Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ Công Thương: Nhập khẩu nông lâm sản là cần thiết

Theo Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 4,65 tỉ đô la, trong đó, hơn 75% nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong ảnh, xe tải đang chuẩn bị chở hàng qua Trung Quốc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Hồng Văn.

Mặc dù là một cường quốc về xuất khẩu nông sản nhưng trong 4 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã phải nhập khẩu 4,65 tỉ đô la Mỹ hàng nông lâm sản, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên ông Phan Thế Hào, Vụ trưởng phụ trách văn phòng phía Nam, Bộ Công Thương, cho rằng việc nhập khẩu như vậy là cần thiết để ngành sản xuất nông lâm thủy sản hoạt động và kinh doanh tốt hơn.

“Những mặt hàng nông sản như gỗ, cao su, bông... đã được nhập khẩu từ nhiều năm nay nhưng bốn tháng đầu năm 2010, khối lượng và kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh vì kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp trong nước nhận được nhiều đơn hàng hơn nên phải tăng cường nhập khẩu nguyên liệu”, ông Hào cho biết.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết, từ đầu năm nay nhiều mặt hàng được giảm thuế từ 0% đến 5% theo cam kết FTA giữa ASEAN – Trung Quốc, CEPT trong nội khối ASEAN, khiến cho nông sản nguyên liệu trở nên rẻ và dễ mua.

Cũng đáng lưu ý là trong tiến trình cắt giảm thuế theo các hiệp định trên, Việt Nam vẫn thiếu những hàng rào kỹ thuật cần thiết làm cơ sở cho việc cấp giấy phép nhập khẩu nên các mặt hàng nông sản nước ngoài có điều kiện thâm nhập ngày một nhiều hơn.

Giải thích về việc trong 4 tháng đầu năm có đến 636.000 tấn lúa mì nhập về Việt Nam với giá trị lên đến 155 triệu đô la Mỹ, tăng 61% về sản lượng, 56% về giá trị so với năm ngoái, ông Hào cho rằng, từ trước đến nay, lúa mì không nằm trong danh mục hạn chế nhập khẩu nên mới có sự tăng đột biến do nhu cầu của thị trường. Theo ông Hào, sắp tới Bộ Công Thương sẽ xem xét lúa mì là mặt hàng thiết yếu hay không.

Giải thích tại sao mặt hàng cao su có kim ngạch xuất khẩu tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam, cho biết mặt hàng cao su được nhập khẩu trong bốn tháng qua chủ yếu là cao su tổng hợp mà chúng ta chưa sản xuất được (cao su tổng hợp được tạo ra từ quá các hoạt động hóa dầu, khác hẳn với cao su tự nhiên).

Theo bà Hoa hiện các công ty sản xuất vỏ, ruột xe và các mặt hàng từ cao su nhận được rất nhiều đơn hàng từ các nước nên nhu cầu nhập khẩu cao su tổng hợp tăng cũng là điều dễ hiểu. Số liệu của Hiệp hội cao su Việt Nam cho thấy, trong quý 1-2010 lượng cao su tự nhiên nhập về chỉ là 19.000 tấn, giảm hơn 16.000 tấn so với cùng kỳ năm 2009.

Hiệp hội gỗ Việt Nam cho biết, trong bốn thàng đầu năm giá gỗ cứng nhập khẩu đã tăng 30%, gỗ mềm tăng từ 20% đến 30% nhưng khối lượng nhập khẩu không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 3 nên nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng gỗ cứng và gỗ mềm đều tăng nên đẩy giá tăng lên.

Lý giải tại sao việc nhập mặt hàng thuốc trừ sâu tăng, đại diệu của Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian qua tình hình sâu bệnh trên cây trồng ở nước ta (như bệnh đào ôn, vàng lùn, rầy nâu) tăng đột ngột nên nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng lên. Tuy nhiên, theo ông này, giá trị nhập khẩu trong bốn tháng gần 150 triệu đô la Mỹ, tăng 38% so với cùng kỳ, nhưng dự báo cả năm sẽ chỉ dao động quanh mức 500 triệu đô la Mỹ như kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gần bằng nhu cầu nhập khẩu của năm 2009.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành chăn nuôi vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài nên doanh nghiệp xin nhập nguyên liệu để sản xuất là không có gì bất ngờ. Còn việc nhập khẩu bao nhiêu thì tùy theo chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và rất khó kiểm soát được số lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp này.

Theo Bộ Công Thương tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tháng 4 là 1,5 tỉ đô la, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này trong bốn tháng đầu năm lên 4,65 tỉ đô la Mỹ, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế trong bốn tháng đầu năm đạt 20,16 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn kế hoạch năm (6%). Tổng kim ngạch nhập khẩu bốn tháng đầu năm đạt 24,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2009. Thâm hụt thương mại (nhập siêu) trong bốn tháng đầu năm đã gần 4,8 tỉ đô la Mỹ.

(Theo Ngọc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi