Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khởi động tái cơ cấu nền kinh tế

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa hoàn thành bản dự thảo lần 2 đề án: “Tiếp tục đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là đề án tái cơ cấu kinh tế) sau một quá trình chuẩn bị, tiếp thu ý kiến phản biện của nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kinh tế trong nước. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dự thảo vẫn cần phải được hoàn thiện hơn nữa trước khi trình Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, dự kiến ngay tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khai mạc ngày 20.10 này, bản dự thảo đề án sẽ được gửi cho các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Thực trạng

Nhận diện, đánh giá thực trạng của nền kinh tế trước ngưỡng cửa tái cơ cấu đã được tổ soạn thảo đề án làm khá kỹ. Mặc dù đánh giá quá trình đổi mới, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế trong 20 năm qua, nhất là từ năm 2000 đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng dự thảo đề án cũng phân tích toàn diện và khá sâu sắc những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của nước ta đến nay vẫn chủ yếu theo bề rộng, dựa vào gia tăng quy mô tài sản cố định và số lượng lao động trong khi tác động của các nhân tố: đổi mới công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực là “chưa đáng kể”. Tăng trưởng theo bề rộng luôn tạo áp lực gia tăng thêm lượng vốn đầu tư nhưng lại làm một số cân đối lớn của nền kinh tế trở nên mong manh: tiết kiệm không đủ bù đắp đầu tư, cân đối ngân sách luôn thâm hụt ở mức cao, cán cân thanh toán vãng lai mất cân bằng…

Suốt hàng chục năm qua, cơ cấu các ngành kinh tế biến đổi rất chậm. Tỷ trọng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và khai khoáng giảm chậm: từ 34,18% GDP năm 2000 xuống còn 31% năm 2008. Tỷ trọng các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao: tài chính, giáo dục, y tế, bảo hiểm, các dịch vụ phát triển kinh doanh… còn rất nhỏ, không tăng, thậm chí còn có xu hướng giảm xuống, ngày càng xa so với khu vực. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào các ngành có lợi thế về tài nguyên, lao động chi phí thấp. Trong 112 ngành kinh tế quốc dân, có 26 ngành có đóng góp từ 1% GDP trở lên; 21 sản phẩm có đóng góp từ 0,5 đến dưới 1% GDP, chủ yếu là sản phẩm sơ chế, nguyên liệu. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến trong GDP mới đạt trên 24%, kém xa các nước trong khu vực. “Hiệu quả các ngành kinh tế thấp, chậm cải thiện và đang có xu hướng giảm xuống”, là một nhận xét đáng chú ý của tổ soạn thảo. Đánh giá này dựa trên tỷ trọng giá trị gia tăng trung bình của tất cả các ngành/tổng sản lượng giảm từ hơn 45% năm 1999 xuống còn 41% năm 2007. Tỷ trọng này của ngành công nghiệp giảm từ 40% năm 2000 xuống còn 30% năm 2008.

Dự thảo cũng nêu rõ những mất cân đối lớn trong cơ cấu thành phần kinh tế, trong cơ cấu vùng kinh tế, cơ cấu vốn đầu tư…Như khu vực kinh tế nhà nước đóng góp 34% GDP, chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư xã hội nhưng chỉ sử dụng 9% số lượng lao động. Khu vực ngoài nhà nước đóng góp 47% GDP, 32% tổng vốn đầu tư xã hội lại sử dụng 87% lao động xã hội. Trong đó, kinh tế tư nhân trong nước đóng góp khoảng 10% GDP và sử dụng 7% số lao động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân lại có hiệu quả cao hơn hẳn: số doanh thu thuần tạo ra bởi một đồng vốn của doanh nghiệp tư nhân gấp hơn ba lần so doanh nghiệp nhà nước và trên 2,9 lần so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Cơ cấu vốn đầu tư thì ngày càng bất hợp lý. Giai đoạn 2000 – 2008, 72% tổng vốn đầu tư xã hội chỉ tập trung vào 20 ngành: khai thác than, dầu khí, điện, bất động sản, khách sạn, giao thông đường bộ, quản lý nhà nước… Nhưng có nhiều ngành quan trọng: sản xuất lúa gạo, trồng và chế biến cao su, chè, cà phê, sản xuất phân bón, thuốc chữa bệnh, sản phẩm điện tử và đồ gia dụng…, đã không được quan tâm đúng mức.

Định hướng tái cơ cấu

Dựa trên quá trình toàn cầu hoá, công nghiệp hoá, xu hướng một số nguồn năng lượng: dầu khí, than… ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng của các cường quốc mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, các tác giả bản dự thảo đề án đưa ra những kiến nghị về định hướng, giải pháp đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2011 – 2020. Theo dự thảo, mục tiêu của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế 10 năm tới là nước ta phải đạt đến giai đoạn 2 của quá trình phát triển. Trong giai đoạn mới, tăng trưởng phải gắn liền số lượng với chất lượng, và không hy sinh chất lượng, hiệu quả cho số lượng. Các ngành công nghiệp chế biến với công nghệ hiện đại sẽ thay thế dần các ngành thiên về khai thác tài nguyên và thâm dụng lao động rẻ. Các ngành sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao sẽ phải ngày càng có vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP.

Theo nhóm soạn thảo đề án, cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn tới phải dựa trên lợi thế cạnh tranh cả trên bình diện quốc gia, địa phương, ngành, sản phẩm và từng doanh nghiệp. “Nhà nước chủ yếu hỗ trợ, tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình chuyển dịch bằng hệ thống các đòn bẩy kinh tế để huy động, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn, để chuyển dịch sang các ngành có hoạt động kinh doanh với năng suất, hiệu quả cao nhất”, một chuyên gia của CIEM tiết lộ.

Một số nét cụ thể khác trong định hướng tái cơ cấu nền kinh tế cũng đã được vạch ra: chuyển dịch cơ cấu vùng sẽ theo hướng từng bước phi tập trung hoá sản xuất công nghiệp và dân cư khỏi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương lân cận; tập trung phát triển công nghiệp tại các vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Cơ cấu công nghiệp sẽ dịch chuyển theo hướng: phát triển dựa trên lợi thế nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp; tập trung vào các ngành có lợi thế cạnh tranh cao, có tác động lan toả và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế; phát triển các ngành công nghệ cao, giảm tiêu hao năng lượng… Dự thảo đề án cũng nêu lên những mất cân đối trong định hướng phát triển thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu và đưa ra quan điểm: phải cân đối về chính sách để sản phẩm của doanh nghiệp phát triển ở cả hai thị trường một cách cân bằng.

Dự thảo đề án đã đưa ra tới 20 giải pháp để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong đó nêu rõ các kế hoạch, đề án cụ thể và đề nghị Chính phủ giao cho từng bộ, ngành chủ trì thực hiện. Ví dụ: giao cho bộ Giao thông vận tải chủ trì đánh giá, rà soát lại quy hoạch giao thông, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông để tập trung vốn đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực để hoàn thành các dự án ưu tiên một cách sớm nhất. Bộ Công thương được đề nghị chủ trì thực hiện đề án tái cơ cấu ngành điện, bộ Tài chính sửa đổi luật Ngân sách nhà nước, bố trí tăng ngân sách chi cho y tế, đào tạo, an sinh xã hội, đầu tư cho nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, chế biến. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được đề nghị xây dựng và thực hiện đề án đổi mới tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, hiện đại…


Ý kiến một số chuyên gia kinh tế

Ông Trần Xuân Giá, cựu bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư:

“… Đến bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, tôi cho là chậm. Cách đây hai năm tôi đã nêu rằng nếu chúng ta chậm như thế này, khi các nước đã vượt lên ta mới triển khai.

Bây giờ nếu tăng cường đầu tư, mà đầu tư theo cơ chế cũ, thì ta càng tăng đầu tư, càng tạo khó khăn cho tương lai sau khủng hoảng tài chính. Tái cơ cấu nền kinh tế đã rất bức thiết. Nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế bằng dốc vốn đầu tư và đầu tư kém hiệu quả, thì sẽ dẫn đến khả năng có tăng trưởng nhưng không có phát triển. Nói bức thiết chính là vì nó đã đến giới hạn”.

Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan:

“Việc tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam cần tập trung vào lĩnh vực đầu tư, nhất là đầu tư công vào hạ tầng cơ sở; tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A:

“(Tổ soạn thảo đề án) nên rà soát lại các luật chủ chốt liên quan đến kinh tế và kiến nghị những sửa đổi thoả đáng. Đây là công việc khó, không đơn giản và nên làm thường xuyên chứ không phải trong khuôn khổ một đề án phải hoàn tất trong ba tháng hay một năm.

Tiếp theo, Nhà nước với tư cách chủ sở hữu có thể tác động trực tiếp đến việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước mà quan trọng nhất là các tập đoàn. Đó có thể là thay đổi về cơ cấu sở hữu (bán toàn bộ hay một phần doanh nghiệp nhà nước cho các chủ sở hữu khác), thay đổi tổ chức, chiến lược, phương hướng hoạt động của chúng”.

( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Ngành ngoại giao sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
  • Lũ quét-Thảm họa có thể ngăn ngừa
  • Quy định mới về giấy tờ nhà đất - Sẽ tạo nhiều thuận lợi cho dân
  • Dung Quất bán sản phẩm khí Propylene đầu tiên
  • Dự kiến thí điểm hải quan điện tử tại cảng Cát Lái
  • Công nghiệp tiếp tục phục hồi trong tháng 10
  • Kiểm toán Nhà nước vào ban điều hành ASOSAI
  • Bảo đảm vai trò của dự trữ quốc gia
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi