Nhằm phân tích một cách khoa học về vai trò của động, thực vật hoang dã tại Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và trên toàn Thế giới cũng như những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội của việc buôn bán bất hợp pháp, trong hai ngày 10-11/12, tại thị trấn Tam Đảo - tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Hội thảo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về bảo vệ động thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam”. Hội thảo là kết quả của sự hợp tác đầu tiên giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban tuyên giáo Trung ương và Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã quốc tế TRAFFIC.
Thực trạng tại Việt Nam
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 21.125 loài động vật hoang dã. Trong đó 1.100 loài cá nước ngọt, 2.038 loài cá biển, 162 loài lưỡng cư, 840 loài chim, 310 loài thú, 17 loài thú biển, 296 loài bò sát, 7.750 loài côn trùng và Việt Nam là 1/16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, từ năm 1996 đến nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển động thực vật hoang dã trái phép ngày càng tăng, với quy mô lớn. Cả nước đã có 14.758 vụ vi phạm về săn bắt và buôn bán động thực vật hoang dã. Lực lượng chức năng thu 181.670 cá thể với trọng lượng khoảng 635 tấn. Số vụ vi phạm tăng hàng năm.
Nguyên nhân được xác định bởi một phần do công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động, thực vật hoang dã chưa được quan tâm đúng mức; tuyên truyền vận động chưa kết hợp tốt với các biện pháp kinh tế nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Ngoài ra, người dân vẫn có thị hiếu tiêu dùng động vật hoang dã nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống, chữa bệnh và trang trí.
Doanh nghiệp vào cuộc
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Đoàn Duy Khương – Phó chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay: “Với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng cao và đóng vai trò quan trọng hướng tới phát triển bền vững, thương mại sẽ ngày càng gắn liền với việc bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có cơ hội tạo vị thế cạnh tranh trong xu hướng đó mà thực chất sự phát triển bền vững của quốc gia trong việc bảo vệ các loài động vật và thực vật hoang dã về lâu dài cũng sẽ đem lại sự phát triển bền vững cho chính các doanh nghiệp”.
Tiến sỹ Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Về vai trò xã hội của doanh nghiệp, Tiến sỹ cho biết, VCCI đã thành lập Văn phòng Phát triển Doanh nghiệp Bền vững; hàng năm tổ chức giải thưởng Trách nhiệm xã hội doanh nghiêp cho các doanh nghiệp trên cả nước, ngoài ra, VCCI còn phối hợp với Chính phủ, xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, VCCI còn phối hợp với UNDP, quản lý mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Việt Nam (GCNV) trong dự án “Thúc đẩy vai trò cộng đồng thông qua nguyên tắc của Hiệp ước Toàn cầu tại Việt Nam”; cùng với UNIDO điều phối việc thực hiện dự án “Giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thích ứng và áp dụng vai trò xã hội của doanh nghiệp để tăng sự kết nối với chuỗi cung cấp toàn cầu trong sản xuất bền vững”...
Kiến nghị với Đảng và Nhà nước
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra 10 bài tham luận, theo đó, các doanh nghiệp đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Đảng và Nhà nước như:
Thứ nhất, nên có chính sách ưu đãi với lực lượng kiểm lâm để họ dốc hết tâm phục vụ ngành.
Thứ hai, cần xử lý nghiêm khắc những hành vi cố tình vi phạm pháp luật khai thác lâm sản trái phép vì mục đích thương mại để làm giàu cá nhân.
Thứ ba, có chính sách khen thưởng đối với người có công tố giác những phần tử buôn lậu động thực vật hoang dã.
Cuối cùng, Đảng và Nhà nước cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để xây dựng một nền văn hoá ẩm thực “nói không với tiêu thụ động thực vật hoang dã”.
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, để bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, bảo tồn tài nguyên và môi trường Việt Nam, trước mắt Đảng và Nhà nước sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học và các văn bản dưới luật khác. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện.
Gắn liền lợi ích công ty với lợi ích cộng đồng Đây là khẳng định của ông Trần Văn Nga – Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi và Kinh doanh Cá sấu Tồn Phát tại Hội thảo. DĐDN đã có cuộc trò chuyện với ông. - Thưa ông, với trách nhiệm xã hội các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm động vật có nguồn gốc hoang dã cần làm gì để góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên? Theo tôi, một doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ động vật có nguồn gốc hoang dã có trách nhiệm là một doanh nghiệp luôn xem lợi ích của Công ty mình gắn liền với lợi ích cộng đồng, thể hiện qua đạo đức kinh doanh và việc bảo vệ môi trường, tuân thủ luật pháp. Trong điều kiện các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đi dần đến chỗ cạn kiệt như hiện nay, các doanh nghiệp muốn kinh doanh trong lĩnh vực này một cách bền vững thì trước tiên hãy nghĩ đến việc nuôi, trồng phát triển thành công chắc chắn. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần tuân thủ theo pháp luật hiện hành như đăng ký nuôi trồng hợp pháp rồi sau đó mới nghĩ đến việc mua bán thế hệ F3, F4 của vật nuôi cây trồng đó. Sở dĩ phải như vậy vì có rất nhiều doanh nghiệp lập ra với giấy phép kinh doanh là nuôi trồng các loài hoang dã nhưng điều kiện cơ sở kinh doanh lại nghèo nàn, chủ yếu để che mắt pháp luật, rồi vào rừng khai thác, mua bán bất hợp pháp làm giàu trên sự cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng. Những kiểu kinh doanh như vậy không chỉ làm hại đến môi trường mà còn tổn hại đến hình ảnh của những doanh nghiệp tuân thủ theo pháp luật, làm thất thoát nguồn thu của Nhà nước vì trốn thuế. - Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và kinh doanh động vật, doanh nghiệp của ông đã, đang và sẽ làm gì để góp phần bảo tồn động thực vật hoang dã, thưa ông? Công ty chúng tôi luôn xem đạo đức trong kinh doanh là kim chỉ nam trong mọi hoạt động kinh doanh. Thiên nhiên đã ban tặng các loài hoang dã làm tiền đề cho việc gây nuôi sinh sản chúng thì chúng tôi cũng phải có trách nhiệm trả lại thiên nhiên bằng việc đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, kinh doanh những loài thực sự có khả năng sinh sản trong môi trường nuôi, nhốt mà công ty chúng tôi có thể cung cấp cho chúng. - Theo ông, các doanh nghiệp kinh doanh động thực vật có nguồn gốc hoang dã muốn kinh doanh lâu dài thì phải làm những gì? Việc khai thác kinh doanh các loài động thực vật có nguồn gốc từ thiên nhiên hoang dã nhất thiết phải tuân theo những quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, muốn kinh doanh được lâu dài, các doanh nghiệp cần phải đặt việc nghiên cứu nuôi trồng, phát triển thành công giống loài mà mình muốn kinh doanh trước, sau đó mới khai thác kinh doanh kiếm lãi. Nếu không bảo đảm được việc tái tạo lại được giống loài kinh doanh thì không nên vì lợi ích cá nhân mà lén lút khai thác từ thiên nhiên, vi phạm pháp luật làm suy kiệt nguồn tài nguyên quý hiếm của con cháu mai sau và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. - Với tư cách là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh động vật, ông có kiến nghị gì với Đảng và Nhà nước nhằm bảo tồn động thực vật hoang dã? Bảo tồn động thực vật hoang dã là một việc làm rất cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, tôi có kiến nghị sau: Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần đưa chương trình giáo dục bảo tồn động thực vật hoang dã vào các bậc học (từ Tiểu học đến Đại học) để các em hiểu rõ về nguồn tài nguyên vô giá này. Thứ hai, Đảng và Nhà nước nên có chính sách ưu đãi với lực lượng kiểm lâm để họ dốc hết tâm phục vụ ngành. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm khắc những hành vi cố tình vi phạm pháp luật khai thác lâm sản trái phép vì mục đích thương mại để làm giàu cá nhân. Thứ ba, cần có chính sách khen thưởng đối với người có công tố giác những phần tử buôn lậu động thực vật hoang dã cũng như luật hoá việc bảo vệ tính mạng cho những người tố giác tội phạm này. Với những biện pháp mà Đảng và Nhà nước đưa ra cùng với những nỗ lực của doanh nhân trong việc kinh doanh động thực vật hoang dã hợp pháp, hỗ trợ những nỗ lực bảo tồn, tôi tin rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá sẽ được bảo vệ một cách bền vững. |
(Theo Lưu Vân // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com