Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kiến nghị thành lập Ủy ban điều tra vụ Vinashin

Vinashin là bài học đắt giá trong quá trình phát triển kinh tế (Trong ảnh: Tàu do Vinashin đóng chuẩn bị trao cho khách hàng). Ảnh: Ngọc Tiến.
Vinashin là bài học đắt giá trong quá trình phát triển kinh tế (Trong ảnh: Tàu do Vinashin đóng chuẩn bị trao cho khách hàng). Ảnh: Ngọc Tiến.

Sáng 1 - 11, Quốc hội bước vào phiên thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, kế hoạch năm 2011. Phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp này đã “nóng” với những câu hỏi về trách nhiệm để xảy ra nợ nần, thất thoát tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Với những lập luận sâu sắc, ngôn từ sắc bén của một giáo sư ngôn ngữ, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cho biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội để điều tra trách nhiệm của những thành viên chính phủ trong vụ Vinashin.

Ông Thuyết cho rằng, dù có dùng câu từ nào đi nữa thì cũng phải thừa nhận “Vinashin đã sụp đổ”. Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới một trăm nghìn tỷ đồng. Với món nợ này, một tỉnh thu ngân sách được một nghìn tỷ đồng/năm phải làm quần quật, không ăn uống, mua sắm, may mặc suốt một thế kỷ mới trả được.

Ông Thuyết cho rằng, sai phạm trong chỉ đạo điều hành đã rõ nhưng câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là ngoài lãnh đạo Vinashin thì những ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, Chính phủ có trách nhiệm và đã truy cứu trách nhiệm, nhưng cụ thể như thế nào? “Theo tôi hiểu, trong sự việc này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc Hội - cơ quan đại điện cho cử tri cả nước, không thể chỉ nhận trách nhiệm chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm trong nội bộ là xong”- Ông Thuyết nói.

Dẫn chứng vụ án Lã Thị Kim Oanh cách đây hơn sáu năm, ông Thuyết phân tích: Vì để thất thoát hơn 100 tỷ đồng mà một bộ trưởng đang rất được lòng dân (nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ - PV) đã phải từ chức và hai vị thứ trưởng ra hầu tòa. Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh nhưng sai phạm, thất thoát còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Ông Thuyết bày tỏ, trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đã đề cấp nghi vấn về việc có sự bao che trong vụ Vinashin, nhưng chưa làm rõ bao che ra sao. Do vậy, “nếu Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân”- Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói.

Ông cũng thẳng thắn kiến nghị: “Căn cứ vào Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức biểu quyết cho thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên chính phủ trong vụ việc này. Trên cơ sở đó, vào cuối kỳ họp, sẽ bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng và một số thành viên chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra, đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần phải điều tra”.

Kiến nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã nhận được sự đồng tình của ba đại biểu phát biểu sau. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng, vụ Vínashin bộc lộ rõ sự yếu kém trong quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho Vinashin vay cả tỷ USD nhưng tập đoàn này đi mua tàu cũ, đầu tư khắp nơi mà Chính phủ không ngăn chặn được kịp thời.

Ông Cuông cũng băn khoăn, tại sao hai lần Thanh tra Chính phủ đề nghị thanh tra Vinashin nhưng sau đó đều bị đình hoãn, dẫn đến chậm phát hiện những sai phạm tại tập đoàn này.

“Tôi tàn thành với đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, nên thành lập Ủy ban lâm thời điều tra, xác minh để xử lý nghiêm các tập đoàn nhà nước lũng đoạn nền kinh tế”- Ông Cuông kiến nghị.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, tình hình tham nhũng không giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn nên đồng tình với đại biểu Thuyết và đại biểu Cuông là cần mổ xẻ lãm rõ vụ Vinashin.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, trong vụ Vinashin, những người có trách nhiệm cần “có lời xin lỗi nhân dân và thể hiện văn hóa từ chức để nhân dân có lòng tin đối với người lãnh đạo”. Bà Loan cũng kiến nghị phải quy trách nhiệm đến cùng trong vụ việc này.

Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương khi để thiếu điện, gây tâm lý bức xúc trong nhân dân.

Trong buổi sáng nay, hai bộ trưởng đăng đàn giải đáp những kiến nghị của các đại biểu. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân giải trình làm rõ về quy hoạch xây dựng các nhà máy xi măng. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng làm rõ các vấn đề về thiếu điện, nhập siêu.

Ông Hoàng đã nhận một phần trách nhiệm trong chỉ đạo của bộ khi để xảy ra tình trạng thiếu điện thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều đại biểu và cử tri quan tâm là trách nhiệm trong vụ Vinashin thì trong buổi sáng chưa có thành viên Chính phủ nào giải đáp.

(Theo Tienphong Online)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi