Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm 2011: Phải giảm bội chi 5% hoặc thấp hơn

 Sáng 3/11, các đại biểu thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực tăng thu và giảm bội chi của Chính phủ trong năm tài khóa 2010. Các đại biểu chung đề nghị, Chính phủ cần duy trì mức bội chi năm 2010 ở mức 5% hoặc thấp hơn. Trước mắt, chuyển một phần thu từ năm 2010 sang năm 2011 để giảm bội chi, trong đó ưu tiên tăng chi cho an sinh xã hội, giáo dục, y tế...

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cũng cần nghiêm túc xem xét, đánh giá lại việc vượt thu, liệu có phải do lập dự toán không chính xác nên năm nào cũng vượt thu hay không.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, Quốc hội đã đặt ra nhiều chương trình mục tiêu, tiêu chí hoàn thành nhưng để thành công thì ngoài việc thừa hành tốt còn cần chi tiêu tốt.

“Bội chi ngân sách nên càng thấp càng tốt”, đại biểu Xuân nói.

Theo đại biểu Xuân, giữa dự toán thu và chi của Chính phủ năm nào cũng vênh, năm nào cũng thu vượt ít nhất là 10%. Nếu như vậy thì không cần giảm chi thì đã giảm bội chi và khi số thu được đưa vào chi thì lại tạo ra nghịch lý là vừa bội thu, vừa bội chi. Mặt khác, vì các địa phương muốn đạt mục tiêu tăng trưởng cao nên thường đề xuất dự toán rất cao, gây áp lực thêm cho ngân sách trung ương.

“Theo tôi, chúng ta nên đẩy kế hoạch phê duyệt dự toán ngân sách lên sớm hơn, từ tháng 6 hàng năm”, đại biểu Xuân đề nghị.

Cùng quan điểm, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng, 10 năm vừa qua, vượt thu và vượt chi đều rất lớn so với dự toán, như vậy là “không ổn”, phải xem lại dự toán thu-chi cho sát hơn.

“Chính phủ thu ngân sách lúc nào cũng vượt dự toán, trong khi dự báo GDP thì lại rất sát”, đại biểu Lợi nói.

Từ đó, đại biểu Lợi đề nghị lập lại dự toán thu của năm 2011 để có một ngân sách tốt hơn.
 

Đại biểu Phạm Phương Thảo (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất, để tạo sự cân đối trong thu-chi, năm 2011, Chính phủ nên thực hiện thu-chi với tinh thần tích cực thu, tập trung tiết kiệm, chi tập trung cho những nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, không dàn trải…

Đại biểu Thảo cũng đề nghị, TƯ cần tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, các thủ tục hành chính cho các địa phương trong khâu thu-chi ngân sách, bởi hiện vẫn còn những văn bản gây phiền hà, bất cập với cả người dân và cơ quan thực hiện.

Quan tâm đến nợ công, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, mức nợ công của Chính phủ đang tăng cao, mức an toàn 50% là do Chính phủ tự đặt ra nên không thể tự cho đó là ngưỡng an toàn.

Để giảm bớt áp lực nợ, đại biểu Tuyết đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng cơ cấu lại các khoản chi, chấn chỉnh hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả, chất lượng, chọn các dự án mang lại hiệu quả, chú trọng đầu tư cho giao thông nông thôn. Đồng thời, giảm bội chi ngân sách 2011 còn 5%, trước mắt, chuyển một phần khoản thu từ năm 2010 sang năm 2011 để giảm áp lực bội chi.

Nhất trí với mức bội chi năm 2011 là 5% hoặc thấp hơn, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) có thêm đề nghị trong năm 2011, Chính phủ nên tăng dự phòng ngân sách để khắc phục hậu quả của lũ lụt và thiên tai có thể xảy ra.

Chung đề nghị với đại biểu Tuyết, đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) đề nghị thêm, một phần nguồn thu chuyển từ năm 2010 sang năm 2011 nên dành để đẩy mạnh việc trồng rừng, nhằm giữ nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, việc thu vượt, thu không sát dự toán năm 2010 là do tăng thu từ sản xuất kinh doanh (xuất phát từ giá, thuế suất, mà điểm này dự báo rất khó khăn); đất đai (tăng cường đấu giá, giao dự án sát với giá thị trường để chống thất thoát nên các địa phương tăng khoản này); thuế xuất nhập khẩu (do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, chủ động điều chỉnh thuế suất một số mặt hàng để hạn chế nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu, giá cả thế giới biến động). Mặt khác, do năm 2009, thực hiện chính sách giãn thuế, các khoản giãn này thu vào quý I, II năm 2010 và có một số khoản thu rải rác nên Quý I, II tăng khá hơn.

“Nếu tính sát được thì Chính phủ cũng đã tính sát, chứ không phải đưa dự toán thấp để dự phòng”, Bộ trưởng nói.

Về bội chi và nợ công, Bộ trưởng cho biết, đều bắt nguồn từ nguồn vay. Bộ trưởng đồng tình nếu cân đối ngân sách tốt, không phải đi vay là tốt nhất, vay càng ít càng tốt, bội chi càng ít càng tốt. Tuy nhiên, nhu cầu chi của đất nước rất lớn, nhất là chi cho hạ tầng kinh tế xã hội, an sinh xã hội, nên nếu giảm bội chi thì phải xem xét tăng thu hoặc giảm đầu tư.

“Hiện bội chi là không phát hành mà đi vay, chỉ có trái phiếu Chính phủ là không tính vào bội chi. Còn vốn ODA đã nằm trong bội chi”, Bộ trưởng cho biết.

Về nợ công và nợ Chính phủ, Bộ trưởng cho biết, số nợ mà Chính phủ báo cáo Quốc hội là đã tính theo tỷ giá hiện hành. Hiện các khoản nợ đều được trả đầy đủ.

“Chúng tôi đồng tình vay về phải quản lý chặt, làm ăn hiệu quả, dự án phải làm ra lãi để trả nợ. Nếu làm như vậy thì cũng nên vay ở mức độ nhất định, đảm bảo an toàn tài chính”, Bộ trưởng nói.

 

( Theo H.V // Báo Hà nội mới Online )

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi