Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ô nhiễm từ các cụm công nghiệp không ai quản lý

Theo thống kê của Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 14 cụm công nghiệp (CCN) không ai quản lý, nhiều CCN khác có đơn vị quản lý nhưng cũng... như không. Hậu quả là những CCN này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống của những hộ dân chung quanh...

Hàng chục năm nay, hàng ngàn hộ dân tại khu vực xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh ăn ngủ không yên khi hàng loạt nhà máy tại đây ngày nào cũng xả khói, nước thải gây ô nhiễm môi trường. Thủ phạm là CCN Trần Đại Nghĩa (xã Lê Minh Xuân) và CCN Tân Túc (thị trấn Tân Túc). Không ai quản lý, hai CCN này đều không có hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT). Các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các CCN thoải mái xả nước thải ra kênh, rạch...

* Dân lãnh đủ

Ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Lê Minh Xuân lo lắng: "Nguồn nước ô nhiễm khiến cá trong ao hồ của tôi chết liên tục. Còn bơm nước vào đồng ruộng thì lúa úng hết. Cứ kiểu này thì tôi không biết làm gì để sống".

Nhiều CCN tại TP.Hồ Chí Minh gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Đồng cảnh ngộ với người dân tại xã Lê Minh Xuân, hàng trăm hộ dân ở khu vực kênh Trần Quang Cơ (quận 12) hiện nay cũng rất khổ sở vì tình trạng ô nhiễm con kênh này. Hàng ngày, họ chứng kiến không biết bao nhiêu lần dòng nước kênh thay đổi từ màu đen sang màu tím, đỏ, xanh... cùng bọt khí nổi lên làm cả xóm "nghẹt thở". Theo người dân nơi đây, thủ phạm chính là 31 DN đang hoạt động trong CCN Hiệp Thành (quận 12) gây ra. Ông Nguyễn Văn Cận,tổ phó bảo vệ khu phố 7, phường Hiệp Thành, bức xúc: "Chúng tôi đã khiếu nại lên phường nhiều lần, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn năm sau cao hơn năm trước".

Còn tại phường Long Bình, quận 9, người dân nơi đây nhiều năm nhức đầu, sổ mũi, vì hít khói bụi ô nhiễm từ các DN làm vật liệu xây dựng trong CCN Long Sơn gây ra.

Thậm chí, tại CCN Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, nhiều người dân còn vào cất nhà sống chung với 40 DN trong CCN này. Trong khi đó, trong CCN mới có một vài DN có đầu tư HTXLNT. Trước tình hình này, giữa năm 2009, UBND quận Thủ Đức có Công văn số 841/UBND-KT xin UBND thành phố chuyển từ đất công nghiệp sang đất thổ cư luôn.

Theo quy định, việc kiểm tra ô nhiễm của các DN trong CCN thuộc trách nhiệm của cấp UBND huyện và Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) (DN vừa và nhỏ do huyện kiểm tra, DN lớn do Sở kiểm tra). Nhưng các cấp này chưa làm tròn bổn phận.

* Quản lý kém

Theo ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, thì QĐ số 4809 của UBND thành phố giao trách nhiệm cho Sở Công thương phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, cùng các quận, huyện tìm chủ đầu tư, nhưng lại chưa có quy trình, thủ tục pháp lý để xác định chủ đầu tư có năng lực, nên việc quản lý và tìm chủ đầu tư các CCN rất khó khăn. Các chủ đầu tư muốn khi họ xây dựng hạ tầng để quản lý CCN thì đất của CCN phải là của họ để được cho thuê lại, trong khi đó tại các CCN chưa có cơ quan quản lý, đa số DN đã tự thương lượng mua đất của dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng vô chủ này còn có lý do quản lý yếu kém. Theo Quyết định số 55/2006/QĐ-UBND ban ngày 12-4-2006, thì trước ngày 30-7-2007, việc quản lý các CCN thuộc trách nhiệm của Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp.

Điển hình CCN Hiệp Thành (quận 12) hình thành năm 2001. Đến năm 2004, UBND thành phố có Quyết định số 3228/QĐ giao Công ty dịch vụ và phát triển đô thị (DVĐT) Q.12 làm chủ đầu tư. Nhưng suốt khoảng thời gian này, Công ty DVĐT Q.12 không làm gì và đến năm 2007 thì xin không quản lý nữa. Sau khi công ty này rút, Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam có Văn bản số 1289/TCT-ĐT xin làm chủ đầu tư và đã được UBND Q.12 chấp thuận. Tuy nhiên, đến nay đã gần hai năm, các thủ tục pháp lý về việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án vẫn chưa thực hiện xong.

Tương tự, CCN Long Sơn (Q.9) đã được UBND thành phố ra QĐ số 2088/QĐ-UB vào ngày 13-5-2004 giao cho Công ty quản lý và phát triển đô thị Q.9 làm chủ đầu tư. Nhưng đến nay, dự án mới được Sở Giao thông - vận tải thẩm định thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật và Sở TN-MT thẩm định công nghệ hệ thống xử lý nước thải, nhưng mặt bằng CCN mới được giải tỏa 80%.

Còn CCN Xuân Thới Sơn A (huyện Hóc Môn) UBND thành phố đã có QĐ số 354/QĐ-UB vào ngày 24-1-2002 giao đất cho Công ty cổ phần Khánh Đông làm chủ đầu tư. Nhưng hơn 8 năm nay, công ty này mới giải tỏa, đền bù được 29,4 hécta/38 hécta.

Ông Đặng Hải Bình, Phòng TN-MT quận 12, cho biết: "DN do UBND quận quản lý có kinh doanh ngành nghề gây ô nhiễm thì đều có HTXLNT đầy đủ". Có nhưng xử lý đạt chuẩn không? Ông Bình nói: "Tôi cũng không biết xử lý có đạt không".

Tương tự, ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý môi trường Sở TN-MT thừa nhận: "Hàng năm, Sở không có báo cáo phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm ở các CCN. Tất cả các CCN không có chủ đầu tư quản lý thì đều không có HTXLNT chung. Nghị định 81/2006 quy định, DN gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn từ 5 - 7 lần thì tạm đình chỉ hoạt động đến khi xây dựng xong HTXLNT. Nhưng đa phần các DN trong CCN gây ô nhiễm chưa đến mức đình chỉ hoạt động, chỉ phạt vài triệu đồng, nên rất ít DN có HTXLNT riêng".

Theo Sở TN-MT TP.Hồ Chí Minh, nếu các CCN có chủ thì chắc chắn nước thải sẽ được xử lý nhờ HTXLNT chung và DN cũng không dám thoải mái xả thải ra môi trường vì dễ bị phát hiện. Để cải thiện môi trường tại các CCN chỉ còn cách Sở Công thương tìm được chủ đầu tư quản lý!

(Theo ĐÌNH SƠN // Báo Đồng Nai Online)

  • Bàn giao quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu Đề pô đường sắt đô thị Hà Nội
  • Lại lo chất lượng đầu tư công
  • 6 đề nghị hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông
  • Cốt lõi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính là vì dân
  • Lập đồ án quy hoạch đô thị không quá 15 tháng
  • Có thêm ngành đào tạo giáo viên GDQPAN từ năm học 2010-2011
  • Tiếp tục kìm giữ ổn định giá bán lẻ xăng, dầu
  • Ngành chăn nuôi vẫn phụ thuộc nguyên liệu ngoại nhập
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi