Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Giá xăng dầu không có lý nào để giảm'

Giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục lao dốc tính từ cuối tháng 7 đến nay, thế nhưng giá xăng dầu trong nước dù ở mức cao vẫn không chịu giảm khiến dư luận khá nôn nóng và bức xúc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xăng dầu lại cho biết họ không những chưa lời, mà vẫn còn lỗ nặng khi giá thế giới đã giảm sâu.

Doanh nghiệp kêu lỗ 1.000 đồng/lít

Trao đổi với Đất Việt trưa 11/8, ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội, cho hay giá xăng A92 tại thị trường Singapore tính bình quân từ ngày 1/8 đến ngày 4/8 là 123,26 USD một thùng. Cộng với các chi phí như phí vận chuyển và bán hàng (2,3 USD), kéo giá lên 156,56 USD một thùng. Quy đổi ra VND theo tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương thời điểm đó là 20.680 đồng một USD, giá xăng A92 nhập khẩu tương đương 16.330,05 đồng một USD. Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10%, chi phí định mức 600 đồng, lãi định mức 300 đồng mỗi lít (theo quy định của Bộ Tài chính). Cộng các khoản này, giá xăng A92 đã đội lên 20.659 đồng một lít. Thêm các khoản quỹ bình ổn giá 300 đồng và phí xăng dầu 1.000 đồng mỗi lít, giá xăng A92 tính ra ở mức 21.959,31 đồng.
 
Trong khi đó, giá xăng A92 bán lẻ trên thị trường hiện chỉ là 21.300 đồng. Vì vậy, ông Dung cho rằng, doanh nghiệp đang chịu lỗ tới hơn 659 đồng mỗi lít xăng A92. “Thực tế, con số lỗ có thể lên tới gần 1.000 đồng mỗi lít xăng bán ra, bởi chi phí định mức hiện nay đã tăng lên 800 – 900 đồng mỗi lít xăng, chứ không còn ở mức lạc hậu 600 đồng như quy định của Bộ Tài chính về tính giá xăng dầu”, ông Dung nói.

Đối với mặt hàng dầu diezel 0,25% S, theo tính toán của ông Dung, giá trung bình trong thời gian từ 1/8 đến 4/8 là 129,81 USD một thùng, chi phí vận tải 1,3 USD một thùng, cộng thêm thuế nhập khẩu 5%, VAT 10%, chi phí bán hàng 600 đồng và lợi nhuận của doanh nghiệp 300 đồng một lít, trích quỹ bình ổn 300 đồng, phí xăng dầu 500 đồng một lít thì giá cơ sở của mặt hàng này là 21.395 đồng một lít. Trong khi giá bán hiện nay chỉ là 21.050 đồng một lít. Mức lỗ Công ty Xăng dầu Quân đội đang phải chịu đối với mặt hàng này là 345 đồng mỗi lít. Còn tính trên thực tế như nói trên thì mức lỗ đối với mỗi lít dầu Diesel bán ra hiện nay là 645 đồng.

Theo phân tích của ông Dung, giá xăng dầu trong nước hiện nay hầu như không có cơ hội nào để giảm. Nếu doanh nghiệp có kiến nghị lên Bộ Tài chính thì cũng chỉ kiến nghị tăng, chứ không thế giảm thời điểm này.

Thực tế, trong lúc giá dầu thô thế giới giảm sâu và đứng ở ngưỡng dưới 86 USD một thùng vào tuần trước, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn gửi văn bản tới Bộ Tài chính đề nghị được tăng giá xăng dầu với mức điều chỉnh từ 500 đồng mỗi lít trở lên.

Ông Dung giải thích thêm, lần tăng gần nhất, vào ngày 29/3, giá xăng A92 được điều chỉnh tăng thêm 2.000 đồng một lít, lên mức 21.300 đồng. Thực tế, với tình hình giá thế giới thời điểm đó, mức 21.300 đồng tuy cao nhưng vẫn thấp hơn giá cơ sở rất nhiều. Khi ấy, lẽ ra giá phải được điều chỉnh tăng lên 26.300 đồng một lít mới đảm bảo cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối không bị lỗ. “Vì vậy, nếu bây giờ giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore có giảm mạnh, thì tôi nghĩ cũng chưa nên quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Dung nói.

Giám đốc Saigon Petro, ông Đặng Vinh Sang cho biết, mắt xích khiến dư luận thắc mắc và hiểu nhầm ở đây là vì sao giá dầu thô thế giới đang giảm mạnh nhiều ngày qua nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa giảm. Nguyên nhân đó là giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Singapore vẫn ở mức cao, trên dưới 120 USD mỗi thùng, trong khi Việt Nam nhập hàng từ thị trường này.

Trái với phản ứng của dự luận cho rằng giá dầu thô thế giới đang giảm mạnh và các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước đã có lãi, các doanh nghiệp này đều cho hay họ đang chịu mức lỗ từ trên dưới 500 đồng tới gần 1.000 đồng mỗi lít xăng bán ra.

Thực tế lỗ hay lãi?

Cách tính giá xăng dầu bán lẻ trong nước của Công ty Xăng dầu Quân đội cũng tương tự cách tính của Petrolimex được niêm yết trên website trước đây. Thế nhưng, nếu chú ý sẽ thấy, các doanh nghiệp đã cộng dồn khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng vào công thức tính giá cơ sở. Đây là lợi nhuận chứ đâu phải chi phí tính vào giá xăng để rồi kêu lỗ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, việc các doanh nghiệp lấy quỹ bình ổn giá xăng dầu để tính giá cơ sở là đúng, theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, khi thông báo lỗ bao nhiêu thì phải trừ đi khoản quỹ bình ổn này, vì số quỹ này doanh nghiệp vẫn giữ và sẽ được trích ra để bù đắp cho việc giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu tăng cao, hoặc tất toán vào cuối năm. Vì vậy, theo cách tính trên của Công ty Xăng dầu Quân đội thì đơn vị này hiện không lỗ đồng nào (vì trừ đi 300 đồng tiền lợi nhuận định mức và 300 đồng tiền quỹ bình ổn tính trên 1 lít xăng).

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, không nên duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu thì sẽ giảm gánh nặng về giá xăng cho người tiêu dùng. Mục đích của quỹ là tốt, khi giá xăng dầu thấp người tiêu dùng vẫn phải trả thêm một khoản phí để hình thành quỹ. Trong trường hợp giá tăng cao, số tiền ở quỹ sẽ được trích ra để giữ giá ổn định, như vậy, người tiêu dùng sẽ không phải bỏ số tiền quá cao để mua xăng dầu, mà Nhà nước lại giữ bình ổn được mặt hàng “nóng” này. Tuy nhiên, cách vận hành quỹ và quản lý lỏng lẻo, không công khai minh bạch sẽ tạo ra những hệ lụy xấu cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi giá xăng dầu thế giới thấp thì người dân vẫn phải mua với giá đắt hơn vì trả thêm tiền vào quỹ bình ổn, song khi giá cao thì quỹ bình ổn cũng không giúp họ mua xăng rẻ hơn, có chăng là Nhà nước phải bù lỗ.

“Có một thực trạng là chúng ta không hề biết được số quỹ đó đã được vận hành như thế nào, các doanh nghiệp sử dụng ra sao, nhất là khi giá thế giới giảm hoặc không tăng. Đến nay vẫn không ai biết quỹ bình ổn các doanh nghiệp thu được là bao nhiêu, họ đã sử dụng bao nhiêu, còn lại chừng nào... Trong khi đây là phần đóng của người tiêu dùng thì tôi nghĩ các doanh nghiệp nên công khai nguồn này theo định kỳ như hàng tháng, hàng quý để người tiêu dùng được biết”, ông Doanh nói.

Hiện giá đầu thô thế giới đã ở quanh mức 80 USD một thùng từ cuối tháng 7 đến nay. Có thời điểm giá thấp nhất chỉ 75,71 USD một thùng (ngày 9/8). Giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Singapore tuần này cũng hạ nhiệt hơn so với thời điểm từ ngày 1/8 đến 4/8 mà Công ty Xăng dầu Quân đội lấy mốc để tính lỗ lãi cho báo chí thấy.

Cụ thể, từ ngày 8/8 đến nay, giá xăng A92 nhập tại thị trường Singapore chỉ dao động quanh 114,96 - 115 USD một thùng, giá diesel 0,25S chỉ còn hơn 121 USDmột thùng, diesel 0,05S chỉ còn hơn 122 USD một thùng…, thấp hơn đáng kể so với thời điểm đầu tháng 8.

"Các doanh nghiệp luôn miệng kêu lỗ, song thực tế có thật họ lỗ không, khi mà Petrolimex sau 3 năm liên tiếp kêu lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng thì mới đây trong bản cáo bạch gửi tới nhà đầu tư nhân lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng, họ cho hay lãi cả nghìn tỷ?", Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội Vương Đình Dung cho hay: "Tôi không bình về sự lỗ lãi của Petrolimex, song họ là tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, nên số lãi không thể khẳng định đến từ kinh doanh xăng dầu. Trong khi đơn vị chúng tôi chỉ thuần túy kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, không thể "vơ đũa cả nắm" cho rằng Petrolimex kêu lỗ nhưng thực chất lãi, là các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác cũng thế".

Sáng qua, Bộ Tài chính cũng đã làm việc với Cục Quản lý về việc điều chỉnh giá xăng dầu, song kết quả là giá xăng vẫn chưa được quyết định tăng hay giảm, mà vẫn đợi theo dõi. Trên các diễn đàn, nhiều người tiêu dùng vốn chờ đợi quyết định từ cuộc họp này đã rất bức xúc. "Đợi tới khi Bộ Tài chính giảm giá thì lúc đó giá thế giới lại tăng trở lại. Và doanh nghiệp tiếp tục than lỗ. Cứ như thế mà tiếp diễn. Một khi đã tăng rồi thì khó mà nói đến chuyện giảm. Và không biết người tiêu dùng phải đợi đến khi nào?", một thành viên nói.

(Báo Đất Việt)

  • Bộ Tài chính họp về giá xăng dầu
  • Khuyến khích doanh nghiệp tham gia kênh đầu tư mới
  • Bộ Tài chính hứa hẹn giá xăng 'có lợi nhất' cho người mua
  • Lãi của Petrolimex là thật hay giả?
  • Chỉ điều chỉnh lương tối thiểu là chưa đủ
  • Ngành điện cần 48,8 tỷ USD phát triển trong 10 năm tới
  • Petrolimex: Lẽ ra giá xăng dầu giảm trong tháng 6
  • Tồn kho ngành công nghiệp đáng báo động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi