Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý, sử dụng vốn tại các TĐ, TCT Nhà nước: Có tới 20 tập đoàn, tổng công ty lỗ trong nhiều năm

Sáng 13-8, UBTVQH nghe báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước.

Báo cáo sẽ được hoàn chỉnh, trình bày tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, bản báo cáo khá công phu, đã góp phần chỉ rõ thực trạng sức khỏe của các TĐ, TCT, nhưng chủ yếu mới đề cập đến tình hình sử dụng vốn mà ít phân tích đến công tác quản lý vốn; và cũng chưa đi sâu vào nội dung quản lý sử dụng “tài sản nhà nước”. Chủ tịch Quốc hội mong muốn công tác giám sát thực sự “làm rung động các cơ quan có trách nhiệm”, tạo bước chuyển quan trọng trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị đoàn giám sát đánh giá sâu thêm về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ ra những “khoảng trống”, những điểm bất hợp lý trong hành lang pháp lý về quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận băn khoăn: “Lâu nay các báo cáo của Chính phủ trình QH cũng đều cho thấy hiệu quả đầu tư của các DNNN nói chung và TĐ, TCT không cao, hệ số đầu tư (ICOR) năm sau có xu hướng cao hơn năm trước. Tổng nợ quá hạn còn lớn, một số còn nợ đến mức mất vốn chủ sở hữu. Hệ thống văn bản pháp quy của ta điều chỉnh tình trạng này đến đâu?”.

Ông Nguyễn Văn Thuận cũng thẳng thắn bình luận, những đánh giá trong Báo cáo giám sát về hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có phần mâu thuẫn. “Liệu hoạt động của SCIC có tạo ra thêm 1 tầng nấc, làm phức tạp thêm đường đi của đồng vốn?”, Chủ nhiệm UB Pháp luật nêu vấn đề.  

Theo Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đã là TĐ thì phải kinh doanh đa ngành nghề, vấn đề là việc đầu tư có xa rời nhiệm vụ chính hay không, có rót vốn quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro cao hay không. Ông Hiển nói: “Lãi lỗ trong kinh doanh mang tính có thời điểm, không chỉ nhìn qua một lát cắt ngang. Nhưng lỗ lũy kế lớn, kéo dài phải truy ra trách nhiệm của ai? Có tới 20 TĐ, TCT nằm trong danh sách lỗ nhiều năm”.

Từ góc nhìn xã hội, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai ghi nhận thêm điểm tích cực của các TĐ, TCT (thu nhập bình quân của người lao động trong khu vực nhà nước là cao nhất, không có hiện tượng đình công trong khối DNNN…). Bà Mai đồng tình với đoàn giám sát về việc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ở những lĩnh vực nhà nước không cần giữ vai trò chủ đạo, tránh tình trạng “rải vốn mành mành”. Bà cũng nhất trí với kiến nghị “có định hướng, cơ chế đặc thù...” cho SCIC, nhưng yêu cầu làm rõ những tiến bộ đạt được trong quản lý, sử dụng vốn sau 4 năm SCIC đi vào hoạt động; cụ thể hóa những định hướng và cơ chế đặc thù để Tổng công ty này không “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Tham dự phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đề nghị đoàn giám sát thống nhất phạm vi cũng như các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, bóc tách rõ ràng hiệu quả sản xuất kinh doanh thông thường với việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị của các TĐ, TCT. “Có những dự án đầu tư khiến TĐ, TCT mang nợ rất lớn so với vốn chủ sở hữu, nhưng đó là vì thực hiện những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao như dự án đầu tư xây dựng thủy điện Sơn La hay phát triển lưới điện Tây Nguyên…

Các doanh nghịêp kinh doanh xăng dầu năm 2008 và đầu năm 2009 lỗ nặng, nhưng cũng không được phép tăng giá xăng dầu theo thị trường; giá than cũng vậy, bán cho 4 hộ tiêu thụ lớn nhất chỉ bằng 62 – 65% giá thành”, người đứng đầu ngành Tài chính “thanh minh” hộ các TĐ, TCT. 

Theo báo cáo do Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày, Đoàn đã trực tiếp làm việc với 28 cơ quan, đơn vị gồm 8 tập đoàn, 1 ngân hàng, 9 tổng công ty, 6 Bộ, UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM, Ngân hàng Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Đoàn cũng đã bố trí 2 tổ công tác làm sâu thêm về việc sử dụng đất đai của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hoạt động tài chính và các dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Theo số liệu của Đoàn giám sát, số TĐ, TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao có xu hướng tăng. Năm 2006 có 6 TCT lỗ, 5 TĐ và 18 TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn trên 15%. Đến năm 2008, số TCT hoạt động bị lỗ giảm xuống còn 3 đơn vị, có 3 TĐ và 32 TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trên 15%. Năm 2007, tổng số lỗ lũy kế của 24 TĐ và TCT lên tới trên 4.000 tỉ đồng. Đến năm 2008, lỗ lũy kế của các TĐ, TCT đã được cải thiện, còn 23 TCT lỗ lũy kế gần 2.800 tỉ đồng. Hệ số an toàn vốn của các TĐ, TCT (kể cả các ngân hàng thương mại đã cổ phần hóa nhưng nhà nước giữ cổ phần lớn) vẫn nằm trong ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, nếu bóc tách, so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các TĐ, TCT nói riêng còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò trong nền kinh tế. Tỷ trọng vốn của khối DNNN (mà các TĐ, TCT là nòng cốt) trong tổng vốn của nền kinh tế từng năm luôn cao nhất, song tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu luôn thấp hơn so với khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Phân tích chi tiết về năng lực tài chính, hiệu quả sử dụng vốn, tài sản là đất đai, Đoàn giám sát đưa ra nhận xét, nhìn chung quy mô và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu của hầu hết các TĐ, TCT không đồng đều, một số đơn vị có vốn chủ sở hữu rất thấp, không đáp ứng đủ yêu cầu hoạt động. Đoàn giám sát cảnh báo, tại một số đơn vị, tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao, có trường hợp tới trên 10 lần, ảnh hưởng đến tính ổn định và phát triển doanh nghiệp. Đáng lưu ý, đã có tập đoàn phát hành trái phiếu bán cho tổ chức tín dụng và sử dụng nguồn vốn này để trả nợ ngân hàng – một biểu hiện không lành mạnh trong quan hệ tín dụng.

Về làn sóng đầu tư ngoài lĩnh vực chính, có TĐ, TCT đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bất động sản… quá lớn, trong khi chưa tập trung đủ nguồn lực tài chính cho các dự án quan trọng trong lĩnh vực chính của mình. Tuy nhiên, phần lớn số tiền đầu tư của các TĐ, TCT phát sinh trong 2 năm thị trường phát triển bong bóng nên hiệu quả không cao, nhất là trong năm 2008 và thấp hơn hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực chính.

* Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội ngày 13-8, hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ tại phiên họp UBTVQH sẽ chỉ diễn ra trong buổi sáng 14-8 thay vì cả ngày như dự kiến ban đầu. Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam VTV1.


(Theo ANH THƯ // SGGP Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi