Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục vụ kiện chống bán phá giá ở nước ngoài nhằm vào hàng Việt Nam. Phần lớn các vụ kiện ấy đã thành công và doanh nghiệp Việt Nam đã phải chịu thua thiệt. Ngược lại, ở thị trường trong nước, nhiều loại hàng hoá nhập khẩu có dấu hiệu được trợ cấp, bán phá giá vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện nhưng chưa có vụ nào thành công.
Vụ duy nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam đề nghị áp thuế chống bán phá giá là việc hai doanh nghiệp: công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG) tại Bắc Ninh và công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) tại Bình Dương đề nghị tổng công ty Thuỷ tinh và gốm xây dựng (Viglacera) làm đầu mối, đứng đơn kiện một số doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá mặt hàng kính nổi vào Việt Nam.
Bà Vũ Hải Anh, trưởng phòng pháp chế và đối ngoại của Viglacera cho biết, theo các số liệu mà các công ty cung cấp và được Hải quan xác nhận, số lượng kính nhập khẩu đã tăng đột biến từ năm 2007 đến nay: khoảng 13 triệu mét vuông (quy tiêu chuẩn – QTC) trong năm 2007; đến năm 2008 đã lên đến gần 25 triệu mét vuông QTC và trong quý 1/2009 cũng đã đạt con số ước tính khoảng 7 triệu mét vuông QTC. Tổng thị phần của các doanh nghiệp sản xuất kính trong nước giảm đáng kể: từ 80% năm 2007 xuống còn 61% trong năm 2008.
Theo hồ sơ kiện của Viglacera thì có 14 nhà sản xuất nước ngoài và các doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu đã xuất khẩu các mặt hàng kính nổi vào Việt Nam (chủ yếu là các doanh nghiệp của Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan...), và sáu công ty thương mại trong nước tham gia nhập khẩu mặt hàng này. Do lượng hàng nhập khẩu tăng mạnh, với giá bán thấp (nhiều lô hàng nhập có mức giá thấp hơn 30% so với mặt hàng kính nổi trong nước), các nhà sản xuất nội địa đã và đang phải chịu thua lỗ nghiêm trọng. Từ giữa năm 2008, các nhà sản xuất Việt Nam phải giảm sản lượng xuống còn 50% công suất thiết kế nhưng lượng tồn kho vẫn tăng. Thậm chí, có doanh nghiệp phải đập bỏ bớt thành phẩm để đem nấu lại. Một số công ty phải cắt giảm lương công nhân.
Tuy nhiên, đến gần đây, các nguyên đơn lại đổi nội dung kiện chống bán phá giá thành đề nghị áp dụng các biện pháp tự vệ đối với các mặt hàng kính nổi nhập khẩu. Lý do: trước khó khăn do yêu cầu bắt buộc phải sang chính các nước, nơi các doanh nghiệp này có trụ sở để điều tra, xác minh về chi phí, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi từ yêu cầu kiện chống bán phá giá sang yêu cầu áp dụng thuế tự vệ. Mức thuế đề nghị: áp thuế tuyệt đối đối với tất cả các loại sản phẩm kính nổi nhập khẩu với mức 0,6 USD/m2 QTC trong thời gian bốn năm. Viglacera cũng đề nghị, trước khi cơ quan điều tra (cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công thương) có kết luận cuối cùng, cần áp dụng ngay thuế suất thuế nhập khẩu chung là 40% cho tất cả các sản phẩm kính nổi nhập khẩu, không phân biệt nước xuất khẩu, trong thời gian 200 ngày.
Được biết, vừa qua, bộ Công thương đã có quyết định tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đối với các mặt hàng kính nổi. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành quy định về tiêu chuẩn an toàn đối với sản phẩm kính. Nhờ việc các nhà sản xuất bên ngoài, các công ty nhập khẩu kính nổi vào Việt Nam mất thời gian để chứng minh tiêu chuẩn sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ...nên sản xuất, doanh số của một số công ty sản xuất kính nổi trong nước phục hồi chút ít. “Tuy nhiên, thời gian này chỉ là tạm thời, nếu cơ quan chức năng không sớm áp dụng một mức thuế nhập khẩu chung (40%) thì các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì mặt hàng kính nổi từ khối ASEAN hiện chỉ chịu thuế suất 5%”, bà Vũ Hải Anh cho biết.
Đó là quan điểm của các nguyên đơn. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện một công ty thương mại (đề nghị giấu tên) tuy thừa nhận giá bán kính nổi nhập vào Việt Nam là “khá thấp” so với giá kính nổi trong nước và khả năng bị áp thuế tự vệ là rất có thể phải chấp nhận, nhưng cho rằng, nếu áp một mức thuế suất cao sẽ là “không công bằng” bởi vì, trên thực tế, nhu cầu kính nổi trên thị trường là rất lớn mà chỉ 2 – 3 nhà sản xuất hiện nay rõ ràng là không đáp ứng được. “Với chất lượng tương đương nhưng các nhà sản xuất trong nước bán giá rất cao, tăng giá vô tội vạ. Trong tháng 8, họ thực hiện bốn lần tăng giá thì ai chịu nổi?”, ông này nói.
Chậm nhất đến cuối tháng 3 năm sau, cục Quản lý cạnh tranh – cơ quan tiến hành điều tra vụ việc này sẽ đưa ra phán quyết. Nhiều khả năng, những đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất kính nổi trong nước được chấp nhận và mở ra một tiền lệ cho các vụ kiện chống bán phá giá, các vụ kiện đòi áp dụng biện pháp tự vệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, những lý lẽ từ phía các công ty nhập khẩu mặt hàng kính nổi cũng rất đáng chú ý, nếu những thông tin họ đưa ra là đúng. Dù doanh nghiệp Việt Nam được bảo hộ, bảo vệ bằng hàng rào thuế quan nào, nếu chất lượng sản phẩm không đảm bảo, giá bán lại quá phi lý thì việc cơ quan Việt Nam ra phán quyết để bảo vệ cho doanh nghiệp đó sẽ không khách quan và thuyết phục.
( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com