Tại cuộc hội thảo "Thách thức mới, thành công mới" do Ngân hàng TMCP quốc tế (VIB) tổ chức mới đây ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia đều nhận định, cuộc khủng hoảng của các nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam đã "chạm đáy", nhưng không có nghĩa là kinh tế sẽ thẳng tiến phục hồi,mà tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trước khi đạt mức tăng trưởng 7%.
Theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự báo quý I-2010 mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ "giảm tốc" trước khi bật mạnh trở lại để đạt mức tăng trưởng 7% trong 2-3 năm tới. Tại những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và các nước thành viên EU, tín hiệu phục hồi kinh tế trong năm 2010 vẫn yếu, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta. Cùng quan điểm này TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tâm lý hoảng sợ đầu tư và thận trọng trong tiêu dùng sau khủng hoảng vẫn đang tồn tại. Điều này được phản ánh trong việc giá vàng tăng đột biến ở thị trường thế giới, trong nước khi có quá nhiều người coi vàng là kênh "trú ẩn" an toàn và trốn chạy khỏi những kênh đầu tư khác. Do đó, thắt chặt tiêu dùng vẫn còn tiếp diễn trong một vài năm tới. Tại Việt Nam, có thể quý I-2010 nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại một chút trước khi tăng trưởng đều trở lại ở mức 7%/năm, vì hàng tồn kho của năm 2009 còn lớn. Khi hàng tồn kho được tiêu thụ hết thì các doanh nghiệp (DN) mới tính chuyện đầu tư trở lại.
Năm 2010, lãi suất và tỷ giá sẽ là 2 yếu tố khá nhạy cảm cho việc điều hành của các DN. Thực tế của những biến động về tỷ giá trong năm 2009 đã khiến nhiều DN "lao đao", vì không có quỹ dự phòng cho tỷ giá. Có những thời điểm, mức độ dao động của tỷ giá lớn, đẩy nhiều DN đến chỗ thua lỗ, vì khi ký hợp đồng, tỷ giá ở mức thấp, nhưng khi DN nhập nguyên liệu để thực hiện hợp đồng thì tỷ giá lên cao. Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay sau gói hỗ trợ sẽ tăng dần từ 6%/năm, lên 8%/năm và sức ép tăng lãi suất sẽ càng lớn hơn nếu Chính phủ chỉ duy trì hỗ trợ lãi suất đến hết quý I-2010. Sau khi chương trình hỗ trợ kết thúc, mức lãi suất cho vay có thể đạt hơn 10%/năm, do vậy DN cần chuẩn bị phương án để ứng phó. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn do các yếu tố về nợ xấu, tồn kho... Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của DN vẫn là thiếu vốn, nhất là vốn trung và dài hạn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước thống kê có tới 90% DN vừa và nhỏ đã tiếp cận được vốn vay từ gói hỗ trợ lãi suất, nhưng thực tế chỉ có khoảng 50% DN tiếp cận được số vốn này.
Để giải quyết những khó khăn về vốn và tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, DN cần nỗ lực cùng ngân hàng chia sẻ thực trạng của mình để có phương án khắc phục, hỗ trợ… Hiện nay, các DN vừa và nhỏ vẫn còn lúng túng, nhiều DN không muốn "dãi bày" khó khăn với ngân hàng. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách bảo lãnh cho DN, nhưng với số lượng ít và điều kiện cho vay ngặt nghèo, nên DN vẫn khó tiếp cận vốn...
(Theo ĐỨC ANH // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com