Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cây chè ngoại trên đất nam Tây Nguyên

Có lẽ do thời tiết khí hầu, đất đai thổ nhưỡng khá phù hợp nên cây chè có mặt trên vùng đất nam Tây Nguyên từ rất sớm. Ban đầu cây chè được người Pháp mang đến trồng tại Cầu Đất (Đà Lạt) vào năm 1927, sau khi quốc lộ 20 từ Đà Lạt đi Sài Gòn được xây dựng hoàn thành, cây chè đã di thực về Cao nguyên Di Linh và bám rễ ở phố núi B’Lao vào thập niên 30 của thế kỷ trước. Tuy ngành chè Lâm Đồng đã có hơn 80 hình thành và phát triển, nhưng phải tới năm 1992, một số doanh nhân người nước ngoài mới đem đến cho ngành chè Lâm Đồng một cuộc “cách mạng” mới, với các giống chè chất lượng cao như: Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Tứ Quý, Olong trắng… Nghề làm trà ở Lâm Đồng từ đây đã có dịp thăng hoa, hương trà ngày càng tỏa hương thơm ngát.

Trải qua hơn 2/3 thế kỷ bám rễ trên đất Lâm Đồng, đến nay diện tích chè đã không ngừng phát triển mạnh theo thời gian, nhất là các giống chè ngoại nhập cho năng suất, chất lượng cao. Thuở sơ khai cây chè chủ yếu được trồng tập trung ở những đồn điền của người Pháp, nơi có những Sở trà như Cầu Đất, Bítxinê, Sơven… Rồi theo quá trình hình thành và phát triển, cây chè đã có mặt ở các nông trại, đến các nương chè, vườn chè của các hộ nông dân tại một số địa phương như: Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đà Lạt... Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm S - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, sau giải phóng (1975), Lâm Đồng tiếp quản khoảng 8.000 ha chè, chủ yếu là giống chè hạt (giống chè trung du lá lớn, lá nhỏ và chè lai tạp tự nhiên) cho năng suất thấp, bình quân đạt khoảng 4,5 tấn/ha. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thời gian qua ngành nông nghiệp đã vận động bà con, các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi diện tích chè già cỗi sang trồng trà cành giống mới cho năng suất chất lượng cao. Theo đó, đến năm 2008, toàn tỉnh đã phát triển được 26,5 ngàn ha chè, năng suất bình quân đạt khoảng 7,5 tấn/ha, sản lượng đạt gần 190 ngàn tấn búp tươi, tương đương với 36 ngàn tấn thành phẩm. Hiện tại, diện tích chè hạt giống cũ còn khoảng 66% tổng diện tích; chè cành cao sản, chè cành chất lượng cao chiếm 34% tổng diện tích (trong đó giống chè cành cao sản chiếm 28%, chè cành chất lượng cao chiếm tỷ lệ 6%). 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết các giống chè ngoại gồm Kim Tuyên, Tứ Quý, Ngọc Thúy… được du nhập vào Lâm Đồng từ năm 1992, do Công ty Trà Kinh Lộ mang đến trồng thử nghiệm trên vùng chè Di Linh. Ưu điểm của giống chè ngoại này là cho năng suất cao, bình quân từ 12-16 tấn/ha, doanh thu sản xuất chè búp tươi chất lượng cao gấp 3-4 lần so với chè cành và cao gấp 10 lần so với sản xuất chè hạt giống cũ. Đây là những giống chè nhập nội có triển vọng phát triển mạnh ở Lâm Đồng, đồng thời là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất chế biến chè Olong, đẩy mạnh xuất khẩu vào một số thị trường khó tính như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản… Sau khi thấy đất đai, khí hậu của Lâm Đồng phù hợp với các giống chè này, thời gian qua một số danh trà trong tỉnh cũng đã tiếp cận và học hỏi về quy trình sản xuất chè cao cấp của các danh trà Đài Loan để đầu tư một quy trình sản xuất chế biến khép kín. Ông Võ Quang Vị - Phó Giám đốc Công ty THNN Tâm Châu cho hay: “Ở Lâm Đồng thì khí hậu và thổ nhưỡng là hai yếu tố quan trọng để cho cây chè phát huy tối ưu về năng suất và chất lượng. Vì thế, thời gian qua chúng tôi đã đầu trồng ở hai nông trường khoảng 100 ha chè chất lượng cao để sản xuất trà Olong. Và để sản phẩm trà Olong của công ty có hương vị đặc trưng của nó, chúng tôi đã xây dựng một quy trình sản xuất khép kín từ khâu trồng nguyên liệu đến khâu chế biến. Đặc biệt, trong nông nghiệp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè được áp dụng theo một quy trình công nghệ nghiêm ngặt, vườn chè được áp dụng đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến thu hái, bảo quản, chế biến. Việc đưa vào trồng và chế biết các giống chè ngoại đã tạo cho công ty có những sản phẩm trà an toàn, chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng sản phẩm”.

Cùng với các giống chè chất lượng cao ngoại nhập, Lâm Đồng còn có giống chè cành cao sản - chè Shan TB14 cũng được phát triển khá mạnh vào những năm gần đây. Đây là giống chè được người Pháp bình tuyển tại B’Lao vào năm 1952 nhưng chưa nghiên cứu thành công. Và đến năm 1998, giống chè này đã được Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm chè Lâm Đồng nghiên cứu phục tráng thành công để nhân rộng. Hiện nay, giống TB14 được xem là giống chủ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu giống chè tại các huyện phía nam, với năng suất bình quân đạt từ 20-22 tấn/ha, phù hợp với chế biến chè hương nội tiêu và chè đen. Ngoài ra, giống chè Shan chọn lọc - LĐ97 cũng nghiên cứu thành công vào năm 1997, cũng được xem là giống chè có triển vọng. Bởi giống chè này có năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt búp chè có nhiều lông mao trắng, mịn nên giá bán nguyên liệu cao hơn rất nhiều so với các giống địa phương khác ở cùng một thời điểm.

Có thể nói, trong xu thế hiện nay, người tiêu dùng trong và ngoài nước đang hướng tới những sản phẩm an toàn, chất lượng. Trà là thức uống hàng ngày của con người cho nên vấn đề đảm bảo sức khỏe cần phải đặt lên hàng đầu. Trải qua nhiều năm có mặt tại Lâm Đồng, cây chè ngoại đã từng bước khẳng định được vai trò vị thế của mình trên vùng đất mới.

(Theo báo Lâm Đồng )

  • Cây chè gắn kết đời sống xã hội và sự phát triển của Bảo Lộc
  • Thực trạng và hướng phát triển vùng nguyên liệu chè Lâm Đồng
  • Ký ức trà trên độ cao 1.600m
  • Blao - “Thủ đô” cây chè
  • HaiYih với những “thương hiệu Vàng”
  • Thương hiệu “Cheviet” nhìn từ B’Lao
  • Trăn trở cùng cây chè
  • Trong dòng chảy chè Việt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com