Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần thiết ban hành Luật phòng, chống mua bán người

Việc ban hành Luật phòng, chống mua bán người là cần thiết khi hiện nay tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến phức tạp.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng góp ý dự thảo Luật - Ảnh Chinhphu.vn

Ngày 23/8, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống mua bán người.

Giải quyết các bất cập, hạn chế hiện nay

Dự án Luật này do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo với sự tham gia của các cơ quan khác như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng còn diễn biến phức tạp, đa dạng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia.

Công tác quản lý nhà nước còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý nhân khẩu, hôn nhân... Việc tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán khi trở về còn nhiều lúng túng và bị động. Đến nay mới có 30% tổng số nạn nhân được hỗ trợ kinh phí tái hòa nhập cộng đồng.

Thêm vào đó, việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống buốn bán người còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu các hiệp định, thỏa thuận quốc tế, các kế hoạch, quy chế liên quốc gia trong phòng, chống mua bán người.

“Mặt khác, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người của nước ta còn phân tán và chủ yếu là văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa mang tính đồng bộ và toàn diện”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với quan điểm của Chính phủ về phạm vi điều chỉnh cũng như tương quan giữa nội dung phòng và chống trong dự án Luật. Tuy nhiên, việc quy định hai nội dung phòng và chống trong cùng một chương như dự thảo là chưa hợp lý.

Về quy định liên quan đến tố giác, tin báo tội phạm và việc xử lý tố giác và tin báo tội phạm mà dự luật nêu ra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, các nội dung này đã được quy định tại Điều 101 và 103 của Bộ Luật hình sự với thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầy đủ.

Do đó, việc quy định nội dung này tại Điều 12 và 15 của dự thảo Luật là không cần thiết và cũng không phù hợp với quy định tại Điều 2 của Bộ Luật hình sự là “Mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”.

Làm rõ các hành vi liên quan đến mua bán người

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, dự thảo cần quy định cụ thể các hành vi liên quan đến mua bán người tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, bảo đảm điều chỉnh toàn diện về phòng, chống mua bán người, kể cả việc đưa người đi lao động ở nước ngoài, môi giới kết hôn, cho nhận con nuôi...

Về nội dung liên quan đến giấy tờ, tài liệu xác định nạn nhân để hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, Ủy ban Tư pháp lưu ý Ban soạn thảo nếu chỉ căn cứ đến 6 loại giấy tờ như quy định thì việc hỗ trợ nạn nhân không kịp thời, mặt khác trên thực tế có nhiều nạn nhân không có đủ các giấy tờ như quy định.

“Chúng tôi đề nghị quy định một điều về tiêu chí xác định nạn nhân, đồng thời, bổ sung quy định về thẩm quyền cấp giấy xác nhận nạn nhân”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lưu ý vấn đề ngân sách xã hỗ trợ cho nạn nhân. Bởi ngân sách cấp xã hiện nay eo hẹp, hầu như không có gì liệu có cáng đáng được việc hỗ trợ nạn nhân hay không?

Theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quy định về biện pháp, chính sách hỗ trợ nạn nhân không khả thi về điều kiện kinh tế và tính chất làm việc của UBND cấp xã hiện nay.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trân trọng tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đặc biệt với các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm như tính khả thi các biện pháp hỗ trợ nạn nhân, cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý Nhà nước lĩnh vực này...

Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (2004-2009), cả nước đã xảy ra 1.586 vụ, 2.888 đối tượng, lừa bán 4008 nạn nhân.

“Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại các quy định hiện hành và ngân sách để bảo đảm việc thực hiện được tốt nhất”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận, dự thảo Luật được xây dựng từ tình hình thực tế về mua bán người ở nước ta đang có xu hướng gia tăng và phức tạp hiện nay. Vì thế, xác định phạm vi điều chỉnh của Luật, mối tương quan giữa công tác phòng và chống cần làm hài hòa, nhưng lấy phòng là chính để phát hiện sớm, ngăn chặn từ đầu.

“Ban soạn thảo cần lưu ý không để những quy định của Luật khi ban hành lại “vênh” với những quy định pháp luật khác như Bộ Luật hình sự”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu khuyến nghị.

Theo dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

(Theo Lê Sơn // Tin Chính phủ)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi