Sóng gió một lần nữa lại nổi lên trong quan hệ giữa cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL, tên giao dịch là ERAVE) và tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tại cuộc họp giao ban sản xuất đầu tuần tại bộ Công thương, cục trưởng cục ĐTĐL lên tiếng buộc tội EVN đã không chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về tình hình cung ứng điện, gây nhiều khó khăn cho việc điều tiết thị trường điện lực, vốn thuộc chức năng của cơ quan này.
Ông Phạm Mạnh Thắng, cục trưởng cục ĐTĐL phản ánh, trong tháng 4, do cung ứng không đủ điện theo nhu cầu, EVN đã phải cắt điện ở nhiều nơi. Bộ Công thương đã yêu cầu EVN phê duyệt kế hoạch tiết giảm của từng tổng công ty, từng tỉnh và giám sát việc thực hiện nhưng cho đến ngày 11.4, cục ĐTĐL không nhận được bất kỳ báo cáo nào của EVN. “Chính vì thế, chúng tôi không thể đánh giá nổi việc thực hiện như thế nào mà chỉ nắm thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng (về tình hình cắt điện)”, ông Thắng nói.
Những lý giải của EVN về việc cắt giảm điện thực tế có nhiều thông tin sai sự thật. Theo thống kê riêng của cục ĐTĐL thì việc cắt giảm điện tại một số địa phương như Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… không phải 6% như EVN công bố. Ví dụ ở Bình Dương, lượng điện cắt giảm lên đến 18 – 20% và 2 ngày/tuần, hầu hết là cắt giảm điện sinh hoạt. Điện sinh hoạt nông thôn bị cắt nhiều nhất, gần như 7 ngày/tuần. Trong khi cục ĐTĐL không nhận được báo cáo từ EVN thì báo chí lại nhận được thông cáo từ tập đoàn này, trong đó khẳng định: “Trong tháng 4, EVN đã cơ bản đáp ứng đủ điện cho sản xuất”. Nhưng thực tế, ngay tại cuộc họp của bộ Công thương đầu tuần này, hầu hết các doanh nghiệp đứng lên phát biểu đều tỏ ra lo lắng về tình trạng cắt điện cho sản xuất gây thiệt hại lớn: tổng công ty Thép cho biết, các doanh nghiệp thép bị cắt trung bình 8 ngày/tháng; có doanh nghiệp da giày phản ánh bị cắt điện 3 ngày/tuần, ở Bình Dương phổ biến 2 ngày/tuần…
Việc cắt giảm điện của EVN không đúng theo yêu cầu của Chính phủ (đảm bảo đủ điện cho sản xuất) mà theo chủ ý của ngành này muốn giảm lỗ. Nếu EVN phát huy tốt hơn công suất các nhà máy, tổ máy chạy dầu như đã làm trong tháng 3 thì theo ông Phạm Mạnh Thắng, việc cắt điện sẽ giảm đi rất nhiều (tháng 4, chỉ phát 2,3 triệu kWh/ngày trong khi tháng 3 phát 18 triệu kWh/ngày). Nhưng vì nguồn điện chạy dầu giá thành cao (4.000 – 5.000 đồng/kWh) nên tập đoàn này đã lựa chọn cách giảm cung cấp điện để bớt lỗ cho ngành. Và có lẽ, một phần chính vì điều này, EVN không báo cáo cho cục ĐTĐL.
Nếu EVN phát huy tốt hơn công suất các nhà máy, tổ máy chạy dầu như đã làm trong tháng 3, việc cắt điện sẽ giảm đi rất nhiều Cục trưởng cục Điều tiết điện lực |
Việc không hoặc chậm nộp thông tin, báo cáo cho cơ quan quản lý cấp trên là hiện tượng đang xảy ra phổ biến ở một số ngành hiện nay. Nhưng trong quan hệ giữa EVN và cục ĐTĐL, còn có một câu chuyện khác. Lâu nay, EVN là một doanh nghiệp có vị thế độc quyền gần như toàn bộ, từ khâu lập quy hoạch đến khâu phân phối, truyền tải điện… Nhưng trong những năm gần đây, với sự xuất hiện nhiều hơn các nhà đầu tư vào nguồn điện: tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Than – khoáng sản, tổng công ty Sông Đà, các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước… EVN không còn độc quyền hoàn toàn trong sản xuất điện. Nhưng là doanh nghiệp nắm giữ toàn bộ hệ thống phân phối, truyền tải, điều độ hệ thống điện, sự độc quyền của EVN (trong khi nguồn lực của tập đoàn này còn hạn chế) vẫn tạo ra những rào cản rất lớn cho việc tham gia thị trường cung ứng điện từ của nhà đầu tư khác. Do đó, việc ra đời cục ĐTĐL, thuộc bộ Công thương là nhằm hạn chế bớt vai trò độc quyền đó. Một số việc trước đây do EVN thực hiện, nay được tách ra, giao cho cục ĐTĐL như: điều tiết hoạt động điện lực để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định; xây dựng, trình Chính phủ giá, biểu giá bán lẻ điện; quy định điều kiện, thủ tục, quản lý giấy phép hoạt động điện lực, ban hành các loại giá, phí về khung phát điện, bán buôn điện, giá truyền tải, phân phối điện… Đây là hướng đi đúng để xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
Cục ĐTĐL bước đầu đã thực hiện tốt các vai trò trên. Năm 2009, cục này còn trình Chính phủ đề án “tái cơ cấu ngành điện” trong đó chia tách các doanh nghiệp sản xuất, tách hệ thống điều độ điện quốc gia… khỏi EVN. EVN vào thời điểm đó đã phản ứng rất dữ dội với các lý lẽ như: đề án đó sẽ làm suy yếu EVN, các công ty bị chia tách chưa đủ uy tín vay vốn, không có bộ máy chỉ đạo mạnh… sẽ không đảm bảo tiến độ đầu tư… Đáng tiếc là đến nay, đề án trên chưa được phê duyệt trong khi EVN lại đã dần củng cố thêm vị thế độc quyền với việc thành lập hàng loạt tổng công ty trực thuộc, chuyên về sản xuất, truyền tải, phân phối điện...
Nhìn lại cả quá trình như vậy, người ta không thể không đặt ra câu hỏi: phải chăng EVN thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo như quy định là nhằm che giấu khuyết điểm trong việc tổ chức huy động, cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt để tiếp tục duy trì độc quyền của mình? Từ đó mới thấy, việc không đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu EVN, để cho tập đoàn này tiếp tục bám giữ vai trò độc quyền trong tất cả các khâu: phân phối, truyền tải, cung ứng điện… sẽ còn gây ra nhiều hệ quả.
(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com