Những tràng vỗ tay vang dội nổi lên tán thưởng trưởng ban pháp chế phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, luật sư Trần Hữu Huỳnh, khi ông kết thúc những câu hỏi liên quan đến chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang chậm lại. Ông Huỳnh hỏi: “Số vốn trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay còn lại là bao nhiêu sau 17 năm cổ phần hoá? Các nút thắt tăng trưởng mà Việt Nam đang đối mặt liên quan gì đến khu vực kinh tế này?” Đây rõ ràng là những câu hỏi khó cho không chỉ những người chủ trì hội thảo mang tên “Tái cấu trúc và phát triển doanh nghiệp nhà nước” tổ chức hôm qua tại Hà Nội.
Trên diễn đàn chính thức, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Tài của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), một trong những chuyên gia hàng đầu về cải cách DNNN có vẻ do dự: “Còn lại bao nhiêu ư? Tôi không thể nói cụ thể, nhưng về cơ bản là rất nhiều”. Con số “còn lại” này, ông Tài nói với Sài Gòn Tiếp Thị sau đó, lên tới khoảng 88% tổng số vốn nhà nước. “Có nghĩa là sau 17 năm thực hiện chương trình cổ phần hoá, chúng ta mới xử lý khoảng 12% số vốn nhà nước trong các DNNN mà thôi. Nhưng mà muốn số chính xác, thì cần hỏi thêm SCIC”. Trước đó, một đại biểu quốc hội cho biết mới chỉ cổ phần hoá được khoảng 15% tổng số vốn nhà nước trong các DNNN tính đến tháng 12 năm ngoái.
Cho dù con số là chưa chính xác, nhưng quy mô ước lượng của nó cũng cho thấy sự bế tắc trong chương trình cổ phần hoá các DNNN hiện nay, cho dù xét về số lượng, bức tranh tái cơ cấu DNNN là rất đẹp, giảm từ 5.600 năm 1998 xuống còn 1.700 năm 2008 và khoảng 1.500 đến thời điểm này của 2009, theo CIEM. “Trong số này toàn là những ông to đại tướng, những ông đặc thù nên rất khó làm”, trưởng ban nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp thuộc CIEM, tiến sĩ Trần Tiến Cường bình luận.
Đây chính là điều đáng nói trong bối cảnh luật DNNN sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày 1.7.2010 tới. Có nghĩa là, ông Cường nói, toàn bộ 1.500 “ông lớn” sẽ phải “chuyển đổi hết” thành công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần từ nay đến lúc đó để hoạt động một cách bình đẳng về hình thức pháp lý và tổ chức doanh nghiệp như các thành phần kinh tế khác. Nhưng đây có vẻ là nhiệm vụ bất khả thi. Ông Cường nói: “Chín tháng còn lại là thời gian quá ngắn để chuyển đổi. Như vậy, không loại trừ phương án bất khả kháng là phải kéo dài hiệu lực của luật DNNN sau 1.7 tới. Khi đó, Chính phủ phải trình Quốc hội ra nghị quyết về việc này”.
Theo đánh giá của CIEM, các DNNN hiện nay đều có quy mô vừa và lớn tập trung trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh, nông, lâm trường quản lý rừng phòng hộ hoặc đặc dụng, các lĩnh vực đảm bảo cân đối vĩ mô, cung ứng các sản phẩm dịch vụ công cộng. Quy mô vốn của các doanh nghiệp này đã tăng khoảng năm lần so với năm 2002. Bất chấp những điều kiện ưu đãi, các hệ số ICOR, doanh thu thuần, khả năng tạo việc làm của khu vực kinh tế này đều thấp hơn nhiều lần so với khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Ví dụ, doanh nghiệp nhà nước phải đầu tư tới hơn 708 triệu đồng để tạo ra một việc làm, so với 463 triệu đồng của doanh nghiệp tư nhân và 505 triệu đồng của doanh nghiệp FDI.
Rất nhiều trong số các DNNN này đang được hưởng ưu đãi tài chính, mà vì thế có nguy cơ mang lại rủi ro lớn. Một báo cáo được phổ biến tại hội thảo trích dẫn số liệu của trung tâm Thông tin tín dụng của ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 6.2009, có bốn tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước nợ vốn vay vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, một tỷ lệ lớn đến mức có thể mang lại rủi ro. Báo cáo này cho rằng, tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tỷ lệ nợ là 15,33% so với vốn tự có của một ngân hàng thương mại nhà nước. Tương tự, tập đoàn Bưu chính viễn thông có tỷ lệ nợ là 18,90% tại một ngân hàng thương mại nhà nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nợ với tỷ lệ 71,97% và 22,49% tại hai ngân hàng thương mại nhà nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ với tỷ lệ là 22,77%, 22,49% và 71,97% tại ba ngân hàng thương mại nhà nước. Báo cáo cho biết, các khoản cho vay này hầu hết là theo chỉ định của Chính phủ cho các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, cho vay đồng tài trợ…
Trong buổi hội thảo hôm qua, luật sư Huỳnh đã cố tình hỏi lại, khu vực kinh tế nhà nước có vai trò gì trong suy giảm kinh tế ở Việt Nam, vốn bắt đầu từ cuối năm 2007, tức là trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra. Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đáp: “Nền kinh tế này đã và đang không phân bố nguồn lực tốt, khi nguồn lực tập trung vào các DNNN. Câu chuyện này đặt ra thật gay gắt cho Việt Nam hiện nay”.
( Theo Tư Giang // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com