Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những nút thắt của ngành nhựa

Phòng trưng bày sản phẩm của một công ty nhựa ở TPHCM. Trong khi các nước phát triển chú trọng các sản phẩm nhựa kỹ thuật, doanh nghiệp Việt Nam lại chủ yếu làm nhựa gia dụng và bao bì. Ảnh: Tuyết Ân.

Khoảng 10 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư, với chừng 8 tỉ đô la Mỹ giá trị sản lượng, tốc độ phát triển bình quân 25% trong gần 20 năm qua, cộng với đơn hàng nhiều, thị trường rộng mở, nhu cầu tiêu dùng cao, tương lai ngành nhựa khá tươi sáng. Tuy nhiên, để phát triển, ngành nhựa cần được tháo gỡ những nút thắt đang kìm hãm sự phát triển.

Những nút thắt

Nút thắt đầu tiên là nguyên liệu, vốn tồn tại dai dẳng cùng với sự ra đời và phát triển của ngành nhựa. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu nhựa. Hơn 80% nguyên liệu của ngành nhựa vẫn phải nhập khẩu. Trong khi đó giá nguyên liệu của ngành phụ thuộc vào giá dầu, vốn đang rất thất thường và khó đoán.

Dự án xây dựng ngành công nghiệp nguyên liệu trong nước vẫn còn ì ạch. Trong ba khu hóa nhựa ở Nghi Sơn (Thanh Hóa), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), mới chỉ có Nhà máy Polypropylene Dung Quất, công suất 150.000 tấn/năm, đi vào hoạt động từ tháng 8-2010. Cũng ở Dung Quất, ban quản lý khu công nghiệp này đang kêu gọi các doanh nghiệp ngành nhựa đầu tư xây dựng một cụm công nghiệp nhựa nhằm tận dụng những yếu tố thuận lợi về vận chuyển và nguyên liệu sản xuất.

Trong khi chờ đợi một ngành công nghiệp hóa nhựa xuất hiện, vốn là một câu chuyện dài của 5-7 năm sau, ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM (VSPA), cho biết trước mắt ngành nhựa vẫn phải nhập nguyên liệu. Điều đáng nói, năm 2010, trong khi vẫn phải nhập hơn 1,6 triệu tấn nguyên liệu, ngành nhựa đã xuất khẩu 120.000 tấn, theo hình thức đối ứng.

Trong khi đó, ngành công nghiệp tái chế nhựa, có thể đáp ứng 20-30% nguồn nguyên liệu sản xuất, lâu nay vẫn hoạt động một cách manh mún. Đến nay vẫn chưa có một thống kê nào về số lượng doanh nghiệp nhựa tái chế. Tổng công ty cổ phần Nhựa Việt Nam đang có hai dự án xây dựng nhà máy tái chế nhựa, một ở phía Bắc và một ở phía Nam. Thế nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai, với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân không tìm đủ nguyên liệu sạch. Còn khu công nghiệp liên hợp xử lý và tái chế phế liệu ở Long An của Nhựa Sài Gòn vẫn chỉ nằm trên giấy.

Nút thắt thứ hai là nguồn vốn đầu tư sản xuất, lãi suất ngân hàng quá cao. Bên cạnh đó, điện cho sản xuất thiếu, tỷ giá ngoại tệ tăng trong khi nguồn cung đô la chưa đáp ứng được nhu cầu... khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Quang Doãn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Minh Diệu, cho biết nếu không sớm tháo gỡ những khó khăn này, doanh nghiệp chỉ còn cách hoạt động cầm chừng, chống chọi thay cho đầu tư phát triển. Đây là điều tối kỵ trong sản xuất, vì “nếu không liên tục đầu tư và phát triển thì sẽ bị tụt hậu, mất thị trường”, ông Doãn nói.

Các doanh nghiệp đang lo rằng những khó khăn ngắn hạn này nếu không được giải quyết kịp thời, sẽ trở thành khó khăn lâu dài, gây đình trệ sản xuất.

Một nút thắt nữa là sự mất cân đối của ngành. Trong khi các nước phát triển chú trọng các sản phẩm nhựa kỹ thuật, doanh nghiệp Việt Nam lại chủ yếu làm nhựa gia dụng và bao bì. Trong hơn 2.000 doanh nghiệp nhựa ở Việt Nam, ngành bao bì có hơn 700 doanh nghiệp, và nhựa gia dụng khoảng 900 doanh nghiệp, còn nhựa kỹ thuật chỉ có chừng 300 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.

Tương lai ngành nhựa

VSPA đã gửi UBND TPHCM bản kiến nghị hạ lãi suất cho vay sản xuất xuống 12%/năm, và “nếu tình hình lãi vay không kịp cải thiện, đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2% như năm 2010 để giữ vững sản xuất”.

Đối với thị trường trong nước, theo một khảo sát của VSPA, nhu cầu của người dân tăng 20%/năm, và ngành nhựa đủ sức cung ứng sản phẩm nhựa cho thị trường trong nước, thay thế hàng nhập.

Còn với thị trường nước ngoài, bên cạnh chiến lược thâm nhập sâu thị trường Campuchia (xem thêm bài Thâm nhập sâu thị trường Campuchia, TBKTSG số ra ngày 7-4-2011), kế hoạch thâm nhập những thị trường như Lào, Úc, Thái Lan, Malaysia cũng đang được triển khai, bên cạnh việc mở rộng hơn nữa các thị trường truyền thống châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Trong ngành nhựa hiện nay, ngày càng có nhiều sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, từ các cơ sở nhỏ lẻ, gia đình, cho đến các công ty lớn. Quan trọng hơn, theo nhận định của ông Trang, thế hệ lãnh đạo thứ hai của các doanh nghiệp đã trưởng thành và đang điều hành quản lý công ty bằng các mô hình quản lý hiện đại, bài bản.

Ngành nhựa cũng đang đẩy mạnh hợp tác với tổ chức JETRO của Nhật Bản về dự án tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ, mà theo ông Trang, đây “vừa là một thị trường lớn, vừa là tương lai của ngành nhựa”.

Theo Hiệp hội Nhựa TPHCM (VSPA), tại thị trường Việt Nam trong mấy tháng qua, nguyên liệu nhựa PP tăng từ 1.700 đô la Mỹ/tấn lên 1.850 đô la Mỹ/tấn. Nguyên liệu nhựa PE tăng từ 1.300 đô la/tấn lên 1.400 đô la/tấn, nguyên liệu PU tăng từ 2.700 đô la/tấn lên 3.000 đô la/tấn. Dự kiến các loại nguyên liệu nhựa sẽ còn tăng 15-20% trong thời gian tới.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần đầu tiên
  • Hướng tới môi trường cạnh tranh lành mạnh
  • Ngành gas lý giải việc "làm mưa làm gió'
  • Sữa, xăng dầu,... phải báo cáo giá bán lẻ theo tuần
  • Bệnh viện càng lớn dùng thuốc ngoại càng nhiều
  • Sắp có chính sách giảm gánh nặng chi tiêu cho công nhân
  • Chưa thể có “giá thị trường” với điện, xăng dầu
  • Bước trưởng thành của ngành dầu khí Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi