|
Lượng thuê bao di động của Việt Nam được coi sắp cán ngưỡng bão hoà nhưng thực chất, ngưỡng bão hoà này mới đang “cán đích”… nửa vời.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 7/2009, cả nước có gần 108 triệu thuê bao điện thoại, trong đó thuê bao di động là khoảng 92 triệu. Nếu so sánh tương đương với số dân hiện nay đạt gần 86 triệu người thì số thuê bao di động trên có thể được coi là bão hoà. Nhưng, lượng thuê bao thực đang hoạt động lại không nhiều đến vậy.
Bao nhiêu thuê bao thực?
Thực tế, đến thời điểm này chưa có con số chính thức về lượng thuê bao thực thuê bao ảo của các mạng di động từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn theo ước tính của một số chuyên gia viễn thông và các nhà mạng, hiện có khoảng 20 triệu thuê bao di động chưa đăng ký thông tin.
Tuy nhiên, ngay trong số thuê bao đã đăng ký cũng còn tới hàng vài chục triệu thuê bao thông tin cá nhân không chính xác.
Do “cơn lốc” khuyến mại “SIM thay thẻ cào” trước đây của các nhà mạng, mà không biết các nhà mạng do “vô tình hay hữu ý” buông lỏng, các đại lý chỉ đơn giản đứng tên hoặc dùng chứng minh thư của người khác để đăng ký rồi cung cấp đến các điểm bán lẻ. Một đại lý trên phố Tây Sơn, Quận Đống Đa tiết lộ, chỉ cần đăng ký bằng một số chứng minh nhân dân ảo là có thể nhắn tin nhắn vào tổng đài để kích hoạt sim số.
Với mỗi sim kích hoạt mới, đại lý được hưởng trung bình từ 12.000-16.000 đồng từ doanh nghiệp viễn thông. “Ngồi chơi xơi bát vàng”, chính vì thế mỗi ngày, các đại lý có thể kích hoạt hàng trăm sim.
Khi mà lượng thuê bao “ảo” đã tràn ngập thị trường thì mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra quy định mới về đăng ký thuê bao trả trước để các nhà mạng di động rà soát các đại lý và siết chặt việc quản lý thuê bao trả trước.
Đồng thời, Bộ cũng quy định thời hạn đến 20/8/2009, các mạng di động phải báo cáo lên Bộ về tổng số lượng thuê bao đang hoạt động và không còn hoạt động trên toàn mạng để Bộ quản lý và có kế hoặc phân bổ kho số.
Cụ thể các mạng di động sẽ phải báo cáo số liệu thuê bao đang hoạt động hai chiều; thuê bao đang bị khóa một chiều; thuê bao đang bị khóa hai chiều được lưu giữ trên hệ thống trong thời gian 1 tháng; tổng số thuê bao mà Bộ đã phân bổ cho doanh nghiệp; hiệu suất sử dụng kho số; tổng số thuê bao chưa kích hoạt trên kênh phân phối.
Nhưng đến nay, theo nguồn tin của VnEconomy, hiện mới có hai doanh nghiệp thực hiện việc báo cáo.
Theo tính toán của các mạng di động và một số chuyên gia viễn thông, nếu phải sử dụng chứng minh thư nhân nhân, hộ chiếu của mình để đăng ký chính chủ thì ước tính hiện có ít nhất là 40 triệu sim sẽ phải đăng ký lại.
Như vậy, số thuê bao thực, “chính chủ” đang hoạt động và phát triển bền vững có lẽ khác xa rất nhiều so với mức tăng trưởng rất mạnh của thị trường viễn thông di động và được coi là “cán ngưỡng bão hoà” như hiện nay.
Tại khâu quản lý?
Quy định mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tối đa 3 số di động (3 sim) của một nhà mạng với lý do vì nguồn tài nguyên kho số di động có hạn, đồng thời nhằm để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, thác hiệu quả tài nguyên viễn thông và thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.
Tuy nhiên, quy định này có vẻ mâu thuẫn với hoạch định phát triển thị trường viễn thông của Bộ trước đó hoặc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã không “lường” trước được tốc độ phát triển quá nhanh chóng với sự tham gia của các doanh nghiệp trên thị trường?
Vì nếu kho số di động có hạn thì Bộ chắc hẳn phải tính toán đến mỗi doanh nghiệp viễn thông cần số lượng đầu số như thế nào là vừa đủ, vừa với số lượng dân số hiện có thể sử dụng- mà cụ thể là gần 86 triệu người.
Với số dân như trên, theo một vị đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, thực chất mỗi doanh nghiệp chỉ cần 2- 3 đầu số là quá đủ để doanh nghiệp phát triển, vì mỗi đầu số sẽ tương đương với khoảng 10 triệu thuê bao. Như vậy, với ba doanh nghiệp hàng đầu là VinaPhone, Viettel và MobiFone, mỗi doanh nghiệp chỉ cần ba đầu số là đã thừa khả năng phát triển.
Nhưng thực tế, đến thời điểm này, “điểm danh” nhà mạng Viettel có tới 7 đầu số, MobiFone có 5 đầu số và VinaPhone cũng có 5 đầu số, chưa kể các đầu số của 4 mạng đi động nhỏ hơn cũng đang hoạt động. Như vậy, nếu tất cả các doanh nghiệp đã sử dụng hết hoặc chỉ cần 2/3 kho số thì lượng thuê bao thừa, thuê bao ảo hiện nay cũng là vô cùng lớn.
Vì thế, phải chăng, việc kho số nhanh chóng hạn hẹp là do Bộ đã cấp... quá nhanh và quá mạnh, bỏ quên cả yếu tố phát triển bền vững?
Một mâu thuẫn nữa trong quản lý hiện nay là, khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp phải đẩy mạnh trong việc quản lý thuê bao trả trước, cụ thể với các điểm đại lý kích hoạt sim không đúng quy định, kích hoạt ảo. Các doanh nghiệp viễn thông cũng thông tin là đã và đang đẩy mạnh rà soát, kiểm tra, kiểm soát các đại lý và xử lý nhiều đại lý hàng tỷ đồng, và tiếp tục xử lý các đại lý vi phạm khác nữa nếu phát hiện vi phạm.
Nhưng theo lời chủ một đại lý sim ở Cầu Giấy thì: "Thực tế chúng tôi kích hoạt như vậy là cả doanh nghiệp cũng được lợi, chứ đâu gì riêng đại lý. Vấn đề ở đây là khi đăng ký làm đại lý kinh doanh sim cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp viễn thông đâu có hướng dẫn, quy định những điều khoản chặt chẽ và bắt chúng tôi phải thực hiện nghiêm túc như vậy. Thật là vô lý".
Tại hội nghị giao bạn trực tuyến tại Bộ Thông tin và Truyền thông về phát triển hạ tầng viễn thông hồi cuối tháng 3/2009, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM khẳng định: “Việc các đại lý, các chủ điểm giao dịch đăng ký kích hoạt sim không đúng quy định, tôi cam đoan là các nhà mạng thừa biết là vi phạm nhưng lại không “ra tay” xử lý.
(Theo Mạnh Chung // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com