Hoàn thiện cơ sở hạ tầng là một trong ba khâu đột phá đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI. Bộ GTVT vừa tổ chức Hội nghị nhằm tạo bước đột phá về “chất” cho các công trình giao thông ngay trong năm 2011, mở đầu cho kế hoạch 5 năm (2011-2015).
Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng công trình giao thông cần tiếp cận trình độ quốc tế và phù hợp với Việt Nam. - Ảnh minh họa |
Trong những năm qua, nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tăng cao. Năm 2010, toàn ngành giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng mới và cải tạo khoảng 1.000km đường bộ, trên 8.700m cầu, các công trình nhà ga sân đỗ, đưa vào sử dụng trên 30 dự án với khối lượng thực hiện khoảng 39.000 tỷ đồng.
Các công trình xây dựng đưa vào sử dụng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội.
Đánh giá về chất lượng các công trình, báo cáo mới đây của Bộ GTVT cho rằng nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu, song vẫn còn những dự án vừa mới đưa vào sử dụng hoặc ngay trong quá trình xây dựng đã xuất hiện những hư hỏng tại một số hạng mục hoặc bộ phận, gây bức xúc trong xã hội.
Về nguyên nhân của tình trạng này, theo Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Quốc Việt, ngoài sự phát triển nhanh về lưu lượng vận tải, có thể kể đến công tác khảo sát thiết kế còn nhiều hạn chế, việc tuyển chọn tư vấn còn nặng hình thức, kém tính cạnh tranh, sự tuân thủ trong quá trình thi công và năng lực của nhà thầu chưa đảm bảo, bộ máy kiểm soát chất lượng và chi phí cho việc đảm bảo chất lượng chưa được quan tâm đúng mức...
Tại Hội nghị về tăng cường chất lượng công trình giao thông năm 2011 được Bộ GTVT tổ chức hôm nay (15/2), nhiều kiến nghị đã được đưa ra nhằm tạo bước đột phá, chuyển mạnh về “chất” hơn nữa cho các công trình ngay trong năm 2011, mở đầu cho kế hoạch 5 năm (2011-2015).
Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn
Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ GTVT cho rằng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng công trình giao thông tiếp cận với trình độ quốc tế, lựa chọn các tiêu chuẩn phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu thuỷ văn và trình độ kỹ thuật thi công của Việt Nam.
Hiện nay mặc dù tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ thiết kế, xây dựng các công trình giao thông tuy đã được Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, bổ sung, hiện đại hoá phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên do nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nên có một số điểm chưa phù hợp. Đơn cử như tiêu chuẩn quy định về tần suất thuỷ văn theo phân cấp công trình cầu, khi áp dụng có nơi chưa hoàn toàn phù hợp thực tế, gây khó khăn cho việc tính toán thiết kế cầu.
Hoặc công nghệ thi công móng đường sử dụng cấp phối đá dăm, tuy có ưu điểm về sử dụng thiết bị cơ giới, thi công nhanh, chất lượng đồng đều nhưng khi áp dụng vào các đoạn đường địa hình phức tạp, có độ dốc cao lại kém phù hợp như công nghệ truyền thống .
Vì vậy, đại diện một số tổng công ty xây lắp ngành giao thôngcho rằng, cần phải đặc biệt chú trọng tính đồng bộ, liên thông của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật.
Giải quyết vốn cho hoạt động bảo trì
Liên quan tới vấn đề tài chính, một số ý kiến cho rằng cần phải nâng cao năng lực tài chính của các Tổng công ty xây lắp ngành giao thông. Hiện các tổng công ty xây lắp của ngành có đặc điểm chung là vốn điều lệ thấp trong khi hệ số nợ quá lớn do gánh chịu hậu quả của thời gian trước để lại.
Vì vậy, cần tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là công tác quản lý các đội thi công, đồng thời tập trung đầu tư bổ sung có hiệu quả thiết bị thi công ở cấp tổng công ty để nâng cao năng lực thi công các dự án có quy mô lớn.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Khuất Minh Tuấn, hiện vốn cho công tác bảo trì đường bộ do ngân sách Nhà nước cấp chỉ đáp ứng 50% so với nhu cầu thực tế, trong khi cùng với sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng, các công trình giao thông được đầu tư ngày một nhiều hơn, vốn cho quản lý bảo trì cũng cần phải tăng theo.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, hiện Bộ GTVT đang trình Chính phủ dự thảo Quỹ Bảo trì đường bộ với mục tiêu xã hội hoá nguồn vốn cho hoạt động bảo trì. Nếu dự thảo này được thông qua, sẽ đáp ứng được 70-80% nhu cầu nguồn vốn.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, năm 2011, mặc dù thách thức về nguồn vốn cho các dự án rất lớn, nhưng đây là năm mở đầu của kế hoạch 5 năm (2011-2015), toàn ngành sẽ tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm tốt nhất chất lượng các dự án.
(Theo Linh Đan // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com