Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tính riêng lượng than cần nhập khẩu để phục vụ 13 dự án nhiệt điện thuộc tổng sơ đồ VI lên tới 30 triệu tấn/năm trong khi việc nhập khẩu than đang rất bí.
Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Quảng Ninh - Ảnh: Thành Duy |
Nhập khẩu lớn cho mục tiêu phát điện
Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, từ 2010 đến 2015, Việt Nam sẽ có thêm trên 30.000 MW, trong đó nhiệt điện chạy than chiếm 26.000 MW. Để có được lượng điện này cần một lượng than khổng lồ và nguồn than trong nước không đáp ứng được.
Hiện Chính phủ đã giao Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) đi tìm nguồn than nhập để phục vụ cho các nhà máy trên, nhưng mấy năm rồi TKV vẫn chưa tìm ra. Hiện mới chỉ ký hợp đồng với Indonesia nhập được vài vạn tấn/năm.
Khai thác bể than sông Hồng: Mất 2,5 tỷ USD để thăm dò Theo TGĐ TKV Trần Xuân Hòa, việc có đẩy nhanh tiến độ khai thác bể than sông Hồng được hay không còn phụ thuộc vào vốn. Riêng chi phí cho thăm dò để đánh giá toàn bộ trữ lượng bể than sông Hồng lên tới 2,5 tỷ USD. TKV chỉ xin thăm dò một hay hai mỏ cụ thể. Có nhiều đối tác đặt vấn đề cùng thăm dò, thử nghiệm khai thác than ở bể than sông Hồng. “Chúng tôi đang làm với đối tác Úc và Nhật Bản để thử nghiệm khai thác ở hai điểm với kinh phí ban đầu 10 triệu USD/mỏ. Chúng tôi đang cố gắng để đến 2010 được cấp phép thử nghiệm thăm dò thì đến 2015 mới có mỏ đưa vào khai thác” - ông Hòa cho biết |
Việc tìm nguồn cung cấp than để đảm bảo hoạt động của các nhà máy nhiệt điện thuộc tổng sơ đồ VI được các chuyên gia đánh giá là rất nóng, nếu không muốn nói là việc cần làm cấp kỳ.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, từ sau 2012 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với số lượng rất lớn. Cho dù ngành than có phát triển nhanh trong 10 năm tới và cố gắng tăng gấp đôi sản lượng khai thác thì vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu về năng lượng.
Trong các dự báo mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho thấy, sau năm 2012 Việt Nam sẽ phải nhập ít nhất là trên năm triệu tấn than. Còn nếu tính theo tổng sơ đồ điện VI thì lượng than cần nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện ít nhất là trên 20 triệu tấn.
Theo TS Nguyễn Tiến Chỉnh, Ban Khoa học Công nghệ và Chiến lược Phát triển TKV, quy hoạch phát triển ngành than đến 2015, có xét triển vọng đến 2025, cân đối cung cấp than cám cho sản xuất điện sẽ bị thiếu hụt chủ yếu ở các nhà máy nhiệt điện phía Nam.
Dự báo riêng khu vực này bị thiếu tới 28 triệu tấn vào năm 2015 và thiếu 66 triệu tấn vào 2020. Đến năm 2025 số thiếu hụt lên tới 126 triệu tấn.
Theo đánh giá của TS Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng, than dành cho sản xuất điện trong khu vực hiện đã được phân chia cho các nước nhập khẩu truyền thống, trong khi Việt Nam mới gia nhập thị trường nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Việc nhập khẩu than với số lượng lớn sẽ là không khả thi. “Muốn có khả năng nhập khẩu than ổn định, lâu dài, Việt Nam cần phải mua mỏ (mua quyền khai thác mỏ) hoặc có cổ phần sở hữu mỏ than ở nước ngoài.
Đây là hình thức đầu tư mới đối với ngành than - khoáng sản nhưng cơ sở pháp lý và các văn bản hướng dẫn thực thi Luật đầu tư nước ngoài còn thiếu, chưa có cơ sở triển khai và cần sớm được giải quyết” - Đại diện Viện Năng lượng đánh giá.
Lãng phí than chất lượng cao để sản xuất điện
Thống kê cho thấy tổng trữ lượng và tài nguyên than đã xác minh, dự báo trên toàn quốc khoảng 225 tỷ tấn. Trong đó trữ lượng than antraxit của bể than Đông Bắc là 10,1 tỷ tấn. Trữ lượng than Á -bitum của bể than sông Hồng được dự báo khoảng 210 tỷ tấn. |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Xuân Hòa - Tổng Giám đốc TKV thừa nhận với nhu cầu nhập khẩu tới 100 triệu tấn than trong 15 năm tới thì việc đáp ứng của ngành than đối với phát triển của nền kinh tế quốc dân phải nói là khó.
Theo ông Hòa các nước đang nhập loại than antraxit của bể than Quảng Ninh để phục vụ cho công nghiệp luyện kim và hóa chất, trong khi nước ta đang dùng để phục vụ sản xuất điện.
“Hiện thế giới cũng đã có khuyến cáo các nhà sản xuất không nên dùng than antraxit để đốt điện. Một tấn than antraxit dùng cho luyện kim và hóa chất cho hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần so với than dùng cho các nhà máy nhiệt điện. Đây là sự lãng phí” - Ông Hòa nói.
Hiện chúng ta cũng đã đặt vấn đề, đã thương thảo với các đối tác khác về việc trao đổi than, đầu tư mua mỏ. Tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào Chính phủ.
(Theo Phạm Tuyên // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com