Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Tố cáo: Xem xét hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax

Nhiều đại biểu tán thành quy định của dự thảo Luật Tố cáo khi cho rằng, nên mở rộng quyền được tố cáo của công dân, vì thế cần chấp nhận hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax khi người tố cáo nêu đầy đủ danh tính.

Nhiều đại biểu tán thành quy định của dự thảo Luật khi mở rộng quyền được tố cáo của công dân.

Dự thảo Luật Tố cáo được Quốc hội thảo luận tại Hội trường hôm nay (18/11).

Khắc phục những bất cập của Luật hiện hành

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, từ khi Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 đến nay, “số vụ việc tố cáo gia tăng với tính chất gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia”.

Trong khi đó, theo Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành việc xác định thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức tiếp nhận và xử lý các loại tố cáo chỉ mang tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan cũng như trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, Luật có đề cập nhưng chưa quy định rõ cơ chế bảo vệ người tố cáo khi họ bị đe dọa, trả thù, trù dập, chưa có quy định nội dung cũng như các biện pháp bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm pháp lý của người tiết lộ bí mật liên quan đến người tố cáo.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá những sửa đổi, bổ sung này trong dự thảo Luật là tương đối tích cực. Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc xây dựng Luật tố cáo cần đáp ứng hai yêu cầu cơ bản là bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả.

Cần tạo cơ chế bảo vệ người tố cáo hữu hiệu hơn

Các đại biểu Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Kim Thúy (đại biểu Đà Nẵng) đều cho rằng, hiện nay người tố cáo thường rơi vào tình trạng yếu thế, bất lợi nên cần có cơ chế bảo vệ thì mới khuyến khích người tố cáo, làm trong sạch bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế ai bảo vệ họ, bảo vệ như thế nào, cơ chế bảo vệ ra sao thì dự thảo Luật chỉ quy định “áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết” là thiếu cụ thể. Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải nêu rõ các biện pháp bảo vệ người tố cáo là gì, lực lượng nào tham gia bảo vệ người tố cáo, bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo, bảo vệ người thân của họ, bảo vệ người cung cấp thông tin cho người đi tố cáo...

“Bảo vệ người tố cáo không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan công an mà cả chính quyền và cơ quan tiếp nhận thông tin tố cáo”, đại biểu Kim Thúy kiến nghị.

Nhiều đại biểu kiến nghị bên cạnh cơ chế bảo vệ hữu hiệu người tố cáo, cần có hình thức khen thưởng xứng đáng và bù đắp những thiệt thòi mà người đi tố cáo phải chịu đựng khi làm việc này. Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) đề xuất trích một khoản thưởng lớn để “khen thưởng” người tố cáo nhất là đối với vụ án tham nhũng, bởi cơ chế tài chính hiện nay rất khó động viên người tố cáo.

Mở rộng hình thức tố cáo

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Trần Ky phát biểu ý kiến

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tán thành quy định trong dự thảo Luật khi cho rằng, nên mở rộng quyền được tố cáo của công dân, vì thế cần chấp nhận hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax khi người tố cáo nêu đầy đủ danh tính.

Các đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nhấn mạnh, đây là quy định cần thiết trong việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay. Vấn đề ở chỗ là người tiếp nhận tố cáo, cơ quan tiếp nhận tố cáo xử lý những thông tin này như thế nào mà thôi.

“Trong 10 thông tin tố cáo, chỉ cần 1 thông tin đúng cũng quá mừng, kể cả người tố cáo không có địa chỉ. Chúng ta “đãi cát tìm vàng” để làm trong sạch bộ máy là điều nên làm”, đại biểu Nguyễn Đình Xuân bày tỏ.

Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên (đại biểu Tiền Giang), Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh Ngô Minh Hồng ủng hộ quy định này của dự thảo luật.

Đối với người tố cáo không ghi địa chỉ, tên tuổi còn gọi là tố cáo nặc danh, nhiều đại biểu cũng cho rằng, không ít người tố cáo nhận thấy sự yếu thế, bất lợi, sự bị trả thù nên mới tố cáo hình thức này.

“Tố cáo là việc tiếp nhận thông tin về vi phạm pháp luật của cán bộ công chức, vì thế không câu nệ lắm về nặc danh hay không, vấn đề là thông tin đó chứng cứ có rõ ràng, có cơ sở hay không? Đây mới là điều kiện tiên quyết”, đại biểu Ngô Minh Hồng phân tích.

Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) nhìn nhận, dù tố cáo nặc danh nhưng nếu đúng thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải nhận biết.

Kết luận các nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là đạo luật rất quan trọng liên quan đến quyền, nghĩa vụ rất cơ bản của công dân, vì thế các quy định cần chặt chẽ, bảo đảm thực thi, tăng cường pháp chế.

Vì vậy, quy định hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax cần được ghi nhận nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho người dân khi tố cáo.

Về bảo vệ người tố cáo, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, qua phân tích, lý lẽ của các đại biểu thì quy định về cơ chế bảo vệ người tố cáo như trong dự thảo luật là chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp thu, chỉnh lý quy định này cụ thể, chặt chẽ hơn. Đặc biệt, quy định xử lý nghiêm cá nhân nào đó trả thù, trù dập người tố cáo, củng cố niềm tin cho nhân dân.

* Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đo lường.

(Theo Lê Sơn // Tin Chính phủ)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi