Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hoạt động Quốc hội năm 2009: Dư âm đang lan tỏa

Kỳ họp thứ 6 , Quốc hội khóa XII. - tinkinhte.com
Kỳ họp thứ 6 , Quốc hội khóa XII. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).
Nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam một cuộc trao đổi cởi mở.

Bên ấm trà xanh, trong căn phòng ấm cúng, câu chuyện xoay quanh những công việc mà Quốc hội đã làm trong năm qua và những định hướng cần tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch nói, có thể nhận thấy dư âm từ các kỳ họp gần đây của Quốc hội đang lan tỏa và cử tri ngày càng tin tưởng, trông đợi nhiều vào Quốc hội.

Đồng tình vì có tác dụng

Luôn coi trọng công tác tiếp xúc cử tri, coi đây là kênh kết nối trực tiếp giữa Quốc hội với dân, Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần bày tỏ cử tri không chỉ bầu ra Đại biểu Quốc hội mà còn phản ánh tình hình thực tiễn cuộc sống cho đại biểu Quốc hội, giúp đại biểu Quốc hội có thông tin để thảo luận, bàn bạc hoặc phản ánh với cơ quan có trách nhiệm để giải quyết...

Ông chia sẻ, gần đây cử tri đã hiểu và thông cảm hơn với công việc của Quốc hội.

Trước đây, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con thường chỉ nêu những vấn đề hết sức cụ thể của địa phương, từ chuyện thiếu cái bóng điện, sửa một con đường... Có những cử tri rất bức xúc, đến gặp đại biểu Quốc hội chỉ cốt đưa đơn, thư. Rồi tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”, “đại cử tri”, phần đông là những gương mặt quen thuộc, cứ lặp đi lặp lại.

Nhưng những kỳ gần đây, thành phần cử tri tham dự đông đảo, đa diện hơn, nhiều bà con không được mời, ở đơn vị bầu cử khác vẫn đến dự.

Các ý kiến đóng góp với Quốc hội tập trung vào những vấn đề vĩ mô, đại sự quốc gia như giáo dục, mở trường đại học, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển các vùng, ngành kinh tế, bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả nước biển dâng... rất thẳng thắn, tâm huyết, trí tuệ.

"Thành công của các kỳ họp Quốc hội có phần đóng góp ý kiến của cử tri," ông nói.

Chủ tịch Quốc hội luôn mong muốn công tác tiếp xúc cử tri phải được đổi mới theo hướng ngày càng thực chất hơn; đồng thời cử tri cũng phải hiểu đúng tính chất tiếp xúc cử tri của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, để nâng cao trách nhiệm và trình độ của mình.

Điểm nổi bật trong năm qua là công tác giám sát, trong đó hoạt động chất vấn có hiệu quả, tác dụng rõ rệt. Bây giờ sau chất vấn đã ra được nghị quyết và nghị quyết không còn chung chung, mà nói thẳng vấn đề cần giải quyết, kỳ sau phải báo cáo trước Quốc hội.

Những điều đưa lên bàn nghị sự để chất vấn đều là những vấn đề nóng hổi, bức xúc như chuyện phân phối quà Tết, hỗ trợ cho người nghèo; chuyện quản lý di tích văn hóa, lễ hội; rồi vấn đề gói kích cầu phân bổ làm sao đến tay doanh nghiệp vừa và nhỏ, người nông dân...

Một số vấn đề thời sự, vĩ mô nhưng gắn với đời sống thường nhật của dân; qua chất vấn đã sáng tỏ ra nhiều. Một số vấn đề sau khi có kết luận, sau kỳ họp, các bộ trưởng liên quan đều xuống cơ sở kiểm tra, xử lý công việc; Chính phủ tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực tế như tháo gỡ khó khăn giúp nông dân bán được lúa gạo; chấn chỉnh việc phát triển sân golf tràn lan; xử lý mạnh những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường; thúc đẩy việc giải phóng mặt bằng xây dựng đường 32, đường vành đai III...

Những cái đó được dân đồng tình, hài lòng, vì thấy có chuyển biến, có tác dụng thật. Hoạt động giám sát, chất vấn đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề, thấy rõ nguyên nhân, trách nhiệm, xác định biện pháp giải quyết để thúc đẩy thực tiễn phát triển.

Không chỉ ra hội trường để bấm nút

Về thực hiện quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quốc hội đã bàn thực chất hơn, đại biểu Quốc hội không chỉ ra hội trường để bấm nút, mà trải qua quá trình làm việc hết sức công phu, gian khổ, trách nhiệm.

Ví dụ, việc điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách năm 2009, lúc đầu trình mức bội chi không quá 8%, nhưng Quốc hội thảo luận, rồi biểu quyết thông qua không quá 7%.

Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình dự kiến năm 2010 cho phép mức bội chi 6,5%, nhưng nhận thấy nếu giữ tỉ lệ bội chi ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, Quốc hội đã thảo luận, trao đi đổi lại, rà soát tính toán rất kỹ, cuối cùng cho phép bội chi 6,2%.

Những quyết định như vậy phản ánh trình độ đại biểu Quốc hội bây giờ được nâng cao, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc dân chủ thực chất, rất chân tình, xây dựng nhưng cũng không nể nang, thuyết phục nhau bằng lý lẽ khoa học và thực tiễn.

Hay việc quyết định xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dư luận rất quan tâm.

Rút kinh nghiệm những dự án trước, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đến tận địa điểm đặt nhà máy, trực tiếp xem xét, lắng nghe ý kiến của người dân địa phương, xem dân có đồng thuận không, đồng thời đòi hỏi Chính phủ cũng phải chuẩn bị đề án rất kỹ.

Công tác xây dựng luật pháp năm nay không chỉ dừng lại ở việc đổi mới quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành. Cái mới là ở chỗ năm nay là năm đầu tiên thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), cho phép một luật có thể sửa nhiều luật, tạo điều kiện để xử lý kịp thời diễn biến thực tiễn.

Ví dụ Luật Nhà ở, Luật Đất đai chỉ sửa một vài điều để đáp ứng yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, khi thật cần thiết mới sửa, nếu lạm dụng cũng không tốt. Như Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện chưa được một năm đã đề nghị sửa, chuẩn bị cũng chưa kỹ, nên trình 2 lần vẫn không được Quốc hội thông qua.

Hay Luật Giáo dục, dự thảo ban đầu rất đơn sơ, nhưng qua nhiều lần bàn bạc rất kỹ giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý rất nhiều, bổ sung nhiều nội dung mới, nhiều vấn đề nổi cộm, quan trọng như: giáo dục mầm non, giáo dục đại học, liên quan yếu tố nước ngoài... thế mà cuối cùng thông qua cũng chỉ được 62% số đại biểu tán thành.

Điều đó nói lên rằng Quốc hội bây giờ cũng không “dễ tính”, không phải cứ trình là thông qua.

Tất cả là người trong cuộc

Một điểm nữa được cử tri đánh giá cao là công tác điều hành các hoạt động của Quốc hội, ngày càng nhuần nhuyễn, đúng pháp luật, phát huy dân chủ, trí tuệ, đạt lý thấu tình. Tính công khai ngày càng rõ ràng hơn.

Về điều hành các phiên họp, kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội bộc bạch, muốn điều hành tốt phải nắm vững luật pháp, quy chế, nội quy kỳ họp, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng.

Mặt khác, người điều hành phải hiểu được yêu cầu nguyện vọng của cử tri, thực tiễn cuộc sống, xuống với dân làm sao biết được cái thật, cái đòi hỏi của dân, đồng thời lại phải biết những vất vả, phức tạp, khó khăn của Chính phủ, những suy nghĩ, đề xuất của đại biểu Quốc hội như thế nào, tâm tư tình cảm ra sao. Người điều hành phải xử lý các mối quan hệ một cách hài hòa bằng tấm lòng chân thành của mình.

Về mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ, giữa Quốc hội với Chính phủ, Quốc hội với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, Chủ tịch Quốc hội nói tất cả đều là người trong cuộc, tất cả đều vì sự nghiệp chung.

Mỗi tổ chức có vai trò, vị trí độc lập tương đối, phải làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình; mỗi cơ quan có vai trò độc lập của mình, nhưng đều có chung một mục đích là vì nhân dân, Quốc hội, Chính phủ đều hết lòng hết sức vì dân, chăm lo cho dân từ việc nhỏ đến việc lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đổi mới phải đúng đắn

Tuy vậy, mặt chưa tốt cũng còn nhiều lắm, vẫn muốn làm sao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội ngày càng tăng, tiếp tục được đổi mới, cải tiến. Phải cố gắng mỗi năm, mỗi kỳ họp, Quốc hội đều có cái mới. Đương nhiên, đổi mới không phải cốt để có “đổi mới” mà đổi mới phải đúng đắn, để thúc đẩy thực tiễn phát triển.

Về những định hướng lớn trong hoạt động của Quốc hội thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2010 có rất nhiều việc phải làm.

Quốc hội tiếp tục thực hiện những chương trình, kế hoạch đã đề ra trên các mặt công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại, đặc biệt là chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, chuẩn bị cho bầu cử và hoạt động của Quốc hội khóa XIII.

Quốc hội cần suy nghĩ tổng kết, nghiên cứu xem có phải bổ sung, sửa đổi Luật Bầu cử, Luật Tổ chức Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cơ cấu tổ chức của hội đồng, các ủy ban của Quốc hội như hiện nay. Quốc hội cần cân nhắc việc có tăng số đại biểu Quốc hội chuyên trách không, tiêu chuẩn thế nào, nếu tăng thì chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, nơi làm việc, bố trí ra sao...

Sắp tới Quốc hội cũng cần đổi mới, cải tiến làm sao để luật đi vào cuộc sống nhanh hơn. Luật “khung”, luật “ống” đỡ nhiều rồi, nhưng lại có ý kiến cho rằng có một số luật quá cụ thể, quá cứng, vừa mới thông qua đầu năm, cuối năm lại phải sửa.

Nên chăng Quốc hội cũng phải có những điều luật mang tính nguyên tắc để Chính phủ cụ thể hóa bằng những văn bản dưới luật, nhất là đối với những vấn đề mới, nếu chốt cứng cụ thể ngay vào trong luật thì chưa chắc đã đủ cơ sở, sau này rất khó thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc gì cũng vậy, không nên quá nhấn một chiều, phiến diện, pháp luật là tối thượng nhưng thực tiễn lại là tiêu chuẩn của chân lý; luật là để phục vụ thực tiễn cuộc sống nếu nó lạc hậu thì phải sửa, nhưng trong khi chưa sửa, nó vẫn phải được thực hiện./.
 
(Theo Nguyễn Thị Sự // Vietnam+)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
  • "Chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của VN"
  • Tìm cách khắc phục hậu quả “bão” kinh tế 2009
  • Cải cách thủ tục hành chính: Để phục vụ tốt hơn
  • Bế mạc kỳ họp Quốc hội với nhiều kết quả ý nghĩa
  • Quốc hội không "lách luật" trong giám sát Chính phủ
  • Tuyển sinh 350 suất học bổng từ ngân sách Nhà nước
  • Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội “Nợ quốc gia có thể tăng nhanh”
  • Sức mạnh Quốc hội, nhìn từ người trong cuộc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi