Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hướng tới môi trường cạnh tranh lành mạnh

Những quy định mới về sở hữu, đầu tư, quản lý nghiệp vụ viễn thông được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện dần môi trường pháp lý kinh doanh.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 25/2001/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-6-2011), trên các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều ý kiến và cách lý giải khác nhau của cả cấp quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp xoay quanh nội dung nghị định. Thời báo Vi tính Sài Gòn xin giới thiệu ý kiến của ông PHẠM HỒNG HẢI, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, về những tác động của nghị định đến sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam trong thời gian tới.

Thị trường viễn thông Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh và theo xu hướng tích cực, có thể xem như đang ở giai đoạn ban đầu của một thị trường cạnh tranh bền vững, hiệu quả, mặc dù đôi khi mức độ cạnh tranh trong một vài lĩnh vực khá khốc liệt.

Về tổng quát, có hai yếu tố quan trọng mà ngành viễn thông đã đạt được. Thứ nhất, nhờ vào sự phát triển của ngành này mà Việt Nam đã được xếp vào nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, dịch vụ viễn thông (nhất là dịch vụ di động) không còn là một dịch vụ xa xỉ mà đã trở thành bình dân với khoảng 100 triệu khách thuê bao thường xuyên. Mạng lưới viễn thông đã được mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Thứ hai, thị trường có sự cạnh tranh, nhất là dịch vụ di động với sự tham gia của bảy mạng viễn thông. Sự cạnh tranh này, ở một khía cạnh nào đó, đã góp phần bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, trong đó có yếu tố chất lượng, giá cước và quyền được lựa chọn của người sử dụng dịch vụ.

Thúc đẩy cạnh tranh theo hướng lành mạnh

Môi trường luật pháp nói chung đối với việc quản lý cạnh tranh theo cơ chế thị trường hiện nay còn chưa đồng bộ. Tính đặc thù của việc quản lý cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông còn chưa được luật hóa, từ đó dẫn đến việc sự phát triển của lĩnh vực này chưa mang yếu tố bền vững. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung vào những giải pháp mang lại lợi ích trước mắt mà đôi khi ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của thị trường. Bên cạnh đó, khoảng cách phát triển viễn thông giữa các vùng miền còn rất lớn, nhất là giữa khu vực thành thị với nông thôn, giữa vùng thị tứ với vùng sâu, vùng xa.

Trong bối cảnh môi trường pháp lý chung và cơ chế thị trường chưa được hoàn thiện, các doanh nghiệp trong nước chưa quen với việc vừa cạnh tranh lại phải vừa hợp tác. Nếu xảy ra tình trạng toàn bộ thị trường viễn thông bị đổ vỡ như đã xảy ra ở một số nước thì không doanh nghiệp nào có thể phát triển được. Đây chính là lý do các cơ quan quản lý nhà nước phải ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý trong lĩnh vực này. Nghị định 25 không đưa ra những chính sách nào mới về môi trường kinh doanh viễn thông bởi vì tất cả các định hướng, môi trường cơ bản đã được xác định tại Luật Viễn thông, mà chỉ quy định chi tiết về vấn đề đầu tư, sở hữu, xử lý vụ việc cạnh tranh, cấp giấy phép và quản lý nghiệp vụ viễn thông nhằm tạo dựng một môi trường pháp lý phù hợp với sự phát triển hiện nay của thị trường.

Một trong những quy định gây ra sự chú ý và tranh luận trong thời gian gần đây liên quan đến tỷ lệ sở hữu chéo trong các doanh nghiệp viễn thông cùng kinh doanh một loại hình dịch vụ. Theo đó, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, các tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn của hai doanh nghiệp viễn thông trở lên cùng kinh doanh trên một thị trường dịch vụ viễn thông có trách nhiệm cơ cấu lại việc sở hữu vốn của mình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông chưa quyết định dịch vụ nào là dịch vụ cần quản lý để tránh trường hợp sở hữu chéo nhưng chắc chắn dịch vụ xét đến đầu tiên là dịch vụ di động. Trước khi đưa ra tỷ lệ sở hữu chéo 20% về vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông, nhóm soạn thảo chính sách đã tham khảo ý kiến các bộ ngành liên quan, học kinh nghiệm của một số nước. Thông thường, tỷ lệ này ở một số nước là 10-30%. Việt Nam chọn tỷ lệ 20% là theo kinh nghiệm của Hàn Quốc. Con số này cũng đã được đưa ra lấy ý kiến, phản biện từ các cơ quan, ban ngành liên quan nhiều lần trước khi đi đến sự nhất trí.

Một dẫn chứng cụ thể trong trường hợp này là hai mạng di động MobiFone và VinaPhone – hai doanh nghiệp viễn thông độc lập về tư cách pháp nhân – đều thuộc sở hữu 100% của tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT).

VNPT sẽ phải tổ chức, cơ cấu lại việc sở hữu nhằm bảo đảm tỷ lệ sở hữu chéo tối đa là 20%. Việc hạn chế tỷ lệ sở hữu chéo ở đây là áp dụng cho công ty mẹ VNPT, còn các công ty con của VNPT hoàn toàn có quyền sở hữu cổ phần của các mạng di động đã được cổ phần hóa – miễn đây là công ty hạch toán độc lập. Công ty con của VNPT khi đầu tư vào mạng di động đã được cổ phần hóa cũng không phải phụ thuộc vào quyết định của công ty mẹ nữa vì chính các công ty con này phải bảo đảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp mình. Như vậy, bản chất của quy định nói trên không phải là Nhà nước kiểm soát vấn đề sở hữu mà là kiểm soát môi trường cạnh tranh. Ví dụ, theo như cách thức cũ, trong trường hợp MobiFone có nhiều sáng kiến cạnh tranh tốt, nhưng có thể công ty mẹ VNPT sẽ không phê duyệt do e ngại ảnh hưởng đến VinaPhone và như vậy là hạn chế tính cạnh tranh của thị trường.

Tất nhiên, việc tổ chức, cơ cấu lại hoặc thoái vốn tại các doanh nghiệp cần được thực hiện theo lộ trình được quy định tại điều 45 của Nghị định 25, do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Hoàn thiện dần môi trường pháp lý kinh doanh

Với việc ban hành các quy định mới về sở hữu, đầu tư, quản lý nghiệp vụ viễn thông, Luật Viễn thông và Nghị định 25 nhằm tạo nên một môi trường pháp lý mới trong kinh doanh dịch vụ viễn thông. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải hoạt động có hiệu quả hơn, giảm bớt chi phí, giảm giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, cơ chế thị trường sẽ đòi hỏi việc sáp nhập hoặc tái cơ cấu, tổ chức lại. Môi trường pháp lý mới cũng tạo điều kiện để thị trường viễn thông phát triển bền vững hơn, tăng cường vai trò thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước nhằm điều tiết và bình ổn thị trường, bảo đảm việc Nhà nước không can thiệp vào hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp nhưng nắm bắt được diễn biến thị trường một cách nhanh chóng và chính xác. Những tác động của cơ quan quản lý sẽ ở tầm chính sách vĩ mô để thị trường phát triển một cách bền vững và hiệu quả.

Những quy định này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện dần môi trường pháp lý kinh doanh dịch vụ viễn thông. Với văn bản này, hoạt động cạnh tranh trong thời gian tới trên thị trường sẽ tiếp tục sôi động nhưng được quản lý, giám sát chặt chẽ hơn. Các hành vi cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật sẽ được khuyến khích và ngược lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc hạn chế cạnh tranh sẽ được Nhà nước can thiệp và xử lý kịp thời, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, quy định liên quan đến vấn đề cấp giấy phép hướng đến mục tiêu nhiều thành phần kinh tế tham gia thiết lập mạng và kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng cũng nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ trong việc sử dụng các tài nguyên số. Những vấn đề về quản lý nghiệp vụ viễn thông như đổi số thuê bao viễn thông, quản lý quy chuẩn thiết bị, chất lượng dịch vụ, giá cước viễn thông, xây dựng công trình viễn thông cũng sẽ được quản lý theo hướng minh bạch hóa.

  • Ngành gas lý giải việc "làm mưa làm gió'
  • Sữa, xăng dầu,... phải báo cáo giá bán lẻ theo tuần
  • Bệnh viện càng lớn dùng thuốc ngoại càng nhiều
  • Sắp có chính sách giảm gánh nặng chi tiêu cho công nhân
  • Chưa thể có “giá thị trường” với điện, xăng dầu
  • Bước trưởng thành của ngành dầu khí Việt Nam
  • Tổng kết dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng: Đầu tư lớn, hiệu quả thấp
  • Điện nhập từ Trung Quốc tăng 100 triệu kWh/tháng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi