Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng thời điểm năm trước - Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 ước tính tăng cao ở mức 21,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lý do chủ yếu là tháng 1/2012 là tháng Tết Nguyên đán, có số ngày nghỉ nhiều.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,3%, đóng góp 18,6 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 20,7%, đóng góp 1,4 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 10,3%, đóng góp 1 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ tăng 93,6%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 66,6%; sản xuất xi măng tăng 60,3%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 52,6%; sản xuất giày, dép tăng 52,5%; sản xuất hàng may sẵn tăng 49,1%;…
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2013 so với cùng kỳ năm 2012 của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 18,2%; Đồng Nai tăng 30%; Bình Dương tăng 44,4%; Hà Nội tăng 28,4%; Hải Phòng tăng 27,6%; Bắc Ninh tăng 28,9%; Vĩnh Phúc tăng 35,1%; Cần Thơ tăng 32,5%; Hải Dương tăng 26,8%; Đà Nẵng tăng 52,2%...
Đáng lưu ý là tháng 1 năm nay là tháng áp Tết Nguyên đán nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp lại giảm 3,2% so với tháng trước và giảm ở tất cả các ngành công nghiệp cấp I, trong đó ngành khai khoáng giảm 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,0%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,0%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%.
Theo Tổng cục Thống kê, điều này cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp cho dịp Tết Nguyên đán năm nay thấp.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/1/2013 tăng 21,5% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là sản xuất thiết bị truyền thông tăng 374%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,6%; sản xuất xi măng tăng 35,7%; sản xuất dây, cáp điện tăng 34,1%; may trang phục tăng 23,3%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 20,7%; sản xuất bia tăng 19,5%; sản xuất thuốc lá tăng 19,1%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 19%; sản xuất đường tăng 18,2%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 17%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 15,8%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 13,7%.
Trong khi đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất xe có động cơ tăng 9,4%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 4,4%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 1,3%; sản xuất giày, dép giảm 5,6%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 9%; sản xuất pin, ắc quy giảm 10,4%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 17%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 23,6%.
Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/01/2013 so với giá trị hàng được sản xuất trong năm 2012 là 6,9%.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com