![]() |
Thu hoạch lúa ở Sóc Trăng. |
Sóc Trăng là tỉnh ven biển ở hạ lưu sông Mê Công, có hơn 72 km bờ biển, nên phần lớn diện tích đất bị nhiễm phèn mặn, và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Ðược sự giúp đỡ của Trung ương, Sóc Trăng tập trung đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, tạo nguồn tưới tiêu cho hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân.
Ðột phá khâu thủy lợi
Năm 1992, ngay sau khi tái lập tỉnh, Sóc Trăng quyết định đột phá tìm hướng đi lên. Trước hết là làm hệ thống thủy lợi. Sau trận triều cường tháng 9 năm 1992, các huyện ven biển của tỉnh bị thiệt hại nặng do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, nhất là về phương tiện kỹ thuật, vốn... tỉnh đã huy động lực lượng lớn dân công đào đắp 500 km đê sông, đê biển, xẻ kênh, khoanh vùng, làm thủy lợi nội đồng. Nhờ cách làm này, đồng ruộng Sóc Trăng từng bước được ngăn mặn, giữ ngọt, xổ phèn chống úng. Ðể đạt mục tiêu đưa ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, những năm qua, Trung ương và tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi trên địa bàn vừa bảo đảm tưới tiêu, chống lũ lụt gây ngập úng cho đồng ruộng, vừa nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2005 - 2009, nguồn vốn đầu tư cho thủy lợi lên gần 720 tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình vốn đầu tư lớn như: Dự án Cù lao sông Hậu, Long Phú - Tiếp Nhựt, Ba Rinh - Tà Liêm, Quản Lộ - Phụng Hiệp... Hiện toàn tỉnh xây dựng được 1.029 cống ngăn mặn, 1.131 km kênh cấp I, 4.699 km kênh cấp II, 507 km đê bao ngăn mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, các công trình thủy lợi không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhằm đáp ứng yêu cầu về tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, chống lũ, bảo vệ an toàn hệ thống đê và cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn. Các dự án thủy lợi trọng điểm được quy hoạch đúng hướng, phù hợp chuyển dịch cơ cấu sản xuất bền vững và mang tính đột phá đã khơi dậy các tiềm năng kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp
Nhờ phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, đến nay toàn tỉnh đã ngăn mặn được gần 270 nghìn ha đất nông nghiệp; tạo nguồn tưới tiêu cho 410 nghìn ha diện tích canh tác nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa 322 nghìn ha, màu và cây công nghiệp ngắn ngày 54 nghìn ha, cây ăn quả hơn 30 nghìn ha. Ngoài ra, còn cải tạo chua phèn, tăng vụ sản xuất từ một vụ lên hai, ba vụ lúa/năm với 30 nghìn ha ở các vùng trũng các huyện Mỹ Tú, Ngã Năm, Thạnh Trị; tạo nguồn nước và cải tạo môi trường phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn cho hơn 68 nghìn ha ở các huyện Long Phú, Trần Ðề, Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên. Mặt khác, nhờ chủ động nguồn nước tưới tiêu mà phần lớn đồng ruộng Sóc Trăng phát triển tốt, cho năng suất cao, bình quân 5,4 tấn lúa/ha/vụ. Nhiều mô hình sản xuất mới ở các huyện Mỹ Xuyên, Kế Sách đem lại hiệu quả kinh tế cao như: hai lúa - một màu, hai lúa - một thủy sản, ba lúa kết hợp với nuôi cá trên ruộng; một lúa chuyển sang nuôi thủy sản, đất vườn tạp được cải tạo trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Hàng chục nghìn ha đất hoang thuộc khu vực cánh đồng Năn, Trung Bình, Lịch Hội Thượng, Liêu Tú đã được phục hóa đưa vào sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm sú. Ðến nay, giá trị sản xuất đất nông nghiệp của tỉnh bình quân đạt khoảng 75 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2005 đến 2009, tổng sản lượng lúa của Sóc Trăng luôn đạt ở mức 1,6 đến 1,7 tấn/năm. Riêng năm 2010, chỉ tính sản lượng lúa vụ đông xuân và hè thu sớm đã đạt gần 1,3 triệu tấn, dự báo nhiều khả năng sản lượng lúa cả năm sẽ đạt 1,9 triệu tấn (vượt kế hoạch gần 200 nghìn tấn). Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, đến nay 46.704 ha tôm sú được thả nuôi trong toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 6.000 ha, đạt lợi nhuận khá cao. Hiện nay, người nuôi tôm rất phấn khởi vì tiêu thụ được tôm nguyên liệu, nếu không có sự đột biến mạnh về giá tôm lúc thu hoạch rộ, hiệu quả vụ nuôi sẽ rất cao.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Lương Minh Quyết cho biết: Trước đây, vùng nước lợ Mỹ Xuyên mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa mùa, năng suất thấp, cho nên đời sống nông dân gặp khó khăn. Những năm qua, được sự đầu tư của các chương trình, dự án thủy lợi, Thạnh Mỹ đã phá thế độc canh cây lúa. Vật nuôi được lựa chọn là tôm sú, bằng mô hình một vụ lúa - một vụ tôm. Từ diện tích vài trăm ha đến nay cây lúa đã được nông dân nuôi tôm trồng lấp vụ 11.170 ha. Với năng suất lúa cao sản ST bình quân 5 tấn/ha, giá bán luôn ở mức cao 5.000 đồng/kg. Việc trồng lúa lấp vụ sau một vụ nuôi tôm ở Mỹ Xuyên làm giảm đáng kể diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tại các xã Gia Hòa 1, Ngọc Ðông, Tham Ðôn, Hòa Tú 2... trước đây là vùng quê nghèo khó thì nay trở thành một trong những địa chỉ nuôi tôm kết hợp trồng lúa hiệu quả nhất của huyện.
Hệ thống thủy lợi ven Biển Ðông ở vùng giồng cát huyện Vĩnh Châu, ngoài việc bảo đảm nguồn nước tưới cho bốn nghìn ha hành tím, hằng năm mang lại giá trị bình quân 500 tỷ đồng (tương đương 20 nghìn ha trồng lúa), còn góp phần cải tạo môi trường, đưa nước mặn vào các ao nuôi trồng thủy sản. Nhờ thủy lợi mà các địa phương đã chuyển 25.400 ha trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú, với tổng sản lượng đạt bình quân 37 nghìn tấn/năm. Giá trị sản xuất thủy sản đạt 2.826 tỷ đồng, chiếm hơn 90% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp tỉnh. Không chỉ mở rộng về diện tích, nghề nuôi tôm ở Vĩnh Châu còn phát triển cả về quy mô, với 1.300 ha nuôi thâm canh, 13.408 ha nuôi bán thâm canh, năng suất nuôi hằng năm đều tăng và đạt mức trung bình 1,45 tấn/ha vào năm 2009. Nhiều doanh nghiệp, trang trại, mô hình liên kết tổ, nhóm và hợp tác xã được hình thành. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật được thực hiện thường xuyên, giúp người nuôi đạt năng suất, hiệu quả và phát triển nghề nuôi tôm một cách ổn định, bền vững. Chỉ với hai đối tượng chủ lực là cây hành tím và nuôi tôm sú đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Châu, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,29% (2005 - 2010).
Những hạn chế cần khắc phục
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng Dương Quốc Việt khẳng định: Kết quả đầu tư cho thủy lợi trong những năm qua đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế nông nghiệp và phòng, chống lụt, bão ở địa phương, nhất là phục vụ tốt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất thích ứng với cơ chế thị trường bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống thủy lợi trong tỉnh còn nhiều hạn chế, như chưa bảo đảm đủ nguồn nước tưới cho lúa, màu, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng khác. Ðến nay, hệ thống thủy lợi chỉ ở mức ngăn mặn, tạo nguồn tưới tiêu ở những vùng sản xuất trọng điểm. Trong khi nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp, không bảo đảm đủ nguồn nước cũng như chưa ổn định ngăn mặn, nhất là một số vùng phía nam dự án Kế Sách, Quản Lộ - Phụng Hiệp. Mặt khác, tình hình thời tiết mấy năm gần đây có những biến động thất thường làm ảnh hưởng đến các công trình tưới tiêu, các công trình phòng, chống lũ. Vụ hè thu năm nay, do hạn hán kéo dài, các hệ thống kênh mương lớn trên địa bàn gần như cạn kiệt nguồn nước, phải nạo vét, đào đắp thủy lợi nội đồng dẫn nước ngọt vào ruộng cứu lúa; vì thế làm tăng thêm chi phí sản xuất của nông dân. Khả năng phòng, chống thiên tai của hệ thống đê, bờ bao còn nhiều hạn chế, nhất là khu vực các huyện Cù Lao Dung, Vĩnh Châu, Long Phú và Kế Sách.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Hồ Quang Cua cho biết: Mục tiêu cơ bản đến năm 2015 là ổn định ngăn mặn cho 270 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 165 nghìn ha đất trồng lúa, tạo nguồn tưới tiêu ổn định cho 410 nghìn ha diện tích gieo trồng, chủ yếu là hai vụ lúa chính là hè thu và đông xuân. Cải tạo tốt vùng trũng, phèn để ổn định sản xuất hai vụ lúa gần 30 nghìn ha ở các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Ngã Năm. Phấn đấu đạt tổng sản lượng lúa từ 1,6 triệu tấn/năm trở lên. Bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản cho 68 nghìn ha, tập trung chủ yếu huyện Vĩnh Châu, Trần Ðề, Mỹ Xuyên. Góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao đời sống nhân dân. Ðồng thời, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê cửa sông, đê bao các cồn Cù lao sông Hậu dài 84 km (cồn Phong Nẫm, Mỹ Phước, An Tấn, An Công, Lý Quyên...), nhằm nâng cao năng lực phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, đối phó với tình hình diễn biến khí hậu thất thường và nước biển dâng.
Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Sóc Trăng đề ra một số giải pháp cụ thể: Trước hết, tiếp tục đầu tư cho thủy lợi, coi đây là biện pháp hàng đầu có ý nghĩa quyết định lâu dài trong sản xuất nông nghiệp và phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Nhanh chóng nâng cấp một số công trình đang xuống cấp, tiếp tục đầu tư ổn định ngọt hóa cho năm vùng dự án, gồm: Dự án Kế Sách, Long Phú - Tiếp Nhựt, Ba Rinh - Tà Liêm, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Cù lao sông Hậu. Ðầu tư xây mới các công trình thủy lợi, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước, cải tạo môi trường cho hai vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh: Dự án Ven Biển Ðông (Vĩnh Châu), Thạnh Mỹ (Mỹ Xuyên).
(Theo Đỗ Nam // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com