Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định như vậy trước các ý kiến cho rằng không cần thiết phải có quỹ bình ổn giá xăng dầu và đề nghị bãi bỏ.
Ông Ninh cho biết, việc thành lập quỹ bình ổn được căn cứ vào các quy định hiện hành. Pháp Lệnh giá quy định và công bố các biện pháp tài chính tiền tệ khi cần thiết để bình ổn giá thị trường khi có những biến động bất thường.
Bộ Tài chính hiểu rằng các biện pháp tài chính tiền tệ có một hệ thống biện pháp rất tổng hợp, gồm thuế, phí và các quỹ hành chính. "Chúng tôi đã cùng với Bộ Công Thương trình Thủ tướng ban hành Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Trong văn bản này cũng có quy định thành lập quỹ bình ổn giá", ông Ninh cho biết.
Theo ông, việc hình thành quỹ bình ổn giá là để hạn chế các lần tăng giá xăng dày đặc, hạn chế điều chỉnh liên tục, giật cục hoặc điều chỉnh cao quá. Nghị định 84 quy định, các doanh nghiệp được điều chỉnh giá 7% khi giá thế giới biến động 7% trong vòng 30 ngày liên tiếp. Còn khi giá thế giới biến động 7-12%, doanh nghiệp chỉ tăng thêm 60%, 40% còn lại sử dụng các biện pháp khác như thuế, phí và quỹ bình ổn.
Tháng 10 và 11 vừa qua, giá xăng, dầu tiếp tục tăng nhưng Chính phủ đặt vấn đề ưu tiên tập trung cao độ cho việc bình ổn giá và kiềm chế lạm phát, không để lạm phát cao trở lại. Trong đó yêu cầu giữ ổn định giá các mặt hàng như điện, có than và xăng dầu. Và Bộ Tài chính đã sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu này để giữ giá trong suốt thời gian vừa qua. "Nếu như phải tăng giá mà không sử dụng quỹ bình ổn thì chúng ta phải tăng giá khoảng 1.500-2.200 đồng mỗi lít so với giá hiện hành. Nếu tăng như vậy thì tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh đời sống", Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.
Theo ông, giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với khu vực. Hiện mỗi lít xăng A92 có giá 16.400 đồng, trong khi Singapore là 26.000 đồng, Lào 20.000 đồng, Campuchia 21.000 đồng, Thái Lan 19.800 đồng và Trung Quốc là 20.000 đồng.
Việc dư luận đặt vấn đề về việc khi giá xăng dầu "tăng nhanh nhưng khó giảm", Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, cũng phải nhìn nhận cái khó của doanh nghiệp. Khi giá thế giới tăng nhà nhập khẩu không được tăng ngay, khi giá thế giới giảm thì họ mới hòa vốn nên cũng không thể bắt phải giảm ngay được. Khi chưa hòa vốn phải để một thời gian cho doanh nghiệp bù lỗ. "Việc điều hành hiện nay đang được giám sát rất chặt chẽ và chúng tôi thấy rằng bước đầu đã có thành công", ông Ninh nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành tài chính cho rằng việc thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết và cũng đáp ứng được sự quản lý của Nhà nước. Do vậy, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm cần thiết phải có quỹ này.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com