Từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động của khoảng 20 công ty kiểm toán (CTKT). Trả lời phỏng vấn ĐTTC, ông BÙI VĂN MAI, Phó Chủ tịch thường trực VACPA, cho biết chi tiết về cuộc kiểm tra này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đây là cuộc kiểm tra định kỳ hàng năm hay nhằm vào mục tiêu cụ thể nào?
Ông BÙI VĂN MAI: - Kiểm tra hoạt động của các CTKT là việc hết sức cần thiết. Tuy nhiên 10 năm qua việc kiểm tra mang tính chất thủ tục hành chính là chủ yếu, tức kiểm tra tổ chức bộ máy, các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ để điều hành công ty, cơ cấu bộ máy lãnh đạo điều hành, cơ cấu nhân viên chuyên môn, quy trình tuyển dụng nhân viên, các thủ tục về kiểm toán… để xem các CTKT có đảm bảo tuân thủ các quy định theo chuẩn mực kiểm toán hay không. Sau đó, đoàn kiểm tra chủ yếu thực hiện tư vấn cho các đơn vị kiểm tra, việc xử lý không đặt ra một cách gay gắt mà chủ yếu là giúp đỡ họ.
Năm nay, nội dung kiểm tra hoạt động của các CTKT sẽ khác, tập trung kiểm tra chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC), chất lượng ý kiến của kiểm toán viên (KTV) đối với các hợp đồng kiểm toán. Từ đó sẽ lập bảng điểm để đánh giá chất lượng dịch vụ của từng CTKT, công bố kết quả kiểm tra và kiến nghị xử lý theo quy định. Thí dụ kiểm tra một BCTC đã kiểm toán chẳng hạn thì chúng tôi sẽ đi vào số liệu BCTC của doanh nghiệp (DN), tiếp đến là những vấn đề KTV đã nêu ra trong quá trình kiểm toán, xử lý. Và cuối cùng là sẽ xem xét ý kiến toàn phần hay ngoại trừ của KTV có đúng hay không.
Chất lượng kiểm toán cũng là vấn đề mà nhiều NĐT quan tâm vì thể hiện sự minh bạch DN. Ảnh: ANH THƯ |
- Trong đợt kiểm tra năm 2009, những sai phạm của CTKT chủ yếu là gì?
- Vi phạm chủ yếu là các thủ tục kiểm toán chưa thực hiện đầy đủ. Vi phạm này cũng có nguyên nhân là quy định về các thủ tục kiểm toán quá chặt chẽ, muốn làm đủ các thủ tục đó chi phí kiểm toán phải rất cao, nhưng trong điều kiện hiện nay DN chưa chấp nhận chi phí cao. CTKT nước ngoài có thể đưa ra mức phí cao gấp 10 thậm chí 20-30 lần so với CTKT của Việt Nam nên CTKT nước ngoài có thể làm đầy đủ các thủ tục. CTKT Việt Nam khó hơn, vì danh tiếng chưa có, trình độ chưa cao, không thể đưa ra mức phí cao. Vì phí thấp nên họ không thể làm được hết tất cả các thủ tục.
- Theo ông, liệu vi phạm về thủ tục cộng với phí thấp có đồng nghĩa chất lượng BCTC đã kiểm toán thấp?
- Các CTKT nước ngoài và CTKT lớn của Việt Nam thu phí cao, có chất lượng nhân sự tốt và quan tâm bảo vệ uy tín nên rất ít bỏ thủ tục. Tình trạng bỏ thủ tục chủ yếu là CTKT nhỏ và vừa, công ty mới, nên chất lượng thấp hơn. Nhưng đấy không phải là vấn đề lớn, vì chỉ tính riêng 4 CTKT lớn Pricewaterhouse Coopers, KPMG, Ernst & Young và Deloitte đã chiếm 55% thị phần, 20-25 CTKT lớn của Việt Nam chiếm 35% thị phần nữa, còn lại khoảng 10% thuộc về các CTKT khác, nên cũng không đáng lo ngại lắm.
- Có một số CTKT công bố lỗ, theo ông điều này có làm ảnh hưởng ra quyết định của kiểm toán?
- Việc kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận của hoạt động kiểm toán không giống như các ngành nghề khác. Kiểm toán không có công ty đầu tư, công ty cổ phần, không có đầu tư của những NĐT không có chuyên môn nghiệp vụ đầu tư vào CTKT. Giá trị sức lao động của họ chủ yếu thông qua tiền lương. Chuyện lỗ của CTKT cũng có nhiều lý do, có thể là chiến lược kinh doanh của các CTKT khi CTKT muốn gia tăng thị phần, do đó phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn: phải đầu tư một phần mềm máy tính vài chục triệu USD, hay như muốn mở rộng thị trường khách hàng thì phải đầu tư chất lượng con người cao trong bối cảnh phí kiểm toán thấp… Ngay cả các hãng kiểm toán nước ngoài ở Việt Nam cũng có thể lỗ cạnh tranh và họ cũng sẵn sàng lấy doanh thu tại hãng hay các chi nhánh khác để hỗ trợ.
Chuyện lỗ có liên quan đến chất lượng hay không cũng phải xem xét rất cụ thể vì chất lượng liên quan đến thủ tục kiểm toán. Nếu CTKT đảm bảo đủ các thủ tục kiểm toán thì chuyện lỗ không ảnh hưởng đến chất lượng. Trường hợp CTKT giảm giá phí đồng thời giảm thủ tục kiểm toán, đương nhiên sẽ giảm chất lượng.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo HÀ MY // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com