 tỉnh thành trên cả nước đến hết năm 2011. Hải quan Việt Nam, theo cam kết chung của khối ASEAN, cũng sẽ tham gia hải quan điện tử vào năm 2012.

Theo đánh giá của một chuyên gia về dịch vụ công điện tử, thủ tục hành chính của hai ngành thuế và hải quan được xem là có phạm vi, diện đối tượng áp dụng rộng lớn và liên quan trực tiếp tới từng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam hiện phải mất khoảng 600 giờ mỗi năm cho việc kê khai, nộp thuế (gấp tới ba lần so với mức bình quân của các nước trong khu vực) thì việc cải thiện điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp không gì có hiệu quả hơn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mà cụ thể là cung cấp dịch vụ công điện tử. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian, nhân lực và cơ hội để phát triển mà còn góp phần đẩy mạnh việc xây dựng chính phủ điện tử.

Theo nhận định của một chuyên gia, năm 2010 sẽ có khoảng 15 triệu người thường xuyên phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Do đó, trong hai năm tới, thuế là dịch vụ công đi đầu vì có ảnh hưởng và liên quan tới nhiều người.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo, bà Lê Hồng Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết một trong những khó khăn lớn nhất khi triển khai dịch vụ công tại các bộ ngành là sự thiếu đồng bộ về cơ sở dữ liệu và hạ tầng. Ngành thuế, kho bạc và hải quan, dù có cùng một cơ quan quản lý là Bộ Tài chính nhưng cũng đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để có thể thống nhất về cơ sở dữ liệu. Và hiện công việc này vẫn tiếp diễn.

Ví dụ, trường hợp nộp thuế đất: ngành thuế quản lý theo mã số đối tượng nộp thuế, ngành tài nguyên môi trường quản lý theo mã số thửa đất... nên việc kết nối thông tin giữa hai ngành này là hết sức khó khăn vì có hai tiêu chí khác nhau, hai cơ sở dữ liệu khác nhau.

Bộ Tài chính hiện cung cấp khoảng 30 dịch vụ công điện tử trong tổng số gần 850 thủ tục hành chính mà bộ này quản lý. Tuy nhiên, các dịch vụ này hầu hết mới dừng ở cấp độ một – cung cấp biểu mẫu, bảng biểu qua Internet.

Tiến lên cấp độ 4

Mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Cấp độ 1: cung cấp đầy đủ thông tin trên trang web của các bộ hoặc các địa phương cho người dân và doanh nghiệp.

Cấp độ 2: ngoài việc cung cấp đầy đủ thông tin còn cung cấp các biểu mẫu để người dân có thể tải về, không cần phải trực tiếp đến cơ quan hành chính để lấy như trước.

Cấp độ 3: cho phép điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi tới cơ quan thụ lý hồ sơ.

Cấp độ 4: cho phép thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, nhận kết quả trực tuyến qua mạng hoặc qua đường bưu điện. Đây là mức cao nhất, ở cấp độ này gần như mọi hoạt động đã được thực hiện qua môi trường điện tử.

Hiện hầu hết các tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan ngang bộ đều có trang web cung cấp các thông tin và dịch vụ hành chính công. Song, đa số cung cấp dịch vụ ở cấp độ 1. Chỉ có một vài tỉnh hoặc cơ quan đang chuyển sang cấp độ 2 và 3. Rất ít các đơn vị cung cấp được dịch vụ công cấp độ 4.

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia về CNTT 2009 được tổ chức mới đây, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM, cho biết hiện thành phố này đang cung cấp 337 dịch vụ hành chính công trực tuyến, trong đó có tám dịch vụ được cung cấp ở cấp độ 3.

Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM đang thử nghiệm và chuẩn bị cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 với dịch vụ cấp giấy phép họp báo. Ông Hà nhấn mạnh: “Việc TP.HCM cung cấp được dịch vụ công cấp độ 4 hoàn toàn nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và kỹ thuật”.

Ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion), cho biết công ty này và Viện Công nghệ viễn thông Việt Nam đang hoàn tất việc chuẩn bị thí điểm dịch vụ công cấp độ 4 đầu tiên tại tỉnh Kiên Giang. Dự kiến việc cung cấp dịch vụ này sẽ được triển khai vào một hai tháng tới.

Trước đây, Viện Công nghệ viễn thông Việt Nam đã cung cấp cổng thông tin điện tử tích hợp các dịch vụ công trực tuyến cho khoảng 20 tỉnh thành trên toàn quốc nhưng mới chỉ ở cấp độ 2. Sau Kiên Giang, các đơn vị này sẽ phối hợp với Bình Dương, Bình Phước để các tỉnh này triển khai dịch vụ công cấp độ 4, cái đích đến cuối cùng của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Ông Tô Trọng Tôn, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Lào Cai, cho biết ngay khi tỉnh này khai trương cổng thông tin điện tử vào cuối năm ngoái (trên cơ sở nâng cấp cổng giao tiếp điện tử đã hình thành từ năm 2005), cổng đã cung cấp hai dịch vụ công trực tuyến là hỏi - đáp (để đối thoại với công dân) và cấp giấy phép kinh doanh qua mạng. Bên cạnh đó, cổng thông tin cũng cung cấp các biểu mẫu và hướng dẫn thủ tục hành chính nhằm giúp công dân, doanh nghiệp và tổ chức dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Sau đó, nhiều dịch vụ trực tuyến khác đã được Lào Cai dần triển khai.

Đa số các chuyên gia nhận xét, hiện các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tại Việt Nam mới ở mức độ khởi đầu, đa dạng nhưng phát triển theo hàng ngang. Nghĩa là đa số các dịch vụ được cung cấp ở cấp độ 1 và 2. Nên cần tập trung, đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ theo hàng dọc.

Trả lời trực tuyến về việc xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, cho biết việc Chính phủ vừa công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính là một việc hết sức có ý nghĩa. “Nó đã cung cấp một hệ thống cơ sở dữ liệu bao gồm thủ tục hành chính ở cả bốn cấp từ trung ương đến các tỉnh, huyện và xã với 5.700 thủ tục hành chính và 85.000 biểu mẫu khác nhau được cung cấp lên mạng. Hệ thống cơ sở dữ liệu này sẽ tạo nền tảng quan trọng để có thể cung cấp được dịch vụ hành chính công cấp độ 2”, ông Hồng nói.

Ngoài ra, ông Hồng còn cho biết, dự thảo Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 có một trong hai mục tiêu chính là, đến năm 2015, cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2 cho người dân và doanh nghiệp. Các dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ cao hơn sẽ được chọn lựa cung cấp theo thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp và dựa trên tính khả thi.

Như vậy, với nỗ lực của các đơn vị, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã vượt qua cả mục tiêu mà chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT đưa ra. Điều này cho thấy việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đang được triển khai nhanh hơn mong muốn.

(Theo Vân Oanh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo tồn động thực vật hoang dã
  • Khi CNTT tạo áp lực đối với cải cách hành chính
  • Sàn đấu giá, niềm hy vọng mới cho ngành chè Việt Nam
  • Điện gió: Còn nhiều nút thắt
  • VN có thể chọn công nghệ điện hạt nhân của Nhật
  • Việt Nam quan tâm và hướng tới công nghiệp xanh
  • Hệ số đầu tư cao, cao mãi!
  • Cảng Hiệp Phước TP Hồ Chí Minh: Vươn ra biển lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi