Đại biểu Quốc hội còn nhiều trăn trở trước những tồn tại của nền kinh tế - Ảnh: TTXVN. |
Trưa 28/10, ba phiên họp trong một ngày rưỡi dành cho Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010 đã kết thúc, với 64 ý kiến phát biểu, trong đó có 5 vị bộ trưởng và trưởng ngành.
Trước đó, phần thảo luận buổi sáng đã diễn ra với lượng thông tin khá phong phú, nhiều chiều từ gần 20 vị đại biểu cùng 4 vị bộ trưởng; với sự trao đổi của một vị Phó chủ nhiệm và một vị ủy viên Ủy ban Kinh tế về quá trình xây dựng báo cáo thẩm tra kinh tế, xã hội.
Dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về một số vấn đề, chủ trương hay chỉ tiêu cụ thể, song theo đánh giá của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, đã có nhiều vấn đề được làm rõ.
Làm rõ hơn nhiều vấn đề
Sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc làm rõ thêm về gói kích cầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trình bày về các vấn đề: thị trường nội địa, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; thủy điện nhỏ ở miền Trung và khả năng tăng xuất khẩu năm 2010.
Nói về phong trào vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng cho rằng “đây là một quyết sách hết sức đúng đắn”. Đây là một hoạt động xã hội, nó không phải được giao cho một cơ quan Nhà nước, một cơ quan Chính phủ cho nên chúng ta không vi phạm các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, không phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước hay ngoài nước, Bộ trưởng khẳng định.
Về khả năng xuất khẩu năm 2010, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Hoàng cho biết Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng 6% là có cơ sở và thận trọng.
Bởi, năm 2010 còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là giá cả còn thất thường, bấp bênh mà chúng ta lại phụ thuộc vào giá thế giới, nhiều việc chưa chủ động được. Hơn nữa, những mặt hàng xuất khẩu của chúng ta chưa phải là chiếm thị phần quan trọng trên thế giới, Bộ trưởng nói.
Sau Bộ trưởng Hoàng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề an sinh xã hội mà theo đánh giá của bà thì đã được thực hiện tốt.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cũng làm thỏa mãn phần nào sự quan tâm của đại biểu về tình hình quản lý Nhà nước về khai thác mỏ, đặc biệt đối với các mỏ nhỏ hiện nay.
Đã có những đề xuất mới
Đồng hồ chỉ hơn 11h, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên mong 21 đại biểu Quốc hội đã đăng ký, nhưng do thời gian nên chưa được phát biểu ý kiến thông cảm gửi ý kiến cho Đoàn thư ký để tổng hợp chung.
Phần đánh giá chung về 3 buổi thảo luận, theo Phó chủ tịch, khi đề cập nhiệm vụ kế hoạch năm 2010, một số đại biểu Quốc hội đã kiến nghị đề xuất những nội dung mới ở tất cả các phần, các lĩnh vực trong dự án, kế hoạch.
Ý kiến chung của các đại biểu Quốc hội nhất trí với yêu cầu, nội dung của mục tiêu tổng quát năm 2010 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế hợp lý, coi trọng chất lượng hiệu quả bền vững, ngăn ngừa lạm phát cao, bảo đảm và cải thiện an sinh xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn trong những năm tiếp theo.
Về các chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu, một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ bội chi ngân sách, tỷ lệ hộ dân được hưởng sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội muốn chọn phương án tích cực hơn, nghiêng về ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Riêng hai chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu về chỉ số giá tiêu dùng, đa số ý kiến đồng tình mức do Chính phủ trình. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng lưu ý tính chính xác và tính khả thi của một số chỉ tiêu như tỷ lệ giảm nghèo, tốc độ tăng dân số, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, giải quyết việc làm mới, tỷ lệ xử lý rác thải…
Liên quan đến đề án tái cấu trúc nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị xác định mô hình phù hợp với điều kiện nước ta, làm rõ nội hàm của tái cấu trúc nền kinh tế, xác định điều kiện bảo đảm lộ trình, bước đi, phân định trách nhiệm và triển khai sớm.
Về trật tự và kỷ cương, các đại biểu Quốc hội mong muốn hoàn thiện hơn và tăng tính pháp lý để chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm, lãng phí, tham nhũng…
Trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, ý kiến chung của các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh bài học về nắm chắc, kịp thời, chính xác yêu cầu của thực tế, đưa ra chủ trương, biện pháp kịp thời và đưa nhanh vào cuộc sống, gia tăng thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm. Khi hoạch định chính sách cần quan tâm lắng nghe và tiếp thu chân thành ý kiến, sáng kiến xác đáng của nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học trước khi quyết định chính thức, Phó chủ tịch “gói” lại hơn 60 ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
(Theo Hải Hà // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com