|
Từ năm 2009, ngành hải quan sẽ nhân rộng mô hình thủ tục hải quan điện tử. Tháng 8 tới, Bình Dương và Đồng Nai sẽ là 2 nơi bắt đầu thực hiện quy trình thủ tục hải quan điện tử mở rộng.
Mặc dù thời gian qua, ngành hải quan đã áp dụng kê khai thủ tục hải quan qua mạng từ xa ở một số địa phương có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như Tp.HCM nhưng hoạt động thực tế vẫn còn gặp nhiều trục trặc do lỗi đường truyền, lỗi phần mềm nên khâu đối chiếu hồ sơ vẫn phải thực hiện.
Chính vì vậy, hải quan luôn là khâu thủ tục "được" các doanh nghiệp kêu trời vì nhiêu khê, tốn thời gian để hoàn tất chứng từ. Nếu so sánh với mô hình hải quan điện tử trong 4 năm qua, mô hình hải quan điện tử mở rộng có nhiều thay đổi, mở rộng cả về đối tượng doanh nghiệp tham gia gồm kinh doanh, sản xuất gia công, xuất nhập khẩu và mở rộng khu vực thực hiện.
Mở rộng theo từng loại hình
Từ giữa năm 2005, mô hình hải quan điện tử đã được triển khai thí điểm ở 2 địa phương là Hải Phòng và Tp.HCM. Sau giai đoạn thí điểm gần 4 năm triển khai, hải quan điện tử đã từng bước giúp cho cộng đồng doanh nghiệp bước đầu tìm hiểu, làm quen dần hướng đến việc áp dụng hải quan điện tử trên diện rộng đối với thủ tục hải quan. Theo lộ trình, từ 2009 - 2011 là giai đoạn thí điểm triển khai mở rộng mô hình hải quan điện tử. Tiếp đó, đến năm 2012, ngành hải quan sẽ xây dựng một hệ thống xử lí dữ liệu chung nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong năm 2009, ngành hải quan có kế hoạch mở rộng triển khai thủ tục hải quan điện tử tại 5 đơn vị mới là Cục hải quan Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Lạng Sơn và Đà Nẵng. Tới đây, tại Bình Dương, sẽ có 12 doanh nghiệp trong nước và FDI thực hiện triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử mở rộng giai đoạn 1 đến 2011.
Sau Bình Dương, Đồng Nai, ngành hải quan sẽ đẩy mạnh việc triển khai hải quan điện tử từ xa đối với các Cục hải quan như: thành phố Hải Phòng, Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lạng Sơn, Quảng Ninh..., để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan và làm nền tảng cho các bước cải cách và hiện đại hoá ngành hải quan các năm kế tiếp.
Mô hình mở rộng thủ tục hải quan điện tử tiến hành theo 3 khối xử lý thông tin và thông quan hàng hóa. Trình tự là, khối 1 sẽ tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và phản hồi thông tin tự động; khối 2 tiến hành kiểm tra sơ bộ thông tin khai điện tử và kiểm tra chi tiết các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan; khối 3 đảm nhiệm kiểm tra thực tế hàng hóa. Hệ thống thủ tục hải quan điện tử sẽ được xây dựng, thử nghiệm và triển khai từ một chi cục, sau đó mở rộng ra các chi cục còn lại và từng bước mở rộng theo từng loại hình.
Đòi hỏi cao ngay từ doanh nghiệp
Áp dụng thông quan điện tử sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian, đón nhận được nhiều hàng hóa sẽ được thông quan nhanh chóng. Khi khai báo thủ tục hải quan điện tử, doanh nghiệp không cần phải đem hồ sơ đến đối chiếu tại hải quan như trước. Các thông tin thủ tục sẽ được doanh nghiệp kê khai tại công ty và truyền dữ liệu đến cho Chi cục hải quan kiểm tra. Sau khi nhận được thông tin của doanh nghiệp, phía hải quan tiến hành phân luồng thông quan cho hàng hóa.
Như tính toán của hải quan, thời gian phân luồng hàng hóa trung bình sẽ rút ngắn lại, theo đó luồng xanh sẽ chỉ ở khoảng từ 5-10 phút, luồng vàng từ 20-30 phút và luồng đỏ thì tùy thuộc vào thời gian kiểm tra hàng hóa.
Đối với thông quan điện tử, quản lí hồ sơ xuất nhập khẩu dựa trên mức độ tín rủi ro của bộ chứng từ. Như ý kiến của ông Đỗ Hữu Toàn, Chi cục trưởng Chi cục hải quan điện tử, Cục hải quan Tp.HCM nhận xét, khâu kê khai hồ sơ chứng từ xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trước giờ luôn gặp nhiều sai sót. Tuy nhiên đối với mô hình thông quan điện tử áp dụng tới đây đòi hỏi doanh nghiệp phải chú ý ngay từ khâu cập nhật thông tin, đòi hỏi mức cao ở tính quản lí thông tin ngay từ ở phía doanh nghiệp. Do vậy, tùy theo cách thức khai báo của doanh nghiệp quyết định đến khả năng phân luồng hàng hóa.
Nếu hồ sơ khai sai, hủy nhiều, tức là hồ sơ mang nhiều tính rủi ro sẽ ảnh hưởng đến thời gian thông quan cho hàng hóa và luồng thông quan của lô hàng là vàng hoặc đỏ dựa vào mức độ của yếu tố rủi ro. Hiện nay có khoảng 80% hồ sơ được phân luồng xanh, những mặt hàng có tính chất đặc biệt mới bị "rơi" vào luồng đỏ. Đối với các lô hàng thông quan bằng luồng vàng và đỏ, hải quan sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp những chứng từ cần thiết để kiểm tra. Lúc này doanh nghiệp chỉ in những giấy tờ cần thiết như yêu cầu của hải quan, không phải "bê" cả tập chứng từ đến đối chiếu, sửa đổi tại hải quan như trước.
Mọi thông tin liên quan đến tờ khai như: thông báo thuế, số hồ sơ, luồng được phân... sẽ được phía hải quan trả lời qua mạng. Do đó, doanh nghiệp ngồi tại nhà vẫn có thể biết được đường đi của hồ sơ. Không chỉ vậy, thông quan điện tử sẽ giúp nâng cao tính minh bạch thông tin, hạn chế tiêu cực do thu hẹp mức độ tiếp xúc trực tiếp với hải quan.
Hiện nay, phần mềm khai thủ tục hải quan đang nâng cấp tạo điều kiện để giúp các doanh nghiệp thông quan điện tử. Theo thống kê, tại Tp.HCM có khoảng 100.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 50% là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu.
Tính đến hết ngày 26/6/2009, Cục Hải quan Bình Dương đã làm thủ tục cho 2.214 doanh nghiệp, với số lượng 194.680 tài khoản tờ khai so với cùng kì. Vì vậy, có thể nói rằng nhu cầu về giải quyết thủ tục hải quan là áp lực lớn đối với ngành hải quan. Việc triển khai hải quan điện tử sẽ giảm tải áp lực cả đối với ngành hải quan và cả cho doanh nghiệp.
(Theo Ái Vân // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com